LUẬT CƠ BẢN CỘNG HÒA LIÊN BANG
ĐỨC 1949
I. CÁC QUYỀN CƠ BẢN
Điều 1 [Nhân phẩm – nhân quyền – giá trị pháp lý của các quyền cơ
bản]
(1) Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó
là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan nhà nước.
(2) Nhân dân Đức do đó thừa nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất
khả nhượng của con người như là cơ sở của mọi cộng đồng, của hòa bình và công
lý trên thế giới.
(3) Các quyền cơ bản sau đây sẽ ràng buộc các cơ quan lập
pháp, hành pháp và tư pháp như luật có thể áp dụng trực tiếp.
Điều 2 [Tự do cá nhân]
(1) Mọi người đều có quyền phát triển nhân cách
của mình tự do chừng nào người ấy không vi phạm quyền của người khác hoặc
vi phạm do chống lại trật tự hiến pháp hoặc luân lý.
(2) Mọi người đều có quyền sống và toàn vẹn về thể chất. Tự do
thân thể là bất khả xâm phạm. Những quyền này có thể bị giới hạn chỉ khi theo
quy định của pháp luật.
Điều 3 [Bình đẳng trước pháp luật]
(1) Tất mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
(2) Nam và nữ có quyền bình đẳng. Nhà nước thúc đẩy
việc thực hiện thực tế quyền bình đẳng cho phụ nữ và nam giới và thực hiện các
bước để loại sự yếu thế hiện còn tồn tại.
(3) Không ai được ưu tiên hoặc bị kỳ thị vì giới tính,
huyết thống, chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc, đức tin, hoặc quan điểm
tôn giáo hay chính trị. Không ai bị kỳ thị vì khuyết tật.
Điều 4 [Tự do tín ngưỡng và lương tâm]
(1) Tự do đức tin và lương tâm, tự do tuyên xưng một tôn giáo hay
tư tưởng là bất khả xâm phạm.
(2) Việc thực hành tôn giáo không bị can thiệp được bảo đảm.
(3) Không ai bị bắt buộc làm trái lương tâm của mình để thực hiện
nghĩa vụ quân sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí. Nội dung chi tiết được quy
định bởi luật liên bang.
Điều 5 [Tự do ngôn luận]
(1) Mọi người đều có quyền tự do biểu đạt
và phổ biến các quan điểm của mình bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh và không bị
trở ngại khi tiếp cận các nguồn thông tin có thể truy cập. Tự do báo chí và tự
do truyền thông bằng các phương tiện phát sóng và phim ảnh sẽ được
đảm bảo. Không có sự kiểm duyệt.
(2) Các quyền này có thể bị giới hạn trong các quy
định của pháp luật nói chung, trong các quy định để bảo vệ trẻ em
và để tôn trọng danh dự cá nhân.
(3) Nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu và giảng dạy
được tự do. Quyền tự do giảng dạy không miễn trừ cho bất kỳ người nào khỏi việc
phải trung thành với hiến pháp.
Điều 6 [Hôn nhân - gia đình - trẻ em]
(1) Hôn nhân và gia đình được sự bảo vệ đặc biệt của nhà
nước.
(2) Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em là quyền tự nhiên của
cha mẹ và trách nhiệm vụ chủ yếu của họ. Nhà nước có trách nhiệm giám sát cha
mẹ thực hiện trách nhiệm này.
(3) Trẻ em chỉ có thể bị tách ra khỏi gia đình chúng trái
với ý muốn của cha mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của luật, và chỉ khi cha
mẹ hoặc người giám hộ không thực thi nhiệm vụ của mình hoặc đứa trẻ có nguy cơ
bị bỏ bê nghiêm trọng.
(4) Mỗi người mẹ được hưởng sự bảo vệ và chăm
sóc của cộng đồng.
(5) Trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân được pháp luật quy định có
cùng cơ hội phát triển thể chất và tinh thần, vị trí của chúng trong xã hội
được hưởng như những em sinh ra trong hôn nhân.
Điều 7 [Hệ thống giáo dục]
(1) Toàn bộ hệ thống trường học được
đặt dưới sự giám sát của nhà nước.
