Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993 - Chế Định Cơ Bản

Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993

PHẦN MỘT
CHƯƠNG I
NỀN TẢNG CỦA CHẾ ĐỘ HIẾN PHÁP
Điều 1
1. Liên bang Nga – Nga là một nhà nước liên bang dân chủ, pháp quyền có hình thức chính thể cộng hoà.
2. Tên nước Liên bang Nga và Nga đều có ý nghĩa ngang nhau.
Điều 2
Con người, các quyền và tự do của con người là những giá trị cao nhất. Việc thừa nhận, tuân thủ và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân là bổn phận của nhà nước.
Điều 3
1. Nhân dân Nga đa sắc tộc là đại diện cho chủ quyền và là nguồn duy nhất của quyền lực ở Liên bang Nga.
2. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình một cách trực tiếp, cũng như thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương.
3. Trưng cầu ý dân và bầu cử tự do là những hình thức thể hiện cao nhất quyền lực của nhân dân.
4. Không một ai có thể chiếm dụng quyền lực ở Liên bang Nga. Việc chiếm đoạt quyền lực hoặc các vị trí quyền lực sẽ bị truy tố theo pháp luật liên bang.
Điều 4
1. Chủ quyền của Liên bang Nga bao trùm toàn bộ lãnh thổ liên bang.
2. Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang có hiệu lực tối thượng trên toàn bộ lãnh thổ của Liên bang.
3. Liên bang Nga bảo đảm sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ Liên bang.
Điều 5
1. Liên bang Nga bao gồm các nước cộng hoà; các khu; các tỉnh; các thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh tự trị; các vùng tự trị – là những chủ thể bình đẳng của Liên bang Nga.
2. Nước cộng hoà (nhà nước) có hiến pháp và pháp luật riêng. Khu; tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương; tỉnh tự trị; vùng tự trị có hiến chương và pháp luật của mình.
3. Cấu trúc liên bang của Nga dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ, sự thống nhất của hệ thống quyền lực nhà nước, sự phân chia tham quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước ở các chủ thể Liên bang, sự bình đẳng và tự quyết của các dân tộc ở Liên bang Nga.
4. Các chủ thể của Liên bang Nga đều bình đẳng với nhau trong quan hệ với các cơ quan quyền lực nhà nước liên bang.
Điều 6
1. Quốc tịch Liên bang Nga được cấp và chấm dứt theo pháp luật liên bang, là quốc tịch duy nhất và bình đẳng không phụ thuộc vào cơ sở được cấp.
2. Mỗi công dân Liên bang Nga trên lãnh thổ liên bang đều có tất cả các quyền và tự do và có những bổn phận như nhau đã được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga.
3. Công dân Nga không thể bị tước quốc tịch hoặc bị tước quyền thay đổi quốc tịch.
Điều 7
1. Liên bang Nga là nhà nước xã hội với chính sách hướng đến việc tạo các điều kiện để bảo đảm một cuộc sống xứng đáng và sự phát triển một cách tự do của con người.
2. Ở Liên bang Nga, lao động và sức khoẻ người dân phải được đảm bảo, mức lương tối thiểu phải được thiết lập, nhà nước phải hỗ trợ gia đình, các ông bố, bà mẹ, trẻ thơ, người tàn tật, người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, phải thiết lập lương hưu, trợ cấp và những cơ chế bảo đảm an sinh xã hội khác.
Điều 8
1. Liên bang Nga đảm bảo một không gian kinh tế thống nhất, sự lưu thông tự do đối với hàng hoá, dịch vụ và các phương tiện tài chính, sự cạnh tranh và tự do hoạt động kinh tế.
2. Liên bang Nga công nhận và bảo vệ một cách bình đẳng các hình thức sở hữu tư nhân, nhà nước, địa phương và những hình thức sở hữu khác.
Điều 9
1. Đất đai và những tài nguyên thiên nhiên khác ở Liên bang Nga được sử dụng và bảo vệ như là nguồn sống và hoạt động của các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Liên bang.
2. Đất đai và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác có thể thuộc về sở hữu tư nhân, nhà nước, địa phương hoặc các hình thức sở hữu khác.
Điều 10
Quyền lực nhà nước Liên bang Nga được thực thi trên cơ sở phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau.
Điều 11
1. Quyền lực nhà nước ở Liên bang Nga được thực hiện bởi Tổng thống Liên bang Nga, Quốc hội Liên bang (gồm Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia), Chính phủ Liên bang Nga, các toà án Liên bang Nga.
2. Quyền lực nhà nước ở các chủ thể của Liên bang Nga do các cơ quan quyền lực nhà nước tại đó thực hiện.
3. Việc phân định quyền hạn và phân chia tham quyền giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga được quy định bởi Hiến pháp này, Thỏa ước Liên bang và những bản khế ước khác về phân định quyền hạn và phân chia thẩm quyền.
Điều 12
Ở Liên bang Nga thừa nhận và đảm bảo tự quản địa phương. Tự quản địa phương được độc lập trong phạm vi thẩm quyền của mình. Các cơ quan tự quản địa phương không thuộc hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước.
Điều 13
1. Ở Liên bang Nga thừa nhận sự đa dạng về tư tưởng.
2. Không một hệ tư tưởng nào được coi là chính thức hoặc bắt buộc.
3. Ở Liên bang Nga thừa nhận sự đa nguyên, đa đảng.
4. Các tổ chức xã hội bình đẳng trước pháp luật.
5. Cấm thành lập và cấm sự hoạt động của các tổ chức xã hội có mục đích hay hành động hướng tới việc dùng bạo lực để thay đổi nền tảng chế độ hiến pháp và xâm phạm sự toàn vẹn của Liên bang Nga, đe doạ an ninh quốc gia, thành lập các tổ chức có vũ trang, gây sự chia rẽ về xã hội, chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo.
Điều 14
1. Liên bang Nga là nhà nước thế tục. Không một tôn giáo nào được coi là tôn giáo nhà nước hoặc bắt buộc.
2. Các tổ chức tôn giáo tách rời khỏi nhà nước và bình đẳng trước pháp luật.
Điều 15
1. Hiến pháp Liên bang Nga có hiệu lực pháp lý cao nhất, được áp dụng trực tiếp trên toàn thể lãnh thổ Liên bang Nga. Các đạo luật và những văn bản pháp luật khác được áp dụng ở Liên bang Nga không được mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang.
2. Các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các nhà chức trách, công dân và các tổ chức của công dân phải tuân thủ Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang.
3. Các đạo luật phải được đăng tải chính thức. Những đạo luật chưa được đăng tải thì không được áp dụng. Bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến các quyền, tự do và nghĩa vụ của con người và công dân, nếu không được đăng tải chính thức sẽ không được áp dụng.
4. Các nguyên tắc và quy phạm đã được thừa nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế của Liên bang Nga là một phần cấu thành của hệ thống pháp luật liên bang. Nếu điều ước quốc tế của Liên bang Nga có quy định khác với pháp luật liên bang thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Điều 16
1. Các quy định của Chương này là nền tảng của chế độ hiến pháp ở Liên bang Nga và chỉ được sửa đổi theo trình tự được quy định trong Hiến pháp này.
2. Các quy định khác của Hiến pháp này không được mâu thuẫn với các quy định về nền tảng hiến pháp Liên bang Nga.




SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post