Hiến Pháp Cộng Hòa Ba Lan 1997 - Tòa Án Hiến Pháp

HIẾN PHÁP CỘNG HÒA BA LAN 1997

CHƯƠNG VIII
Tòa án Hiến pháp
Điều 188
Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền xét xử đối với các vấn đề sau:
1) Sự phù hợp của luật và điều ước quốc tế với Hiến pháp;
2) Sự phù hợp của luật với điều ước quốc tế đã được phê chuẩn có yêu cầu luật chấp thuận trước;
3) Sự phù hợp của các quy định pháp luật do các cơ quan Nhà nước ở trung ương ban hành với Hiến pháp, các điều ước quốc tế đã được phê chuẩn và luật;
4) Sự phù hợp với Hiến pháp của mục tiêu hoặc hành động của các đảng chính trị;
5) Những khiếu nại liên quan đến vi phạm hiến pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 79.
Điều 189
Tòa án Hiến pháp có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước hiến định ở trung ương.
Điều 190
1. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có tính bắt buộc chung và là quyết định cuối cùng.
2. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp về các vấn đề quy định tại Điều 188 sẽ phải được đăng tải ngay trên ấn phẩm chính thức mà các văn bản quy phạm pháp luật gốc đã được công bố. Nếu văn bản quy phạm pháp luật không được công bố thì phán quyết đó sẽ được đăng tải trên Công báo của Cộng hòa Ba Lan (Monitor Polski).
3. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực từ ngày được đăng tải trên Công báo, tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp có thể ấn định một ngày khác kết thúc hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Khoảng thời gian này không quá 18 tháng đối với luật hoặc 12 tháng đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trường hợp phán quyết có những hệ quả về tài chính chưa có trong Ngân sách, thì Tòa án Hiến pháp sẽ ấn định ngày kết thúc hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, sau khi tham vấn ý kiến của Hội đồng Bộ trưởng.
4. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp về tính không phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế hoặc luật, của một văn bản quy phạm pháp luật mà trước đó đã được xem là cơ sở để ban hành phán quyết có hiệu lực của tòa án, quyết định hành chính cuối cùng hoặc quyết định giải quyết các vấn đề khác, sẽ là căn cứ để tiến hành xem xét lại vụ việc, hoặc hủy bỏ quyết định hoặc việc giải quyết theo cách thức và trên cơ sở các nguyên tắc được quy định trong các điều khoản được áp dụng đối với vụ việc nêu trên.
5. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp được thông qua với đa số phiếu.
Điều 191
1. Những người sau đây có thể đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét về các vấn đề được quy định tại Điều 188:
1) Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, Chủ tịch Hạ nghị viện, Chủ tịch Thượng nghị viện, Thủ tướng, 50 Hạ nghị sĩ, 30 Thượng nghị sĩ, Chánh án Thứ nhất Tòa án Tối cao, Chánh án Tòa án Hành chính Tối cao, Tổng Công tố, Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao và Cao ủy viên về Quyền Công dân;
2) Hội đồng Tư pháp Quốc gia, trong phạm vi quy định tại khoản 2, Điều 186;
3) Các cơ quan quyền lực của chính quyền địa phương;
4) Các tổ chức công đoàn quốc gia cũng như các cơ quan có thẩm quyền cấp quốc gia của các tổ chức nghề nghiệp và tổ chức của người sử dụng lao động;
5) Nhà thờ và các tổ chức tôn giáo;
6) Các chủ thể trong phạm vi quy định tại Điều 79.
2. Các chủ thể quy định tại các điểm 3-5 của khoản 1 có thể đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét nếu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của các chủ thể này.
Điều 192
Những người sau đây có thể đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét những vấn đề quy định tại Điều 189: Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, Chủ tịch Hạ nghị viện, Chủ tịch Thượng nghị viện, Thủ tướng, Chánh án Thứ nhất Tòa án Tối cao, Chánh án Tòa án Hành chính Tối cao và Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao.
Điều 193
Bất kỳ tòa án nào cũng có thể gửi câu hỏi lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu xem xét về sự phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật với Hiến pháp, điều ước quốc tế đã được phê chuẩn hoặc luật, nếu việc trả lời câu hỏi này sẽ quyết định vấn đề đang được giải quyết tại tòa án đó.
Điều 194
1. Tòa án Hiến pháp gồm 15 thẩm phán được Hạ nghị viện lựa chọn riêng lẻ với nhiệm kỳ 9 năm trong số những người am hiểu sâu sắc về luật pháp. Không ai có thể được chọn nhiều hơn một nhiệm kỳ
2. Chánh án và Phó Chánh án Tòa án Hiến pháp do Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm trong số các ứng cử viên do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Hiến pháp giới thiệu.
Điều 195
1. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp, khi thực hiện nhiệm vụ, độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp.
2. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp được cung cấp các điều kiện phù hợp để làm việc và được trả lương phù hợp chức vụ và phạm vi nhiệm vụ của mình.
3. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp, trong thời gian đương nhiệm, không được tham gia đảng phải chính trị, tổ chức công đoàn nào hoặc thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với nguyên tắc độc lập của tòa án và thẩm phán.
Điều 196
Thẩm phán Tòa án Hiến pháp không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị tước tự do mà không được sự chấp thuận từ trước của Tòa án Hiến pháp. Thẩm phán sẽ không bị tạm giam hoặc bắt giữ, trừ trường hợp người đó bị bắt quả tang thực hiện một tội phạm mà việc giam giữ người đó là cần thiết để bảo đảm quá trình tố tụng phù hợp. Chánh án Tòa án Hiến pháp sẽ được thông báo ngay về việc giam giữ và có thể ra lệnh phóng thích ngay người bị bắt.
Điều 197
Tổ chức của Tòa án Hiến pháp, cũng như cách thức tiến hành công việc trước tòa án, sẽ do luật định.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post