(2) Cha mẹ và người giám hộ có quyền quyết định xem liệu trẻ
em có nhận được sự hướng dẫn về tôn giáo hay không.
(3) Hướng dẫn về tôn giáo sẽ là một phần của chương trình
giảng dạy thường xuyên trong các trường học nhà nước, ngoại trừ các trường học
phi giáo phái. Không làm ảnh hưởng đến quyền giám sát của nhà nước,
hướng dẫn tôn giáo được thực hiện phù hợp với các nguyên lý của cộng đồng
tôn giáo có liên quan. Giáo viên không bị bắt buộc thực hiện việc hướng dẫn tôn
giáo nếu họ không muốn.
(4) Quyền thành lập các trường tư thục được bảo đảm. Trường
học tư thục hoạt động như là lựa chọn thay thế cho các trường học nhà
nước đòi hỏi phải có sự chấp thuận của nhà nước và phải tuân thủ luật của Bang.
Sẽ được chấp thuận nếu các trường tư thục không thua kém các trường công lập về
mục tiêu giáo dục, cơ sở vật chất, hoặc đội ngũ giảng viên được đào
tạo chuyên nghiệp, và không khuyến khích sự phân biệt học sinh theo điều kiện
của cha mẹ. Sự chấp thuận sẽ bị thu hồi lại nếu các điều kiện kinh tế và
pháp lý của đội ngũ giảng viên không đảm bảo đầy đủ.
(5) Một trường tiểu học tư thục sẽ được chấp thuận chỉ khi cơ quan
quản lý giáo dục thấy rằng nó phục vụ một lợi ích sư phạm đặc biệt, hoặc
nếu, theo đề nghị của cha mẹ hoặc người giám hộ, được thành lập như là một
trường theo đạo hay theo nhiều đạo, hoặc như một trường được dựa trên một triết
lý riêng và không có trường tiểu học nhà nước loại hình đó tồn tại trong khu
vực.
(6) Các trường dự bị sẽ tiếp tục bị bãi bỏ.
Điều 8 [Tự do hội họp]
(1) Tất cả người Đức có quyền hội họp hòa bình và không vũ
trang mà không cần thông báo trước hoặc cho phép.
(2) Trong trường hợp hội họp ngoài trời, quyền này có thể
được hạn chế bởi hoặc theo một đạo luật.
Điều 9 [Tự do lập hội]
(1) Tất cả người Đức có quyền thành lập các tập đoàn và hiệp
hội khác.
(2) Hiệp hội có mục đích hoặc hoạt động trái với luật hình sự,
hoặc là chống lại trật tự hiến pháp hay các giá trị được quốc tế tôn trọng, sẽ
bị cấm.
(3) Quyền thành lập hiệp hội để bảo vệ và cải
thiện điều kiện làm việc và kinh tế được bảo đảm cho mỗi cá
nhân và tất cả các công việc hoặc nghề nghiệp. Các thỏa thuận hạn chế hoặc làm
suy giảm quyền này là vô hiệu, các biện pháp nhắm đến đạt
được mục tiêu này là bất hợp pháp. Các biện pháp thực hiện theo Điều 12a,
khoản (2) và (3), Điều 35, khoản (4), Điều 87A, hoặc Điều 91 không thể trực
tiếp chống lại các tranh chấp lao động tham gia bởi các hiệp hội trong
phạm vi ý nghĩa của câu đầu tiên của khoản này nhằm bảo vệ và cải thiện
các điều kiện kinh tế và lao động.
Điều 10 [Bảo mật thư tín, bưu chính và viễn thông]
(1) Sự riêng tư của thư tín, bưu chính và viễn thông là bất khả
xâm phạm.
(2) Các hạn chế có thể được đưa ra chỉ khi theo
quy định của luật. Nếu hạn chế nhằm bảo vệ trật tự tự do dân chủ cơ bản,
sự tồn tại, an ninh của Liên bang hoặc của một Bang, luật có thể quy định rằng
người bị ảnh hưởng sẽ không được thông báo về sự hạn chế và quyền
khởi kiện ra Toà án được thay thế bằng việc xem xét vụ việc bởi một cơ quan và
cơ quan bổ trợ được cơ quan lập pháp chỉ định.
