Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993 - Phần Thứ Hai

HIẾN PHÁP LIÊN BANG NGA 1993
PHẦN HAI
CÁC ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ CHUYỂN ĐỔI

1. Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực từ ngày đăng tải chính thức sau khi có kết quả phúc quyết toàn dân.
Ngày phúc quyết toàn dân 12/12/1993 là ngày thông qua Hiến pháp Liên bang Nga.
Đồng thời Hiến pháp (Đạo luật cơ bản) của Liên bang Nga – Nước Nga được thông qua ngày 12/4/1978 chấm dứt hiệu lực kéo theo những thay đổi và bổ sung tương ứng.
Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các quy định của Hiến pháp Liên bang Nga và Thoả ước Liên bang, các quy định của Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực. Thoả ước Liên bang bao gồm: Thoả ước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các nước cộng hoà tự chủ thuộc thành phần Liên bang Nga; Thoả ước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các khu, tỉnh, thành phố Moskva và Saint-Peterbourg thuộc Liên bang Nga; Thoả ước về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của tỉnh tự trị, các vùng tự trị thuộc thành phần Liên bang Nga; cũng như các Thoả ước khác giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga, giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga.
2. Các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác mà có hiệu lực trước khi Hiến pháp này có hiệu lực sẽ được áp dụng ở phần nào không trái với Hiến pháp Liên bang Nga.
3. Kể từ thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, Tổng thống Liên bang Nga đã được bầu theo Hiến pháp (Đạo luật cơ bản) của Liên bang Nga – Nước Nga thực thi thẩm quyền của mình do Hiến pháp này quy định cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ được bầu.
4. Hội đồng Bộ trưởng – Chính phủ Liên bang Nga kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực có các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Chính phủ Liên bang Nga do Hiến pháp Liên bang Nga quy định, và từ đây được gọi là Chính phủ Liên bang Nga.
5. Các toà án ở Liên bang Nga thực thi các thẩm quyền của mình do Hiến pháp này quy định.
Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thẩm phán của tất cả các toà của Liên bang Nga vẫn giữ nguyên thẩm quyền của mình cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ được bầu. Các vị trí còn trống sẽ được thay thế theo trình tự do Hiến pháp này quy định.
6. Trước thời điểm có hiệu lực của đạo luật liên bang quy định về trình tự xét xử các vụ án có sự tham gia của bồi thẩm đoàn, trình tự trước đây về việc xét xử các vụ án đó vẫn được áp dụng.
Trước khi có luật tố tụng hình sự mới được ban hành theo các quy định của Hiến pháp này, vẫn giữ nguyên thủ tục trước đây về bắt giữ, bắt giam, giam giữ nghi can phạm tội.
7. Hội đồng Liên bang khoá đầu tiên và Đuma Quốc gia khoá đầu tiên có nhiệm kỳ hai năm.
8. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Liên bang được tiến hành sau khi bầu xong 30 ngày. Tổng thống Liên bang Nga khai mạc phiên họp đầu tiên của Hội đồng Liên bang.
9. Đại biểu Đuma Quốc gia khoá đầu tiên có thể đồng thời là thành viên Chính phủ Liên bang Nga. Các đại biểu Đuma Quốc gia đồng thời là thành viên Chính phủ Liên bang Nga không được hưởng quyền bất khả xâm phạm do Hiến pháp này quy định đối với trách nhiệm về những hành động (không hành động) liên quan đến thực thi công vụ.
Đại biểu Đuma Quốc gia khoá đầu tiên thực hiện chức trách của mình theo chế độ không thường xuyên.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post