Hiến Pháp Cộng Hòa Ba Lan 1997 - Các Chế Định Đặc Biệt

HIẾN PHÁP CỘNG HÒA BA LAN 1997


Chương IX:
CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN KIỂM SOÁT VÀ BẢO VỆ CÁC QUYỀN
Văn phòng Kiểm toán Tối cao
Điều 202
1. Văn phòng Kiểm toán Tối cao là cơ quan cao nhất về kiểm toán nhà nước.
2. Văn phòng Kiểm toán Tối cao trực thuộc Hạ nghị viện.
3. Văn phòng Kiểm toán Tối cao hoạt động theo các nguyên tắc nghề nghiệp.
Điều 203
1. Văn phòng Kiểm toán Tối cao thực hiện kiểm toán hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Ba Lan, các pháp nhân và tổ chức, đơn vị nhà nước về tính hợp pháp, tính kinh tế, hiệu quả và sự mẫn cán.
2. Văn phòng Kiểm toán Tối cao thực hiện kiểm toán hoạt động của các cơ quan của chính quyền địa phương, các pháp nhân và tổ chức, đơn vị ở địa phương về tính hợp pháp, tính kinh tế và sự mẫn cán.
3. Văn phòng Kiểm toán Tối cao cũng thực hiện kiểm toán hoạt động của các tổ chức và chủ thể kinh tế khác về tính hợp pháp và tính kinh tế trong phạm vi các hoạt động có sử sụng tài sản hoặc các nguồn lực của Nhà nước hoặc địa phương hoặc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước.
Điều 204
1. Văn phòng Kiểm toán Tối cao có trách nhiệm trình Hạ nghị viện:
1) Báo cáo phân tích việc thực hiện Ngân sách và các mục tiêu của chính sách tiền tệ;
2) Ý kiến liên quan đến việc bỏ phiếu chấp thuận quyết toán ngân sách đối với năm tài chính trước đó do Hội đồng Bộ trưởng trình;
3) Thông tin về kết quả kiểm toán, các kết luận kiểm toán và kiến nghị theo quy định của luật.
2. Văn phòng Kiểm toán Tối cao có trách nhiệm báo cáo công tác hàng năm trước Hạ nghị viện.
Điều 205
1. Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao do Hạ nghị viện bổ nhiệm, với sự đồng thuận của Thượng nghị viện, có nhiệm kỳ 6 năm, và chỉ có thể được gia hạn thêm một nhiệm kỳ.
2. Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao không giữ bất kỳ vị trí nào khác, trừ chức vị giáo sư tại một học viện của cơ sở giáo dục đại học, và cũng không thực hiện bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào khác.
3. Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao không thuộc đảng chính trị, tổ chức công đoàn nào hoặc thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với chức trách của mình.
Điều 206
Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị tước tự do mà không được sự chấp thuận từ trước của Hạ nghị viện. Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán Tối cao sẽ không bị tạm giam hoặc bắt giữ, trừ trường hợp người đó bị bắt quả tang thực hiện một tội phạm mà việc giam giữ người đó là cần thiết để bảo đảm quá trình tố tụng phù hợp. Chủ tịch Hạ nghị viện sẽ được thông báo ngay về việc giam giữ và có thể ra lệnh phóng thích ngay người bị bắt.
Điều 207
Tổ chức và cách thức tiến hành công việc của Văn phòng Kiểm toán Tối cao sẽ do luật định.
Cao ủy viên về quyền công dân
Điều 208
1. Cao ủy viên về Quyền Công dân có trách nhiệm bảo đảm tự do và các quyền con người và quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
2. Phạm vi và cách thức tiến hành công việc của Cao ủy viên về Quyền Công dân sẽ do luật định.
Điều 209
1. Cao ủy viên về Quyền Công dân do Hạ nghị viện bổ nhiệm, với sự đồng thuận của Thượng nghị viện, với nhiệm kỳ 5 năm.
2. Cao ủy viên về Quyền Công dân không giữ bất kỳ vị trí nào khác, trừ chức vị giáo sư tại một học viện của cơ sở giáo dục đại học, và cũng không thực hiện bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào khác.