Điều 11 [Tự do đi lại]
(1) Tất cả người Đức có quyền đi lại tự do trên toàn
lãnh thổ liên bang.
(2) Quyền này có thể được hạn chế chỉ bởi hoặc theo một đạo
luật, và chỉ trong các trường hợp thiếu phương tiện hỗ trợ đầy đủ
sẽ khiến tạo ra gánh nặng đặc biệt cho cộng đồng, hoặc hạn chế như vậy là cần
thiết để ngăn chặn sự nguy hiểm trước mắt cho sự tồn tại hoặc trật tự tự do dân
chủ cơ bản của Liên bang hoặc của một Bang, để chống lại các nguy hiểm
của bệnh dịch, để đối phó với một tai nạn nghiêm trọng hoặc thiên tai, để
bảo vệ trẻ em khỏi bị bỏ bê nghiêm trọng, hoặc để
ngăn chặn tội phạm.
Điều 12 [Tự do nghề nghiệp]
(1) Tất cả người Đức có quyền tự do lựa chọn công việc hoặc
nghề nghiệp, nơi làm việc và nơi đào tạo của họ. Việc thực hành một công việc
hoặc nghề nghiệp có thể được quy định bởi hoặc theo một đạo
luật.
(2) Không ai có thể bị buộc thực hiện một loại công việc cụ thể,
ngoại trừ trong khuôn khổ một nghĩa vụ truyền thống của cộng đồng áp dụng
phổ biến và bình đẳng cho tất cả mọi người.
(3) Lao động cưỡng bức chỉ có thể áp dụng đối với người đã bị tước
tự do bởi phán quyết của tòa án.
Điều 12a [Nghĩa vụ quân sự bắt buộc và nghĩa vụ dân sự thay thế]
(1) Nam giới đến tuổi 18 có thể bị yêu cầu phục vụ trong Lực lượng
vũ trang, Cảnh sát biên giới Liên bang, hoặc trong một tổ chức dân phòng.
(2) Bất kỳ người nào, trên cơ sở của lương tâm, từ chối làm nghĩa
vụ quân sự liên quan đến sử dụng vũ khí có thể được yêu cầu thực
hiện những nghĩa vụ thay thế. Thời hạn của nghĩa vụ thay thế không được vượt
quá nghĩa vụ quân sự. Nội dung chi tiết được quy định bởi luật, không được can
thiệp đến tự do quyết định theo mệnh lệnh của lương tâm, và cũng đề ra các khả
năng về nghĩa vụ thay thế không liên quan đến các đơn vị của Lực
lượng vũ trang hoặc của Cảnh sát biên giới Liên bang.
(3) Những người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc mà không phải
là người bị triệu tập thực hiện nghĩa vụ theo khoản (1) hoặc (2) điều này có
thể, khi có tình trạng phòng vệ, được chỉ định bởi hoặc theo một đạo luật làm
công việc liên quan đến nghĩa vụ dân sự cho các mục đích quốc phòng, bao gồm cả
việc bảo vệ dân thường; họ có thể được giao làm công việc chỉ với mục
đích hỗ trợ chức năng cảnh sát hoặc các chức năng khác quản lý hành chính,
những công việc chỉ có thể thực hiện được bằng cách tham gia vào công vụ. Công
việc nêu tại câu đầu tiên của khoản này có thể bao gồm các nghĩa vụ trong lực
lượng vũ trang, việc cung cấp vật tư quân sự, hoặc với các cơ quan hành chính
công; việc hỗ trợ và phục vụ dân thường sẽ chỉ được phép nhằm đáp ứng nhu cầu
cơ bản của họ hoặc để đảm bảo sự an toàn của họ.
(4) Nếu, trong trạng thái phòng vệ, nhu cầu về các dịch vụ dân sự
trong các hệ thống y tế dân sự hoặc trong bệnh viện quân sự không thể được đáp
ứng trên cơ sở tự nguyện, phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 55 có thể được triệu
tập để thực hiện công việc bởi hoặc theo quy định của luật. Không trường hợp
nào buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng vũ khí.
