Hiến Pháp Nhật Bản 1946 - Lập Pháp


CHƯƠNG IV
QUỐC HỘI
Điều 41
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và cũng là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp.
Điều 42
Quốc hội có hai Viện: Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện.
Điều 43
Cả hai Viện đều bao gồm các thành viên do nhân dân bầu ra. Số thành viên của mỗi Viện được quy định bởi pháp luật.
Điều 44
Điều kiện bầu cử và ứng cử được ghi trong pháp luật, không có sự phân biệt về chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, điều kiện xã hội, lý lịch gia đình, học vấn, tài sản và thu nhập.
Điều 45
Nhiệm kỳ đại biểu của Hạ Nghị Viện là bốn năm. Nhưng nhiệm kỳ sẽ chấm dứt trước thời hạn nếu Hạ Nghị Viện bị giải tán.
Điều 46
Nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ là 6 năm, cứ 3 năm lại bầu lại một nửa tổng số thành viên.
Điều 47
Khu vực tuyển cử, thủ tục bỏ phiếu và các vấn đề liên quan tới bầu cử do pháp luật ấn định.
Điều 48
Không ai được kiêm nhiệm chức vụ đại biểu ở cả hai Viện.
Điều 49
Đại biểu ở cả hai Viện được hưởng lương bổng theo Ngân sách Quốc gia và do pháp luật quy định.
Điều 50
Trừ trường hợp được pháp luật quy định, đại biểu của cả hai Viện không bị bắt trong khoá họp của Quốc hội, nếu đại biểu nào bị giam cầm trước khi khai mạc khoá họp thì sẽ được phóng thích để dự khoá họp theo yêu cầu của Quốc hội.
Điều 51
Đại biểu hai Viện không bị truy tố khi ra ngoài Quốc hội vì những bài diễn thuyết, cách thảo luận hay bỏ phiếu tại quốc hội.
Điều 52
Quốc hội được triệu tập thường lệ mỗi năm một lần.
Điều 53
Nội các có quyền triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội. Khi có yêu cầu của từ một phần tư tổng số đại biểu của mỗi Viện, Nội các phải triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội.
Điều 54
Khi Hạ Nghị Viện bị giải tán, phải tổ chức tổng tuyển cử 40 ngày sau thời hạn giải tán và Quốc hội phải họp sau 30 ngày bầu cử.
Trong trường hợp Hạ Nghị Viện bị giải tán, Thượng Nghị Viện cũng không họp. Nhưng nếu trong trường hợp đất nước lâm nguy, Nội các có thể triệu tập phiên họp bất thường của Thượng Nghị Viện.
Tuy nhiên biện pháp trên chỉ có tính tạm thời và sẽ bị huỷ bỏ nếu Hạ Nghị Viện không chấp thuận trong vòng 10 ngày sau khi khai mạc khóa họp của Quốc hội.
Điều 55
Mỗi Viện đều có tham quyền riêng trong việc xét xử những vụ kiện liên quan đến tư cách đại biểu của Viện mình. Tuy nhiên, việc quyết định cách chức một đại biểu phải thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của từ 2/3 tổng số nghị sĩ có mặt.
Điều 56
Khoá họp của mỗi Viện chỉ được tiến hành nếu có từ 1/3 tổng số đại biểu có mặt.
Tất cả các vấn đề tại mỗi Viện sẽ được biểu quyết thông qua nếu đa số đại biểu có mặt tán thành. Trong trường hợp số phiếu bằng nhau, Chủ tịch phiên họp sẽ quyết định.
Điều 57
Các cuộc thảo luận tại mỗi Viện phải được tiến hành một cách công khai. Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp kín nếu đa số 2/3 đại biểu có mặt biểu quyết. Mọi tiến trình công việc của mỗi Viện phải được ghi thành. Biên bản này được công bố và phân phát cho nhiều người trừ những biên bản trong các cuộc họp kín.
Trong trường hợp có yêu cầu của từ 1/5 tổng số đại biểu có mặt, biên bản phải ghi chép kết quả cuộc bỏ phiếu của các đại biểu trong phiên họp.
Điều 58
Mỗi Viện tự lựa chọn Chủ tịch cũng như các viên chức cấp cao của mình.
Mỗi Viện phải tự thiết lập các nguyên tắc, luật lệ liên quan đến phiên họp và có hình phạt thích đáng cho những người làm trái quy định.
Tuy nhiên, để trục xuất một đại biểu ra khỏi Viện, cần phải thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của từ 2/3 tổng số đại biểu có mặt.
Điều 59
Dự thảo luật sẽ trở thành luật nếu được cả hai Viện thông qua trừ những trường hợp đặc biệt được ghi trong Hiến pháp.
Nếu Thượng Nghị Viện không đồng ý với một dự thảo luật mà Hạ Nghị Viện đã thông qua thì văn kiện đó sẽ được thành đạo luật nếu Hạ nghị viện biểu quyết lần thứ hai với đa số 2/3 đại biểu có mặt thông qua.
Điều khoản trên không loại trừ trường hợp Hạ nghị viện có thể triệu tập một Uỷ ban với đại diện của cả hai Viện.
Nếu Thượng nghị viện không biểu quyết trong 60 ngày kể từ ngày nhận dự luật do Hạ nghị viện thông qua (trừ trường hợp Thượng nghị viện ngừng họp), Hạ nghị viện sẽ coi sự không biểu quyết này là sự phủ nhận.
Điều 60
Vấn đề về ngân sách phải được Hạ nghị viện biểu quyết trước.
Khi thảo luận về vấn đề này, nếu Thượng nghị viện không đồng ý với Hạ nghị viện, và nếu Uỷ ban đại diện của cả hai Viện cũng không có được sự nhất trí hay Thượng nghị viện không thể đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày sau khi Hạ nghị viện thông qua thì quyết định của Hạ nghị viện sẽ là quyết định cuối cùng của Quốc hội.
Điều 61
Đoạn 2 của điều trên cũng được áp dụng trong trường hợp Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước.
Điều 62
Mỗi Viện có thể mở cuộc điều tra về hoạt động của Chính phủ, hỏi cung nhân chứng và kiểm tra các tài liệu.
Điều 63
Cho dù có phải là đại biểu của mỗi Viện hay không, Thủ tướng và các Bộ trưởng có quyền tới các Viện bất cứ lúc nào để phát biểu ý kiến về dự luật. Họ phải có mặt để trả lời và giải thích các vấn đề khi cần thiết.
Điều 64
Quốc hội có quyền lựa chọn các đại biểu của cả hai Viện để thiết lập một Toà án xét xử các vị Thẩm phán. Việc này được quy định trong một đạo luật.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post