Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 - Các Chế Định Đặc Biệt

HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1967

CHƯƠNG VI: Các Định Chế Đặc Biệt
Đặc Biệt Pháp Viện
ĐIỀU 85
Đặc Biệt Pháp Viện có thẩm quyền truất quyền Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, các Tổng Bộ Trưởng, các Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện và các Giám Sát Viện trong trường hợp can tội phản quốc và các trọng tội khác.
ĐIỀU 86
1- Đặc Biệt Pháp Viện do Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện giữ chức Chánh Thẩm và gồm năm (5) Dân Biểu và năm (5) Nghị Sĩ.
2- Khi Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện là bị can, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện giữ chức Chánh Thẩm.
ĐIỀU 87
1- Đề nghị khởi tố có viện dẫn lý do phải được quá bán (1/2) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ ký tên. Quyết định khởi tố phải được đa số hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ biểu quyết chấp thuận.
Riêng đối với Tổng Thống và Phó Tổng Thống đề nghị khởi tố có viện dẫn lý do phải được hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ ký tên Quyết định khởi tố phải được đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ biểu quyết chấp thuận.
2- Đương sự phải đình chỉ nhiệm vụ từ khi Quốc Hội biểu quyết truy tố đến khi Đặc Biệt Pháp Viện phán quyết.
3- Đặc Biệt Pháp Viện phán quyết truất quyền theo đa số ba phần tư (3/4) tổng số nhân viên. Riêng đối với Tổng Thống và Phó Tổng Thống phán quyết truất quyền theo đa số bốn phần năm (4/5) tổng số nhân viên.
4- Đương sự được quyền biện hộ trong mọi giai đoạn của thủ tục truy tố.
5- Sau khi bị truất quyền, đương sự có thể bị truy tố trước các tòa án có thẩm quyền.
6- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức, điều hành và thủ tục trước Đặc Biệt Pháp Viện.
Giám Sát Viện
ĐIỀU 88
Giám Sát Viện có thẩm quyền :
1- Thanh tra, kiểm soát và điều tra nhân viên các cơ quan công quyền và tư nhân đồng phạm hay tòng phạm về mọi hành vi tham nhũng, đầu cơ, hối mại quyền thế hoặc phương hại đến quyền lợi quốc gia.
2- Thẩm tra kế toán đối với các cơ quan công quyền và hợp doanh.
3- Kiểm kê tài sản các nhân viên các cơ quan công quyền kể cả Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng, Dân Biểu, Nghị Sỉ, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện.
4- Riêng đối với Chủ Tịch Giám Sát Viện và các Giám Sát Viên, việc kiểm kê tài sản do Tối Cao Pháp Viện đảm trách.
ĐIỀU 89
1- Giám Sát Viện có quyền đề nghị các biện pháp chế tài về kỷ luật đối với nhân viên phạm lỗi hoặc yêu cầu truy tố đương sự ra trước tòa án có thẩm quyền.
2- Giám Sát Viện có quyền công bố kết quả cuộc điều tra.
ĐIỀU 90
1- Giám Sát Viện gồm từ chín (9) đến mười tám (18) Giám Sát viên, một phần ba (1/3) do Quốc Hội, một phần ba (1/3) do Tổng Thống và một phần ba (1/3) do Tối Cao Pháp Viện chỉ định.
2- Giám Sát viên được hưởng những quyền hạn và bảo đảm cần thiết để thi hành nhiệm vụ.
ĐIỀU 91
Giám Sát Viện có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để tổ chức nội bộ và quản trị ngành giám sát.
Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành Giám Sát Viện.
Hội Đồng Quân Lực
ĐIỀU 92
1- Hội Đồng Quân Lực cố vấn Tổng Thống về các vấn đề liên quan đến Quân Lực, đặc biệt là việc thăng thưởng, thuyên chuyển và trừng phạt quân nhân các cấp.
2- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành Hội Đồng Quân Lực.
Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục
ĐIỀU 93
1- Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục có nhiệm vụ cố vấn Chánh Phủ soạn thảo và thực thi chánh sách văn hóa giáo dục.
Một Lâm Viện Quốc Gia sẽ được thành lập
2- Với sự chấp thuận của Quốc Hội, Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc Hội về các vấn đề liên hệ.
3- Các dự luật liên quan đến văn hóa giáo dục có thể được Hội Đồng tham gia ý kiến trước khi Quốc Hội thảo luận.
ĐIỀU 94
1- Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục gồm :
- Một phần ba (1/3) hội viên do Tổng Thống chỉ định.
- Hai phần ba (2/3) hội viên do các tổ chức văn hóa giáo dục công và tư, các hiệp hội phụ huynh học sinh đề cử.
2- Nhiệm kỳ củ Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục là bốn (4) năm.
3- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành Hội Đồng Văn Hóa Giáo Dục.
Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội
ĐIỀU 95
1- Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội có nhiệm vụ cố vấn chánh phủ về những vấn đề kinh tế và xã hội.
2- Với sự chấp thuận của Quốc Hội, Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc Hội về các vấn đề liên hệ.
3- Các dự luật kinh tế và xã hội có thể được Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội tham gia ý kiến trước khi Quốc Hội thảo luận.
ĐIỀU 96
1- Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội gồm :
- Một phần ba (1/3) hội viên do Tổng Thống chỉ định.
- Hai phần ba (2/3) hội viên do các tổ chức công kỹ nghệ, thương mại, nghiệp đoàn, các hiệp hội có tánh cách kinh tế và xã hội đề cử.
2- Nhiệm kỳ Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội là bốn (4) năm.
3- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post