(5) Trước khi hiện diện trạng thái phòng vệ, yêu cầu thực hiện các
nghĩa vụ theo quy định của khoản (3) điều này có thể được
thực hiện nếu các yêu cầu của khoản (1) của Điều 80a được đáp ứng. Để chuẩn bị
cho việc thực hiện nghĩa vụ theo khoản (3) của Điều này mà đòi hỏi các kiến
thức hoặc kỹ năng đặc biệt, việc phải tham gia vào các khóa đào tạo
cần được yêu cầu bởi hoặc theo quy định của luật. Trong trường hợp
đó, câu đầu tiên của khoản này sẽ không áp dụng.
(6) Nếu trong tình trạng phòng vệ, nhu cầu cần công nhân
trong các khu vực quy định tại các câu thứ hai của khoản (3) Điều này không thể
được đáp ứng trên cơ sở tự nguyện, quyền công dân Đức từ bỏ
nghề nghiệp hoặc nơi làm việc của họ có thể bị hạn chế bởi hoặc theo một đạo
luật nhằm đáp ứng nhu cầu này. Trước khi sự tồn tại của tình trạng phòng vệ,
câu đầu tiên của đoạn (5) của Điều này được áp dụng với
những sửa đổi thích hợp.
Điều 13 [Bất khả xâm phạm nhà riêng]
(1) Nhà riêng là bất khả xâm phạm.
(2) Việc khám xét chỉ có thể được phép bởi một thẩm phán,
hoặc vào thời điểm cấp thiết, bởi các cơ quan khác được luật cho phép và chỉ có
thể được thực hiện theo cách thức luật đó quy định.
(3) Nếu các dữ kiện cụ thể củng cố nghi ngờ rằng một người nào nào
đó đã phạm một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được một luật
quy định cụ thể, các phương tiện kỹ thuật giám sát âm thanh ngôi nhà mà nghi
can đang ở có thể được sử dụng theo quyết định của cơ
quan tư pháp với mục đích truy tố hành vi phạm tội, với điều kiện các phương
pháp điều tra thay thế khác là quá mức khó khăn hoặc không hiệu quả. Quyết định
cho phép phải có thời hạn. Quyết định được đưa ra bởi một hội đồng gồm 3
Thẩm phán. Khi thời gian gấp rút, nó cũng có thể do một thẩm phán đưa ra.
(4) Để ngăn chặn mối nguy hiểm cho an toàn công cộng, đặc biệt là
nguy hiểm đến tính mạng hoặc đối với công chúng, các phương tiện kỹ thuật giám
sát nhà riêng có thể được sử dụng theo quyết định của cơ quan tư
pháp. Khi thời gian gấp rút, các biện pháp như vậy cũng có thể được quyết định
bởi các cơ quan khác được luật cho phép, quyết định của cơ quan tư pháp được
đưa ra sau đó một cách nhanh chóng.
(5) Nếu phương tiện kỹ thuật đã được dự tính chỉ nhằm
bảo vệ người chính thức ở trong một ngôi nhà, biện pháp này có thể
được quyết định bởi một cơ quan được luật định. Các thông tin thu được qua đó
có thể sử dụng nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để tránh nguy hiểm,
chỉ khi tính hợp pháp của biện pháp này đã được xác định bởi một thẩm phán; khi
thời gian gấp rút, quyết định của cơ quan tư pháp được đưa ra sau đó một
cách nhanh chóng.
(6) Chính phủ Liên bang có trách nhiệm báo cáo Hạ viện hàng năm về
việc sử dụng kỹ thuật phù hợp với khoản (3) trong phạm vi thẩm quyền của Liên
bang, phù hợp với khoản (4) và, trong chừng mực quyết định tư pháp là cần
thiết, phù hợp với khoản (5) của Điều này. Một ủy ban do Hạ viện
bầu ra sẽ thực hiện sự kiểm soát của quốc hội trên cơ sở báo cáo này. Một sự
kiểm soát của quốc hội tương tự sẽ được thực hiện ở cấp Bang.
(7) Các can thiệp và hạn chế khác chỉ được cho phép để
ngăn chặn một nguy hiểm cho công chúng hoặc cho tính mạng của một cá nhân, hoặc
theo quy định của một đạo luật, để đối phó với nguy hiểm đe dọa an toàn và trật
tự công cộng, đặc biệt là để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở,
chống lại sự nguy hiểm của dịch bệnh, hoặc để bảo vệ những trẻ em bị đe
dọa.
Điều 14 [Tài sản - thừa kế - tước quyền sở hữu]
(1) Tài sản và quyền thừa kế được đảm bảo. Nội dung và
giới hạn của chúng được các luật quy định.
(2) Tài sản đi kèm với các nghĩa vụ. Việc sử dụng nó cũng
nhằm phục vụ lợi ích chung.
(3) Việc tịch thu tài sản chỉ được phép thực hiện vì lợi ích
chung. Điều đó chỉ có thể được quyết định bởi hoặc theo một đạo luật xác định
tính chất và mức độ bồi thường. Sự bồi thường này được xác định bằng việc tạo
lập một sự cân bằng giữa lợi ích công cộng và lợi ích của người bị ảnh
hưởng. Trong trường hợp tranh chấp phát sinh liên quan đến bồi thường,
việc truy đòi có thể đưa ra các tòa án bình thường.
Điều 15 [Xã hội hóa]
Đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các phương tiện sản xuất vì mục
đích xã hội hoá có thể được chuyển sang sở hữu nhà nước hoặc các hình
thức doanh nghiệp nhà nước bởi một đạo luật xác định tính chất và mức độ bồi
thường. Liên quan đến sự bồi thường đó, câu thứ ba và thứ tư của khoản (3)
của Điều 14 sẽ được áp dụng với những sửa đổi thích
hợp.
Điều 16 [Quốc tịch - dẫn độ]
(1) Không người Đức nào có thể bị tước tư cách công dân của mình.
Quốc tịch chỉ có thể bị mất theo một đạo luật và trái với ý muốn của
người bị ảnh hưởng chỉ khi việc đó không khiến người đó trở
thành người không quốc tịch.
(2) Người Đức có thể bị dẫn độ tới một quốc gia nước ngoài. Luật
có thể quy định khác về dẫn độ đến một quốc gia thành viên
của Liên minh châu Âu hoặc một tòa án quốc tế, với điều kiện nguyên tắc pháp
quyền được tôn trọng.
Điều 16a [Quyền tị nạn]
(1) Những người bị bức hại vì lý do chính trị sẽ có quyền tị
nạn.
(2) Khoản (1) của Điều này không thể được viện dẫn bởi một người
đi vào lãnh thổ liên bang từ một quốc gia thành viên của Cộng đồng châu
Âu hoặc từ một nước thứ ba khác mà việc áp dụng Công ước liên quan đến địa vị
của người tị nạn và Công ước về bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản được bảo đảm.
Các quốc gia ngoài Cộng đồng Châu Âu mà áp dụng các tiêu chí của câu đầu tiên
của khoản này sẽ được quy định chi tiết bởi một đạo luật có sự chấp thuận của
Thượng viện. Trong các trường hợp quy định trong câu đầu tiên của khoản này,
các biện pháp để chấm dứt sự lưu trú của người nộp đơn có thể được
thực hiện mà không cần quan tâm đến bất kỳ thách thức pháp lý nào có thể đã
được lập chống lại họ.
(3) Bằng một đạo luật có sự chấp thuận của Thượng viện, các
quốc gia có thể quy định cụ thể trong đó trên cơ sở của luật, thực
tiễn thi hành các điều kiện chính trị nói chung, có thể kết luận rằng
không có sự đàn áp chính trị hay trừng phạt hoặc đối xử vô
nhân đạo hoặc hạ nhục. Người nước ngoài từ quốc gia như vậy được coi là
không bị đàn áp, trừ khi anh ta đưa ra bằng chứng chứng minh kết luận,
trái với giả định này, là người đó đã bị bức hại vì lý do chính trị.
(4) Trong các quy định bởi khoản (3) Điều này và trong các trường
hợp khác rõ ràng là vô căn cứ hoặc không có cơ sở, việc thực hiện các biện pháp
chấm dứt sự lưu trú của người xin tỵ nạn có thể được đình chỉ do
tòa án chỉ khi có sự nghi ngờ thực sự về tính hợp pháp; phạm vi xem xét có thể
được hạn chế và các phản đối chậm trễ có thể được bỏ qua. Các chi tiết được xác
định theo quy định của luật.
(5) Khoản (1) đến khoản (4) của Điều này không loại trừ việc ký
kết các thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia thành viên Cộng đồng Châu Âu
với nhau hoặc với những quốc gia thứ ba, có sự quan tâm đến các nghĩa vụ
phát sinh từ Công ước liên quan địa vị của người tị nạn và
Công ước bảo vệ nhân quyền và tự do cơ bản, việc thi hành các công ước
này phải được đảm bảo tại các quốc gia ký kết thỏa thuận, thông qua
các quy tắc trao thẩm quyền quyết định về đơn xin tị nạn, bao gồm việc công
nhận có đi có lại các quyết định tị nạn.
Điều 17 [Quyền khởi kiện]
Mọi người đều có quyền, cá nhân mình hoặc cùng với những người
khác, gửi văn bản đề nghị hoặc khiếu nại đến cấp có thẩm quyền và cơ quan lập
pháp.
Điều 17a [Hạn chế quyền cơ bản trong các trường hợp cụ thể]
(1) Các luật liên quan đến nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ thay thế
có thể quy định rằng các quyền cơ bản của các thành viên lực lượng vũ
trang và nghĩa vụ thay thế tự do biểu đạt và phổ biến ý kiến của mình bằng lời
nói, chữ viết và hình ảnh (đoạn thứ nhất khoản (1) Điều 5), quyền
hội họp (Điều 8) và quyền khởi kiện (Điều 17) liên quan đến việc nộp yêu cầu
hoặc khiếu nại tập thể bị hạn chế trong thời kỳ tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc nghĩa
vụ thay thế.
(2) Các luật liên quan đến quốc phòng, bao gồm cả việc bảo vệ dân
thường, có thể quy định việc hạn chế các quyền cơ bản về tự do đi
lại (Điều 11) và bất khả xâm phạm của nhà riêng (Điều 13).
Điều 18 [Tước quyền cơ bản]
Bất cứ người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do
báo chí (khoản (1) Điều 5), tự do giảng dạy (khoản (3) Điều 5), tự
do hội họp (Điều 8), tự do lập hội (Điều 9), bí mật thư tín, bưu chính và viễn
thông (Điều 10), quyền tài sản (Điều 14) hoặc quyền tị nạn (Điều 16a) để chống
lại trật tự tự do dân chủ sẽ bị tước những quyền cơ bản. Việc tước quyền này và
mức độ của nó được phán quyết bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang.
Điều 19 [Hạn chế các quyền cơ bản – các cơ chế pháp lý]
(1) Theo quy định của Luật cơ bản này, một quyền cơ bản có thể bị
hạn chế bởi hoặc theo một đạo luật, luật đó phải áp dụng phổ biến và không
chỉ đối với một trường hợp duy nhất. Ngoài ra, luật phải xác định các
quyền cơ bản bị ảnh hưởng và điều luật quy định nó.
(2) Không khi nào mà bản chất của một quyền cơ bản có thể bị ảnh
hưởng.
(3) Các quyền cơ bản cũng được áp dụng đối với
các pháp nhân trong nước trong phạm vi bản chất của quyền cho phép điều
đó.
(4) Nếu quyền của bất kỳ người nào bị vi phạm bởi cơ quan công
quyền, người đó có thể nhờ tòa án bảo vệ. Nếu không có cơ chế pháp lý nào
khác đã được thiết lập, vụ việc được đưa ra các tòa án
bình thường. Câu thứ hai của khoản (2) Điều 10 sẽ không bị ảnh
hưởng bởi khoản này.