Cao ủy viên về Quyền Công dân không thuộc đảng chính trị, tổ chức công đoàn nào hoặc thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với chức trách của mình.
Điều 210
Cao ủy viên về Quyền Công dân độc lập trong các hoạt động của mình, độc lập với các cơ quan khác của Nhà nước và chỉ chịu trách nhiệm trước Hạ nghị viện theo các nguyên tắc do luật định.
Điều 211
Cao ủy viên về Quyền Công dân không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị tước tự do mà không được sự chấp thuận từ trước của Hạ nghị viện. Cao ủy viên về Quyền Công dân sẽ không bị tạm giam hoặc bắt giữ, trừ trường hợp người đó bị bắt quả tang thực hiện một tội phạm và việc giam giữ người đó là cần thiết để bảo đảm quá trình tố tụng phù hợp. Chủ tịch Hạ nghị viện sẽ được thông báo ngay về việc giam giữ và có thể ra lệnh phóng thích ngay người bị bắt.
Điều 212
Cao ủy viên về Quyền Công dân có trách nhiệm thông tin cho Hạ nghị viện và Thượng nghị viện về các hoạt động của mình và báo cáo về mức độ tôn trọng tự do và các quyền con người và công dân.
Hội đồng phát thanh và truyền hình quốc gia
Điều 213
1. Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia có trách nhiệm bảo đảm tự do ngôn luận, quyền thông tin cũng như bảo đảm lợi ích công cộng đối với phát thanh và truyền hình.
2. Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia ban hành quy định dưới luật và ban hành nghị quyết đối với từng vụ việc cụ thể.
Điều 214
1. Các thành viên Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia do Hạ nghị viện, Thượng nghị viện và Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm.
2. Thành viên Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia không thuộc đảng chính trị, tổ chức công đoàn nào hoặc thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với chức trách của mình.
Điều 215
Các nguyên tắc và cách thức tiến hành công việc của Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, tổ chức và các nguyên tắc cụ thể của việc bổ nhiệm thành viên Hội đồng, sẽ do luật định.
Chương X:
TÀI CHÍNH CÔNG
Điều 216
1. Các nguồn tài chính dành cho các mục đích công sẽ được thu và bố trí theo cách do luật định.
2. Việc có được, chuyển nhượng và cầm cố tài sản, cổ phiếu hoặc trái phiếu, phát hành chứng khoán của Bộ Ngân khố Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Ba Lan hoặc các pháp nhân khác của Nhà nước sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc và thủ tục do luật định.
3. Các vấn đề về độc quyền sẽ được quy định trong luật.
4. Việc kí kết các hợp đồng vay mượn cũng như chấp nhận bảo đảm và bảo lãnh tài chính của Nhà nước sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc và thủ tục do luật định.
5. Không được phép kí kết các hợp đồng vay mượn cũng như cung cấp bảo đảm và bảo lãnh tài chính làm phát sinh nợ công vượt quá 3/5 tổng sản phẩm quốc nội hàng năm. Phương pháp tính giá trị sản phẩm quốc nội hàng năm và nợ công sẽ do luật định.
Điều 217
Việc áp đặt các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính công khác, quy định cụ thể về đối tượng chịu thuế và mức thuế, cũng như các nguyên tắc miễn giảm thuế, cùng với các nhóm người nộp thuế được miễn thuế, sẽ do luật định.
Điều 218
Tổ chức của Bộ Ngân khố Quốc gia và phương thức quản lý tài sản của Bộ Ngân khố Quốc gia sẽ do luật định.
Điều 219
1. Hạ nghị viện thông qua ngân sách Nhà nước cho từng năm ngân sách bằng Luật Ngân sách [ustawa budzetowa – luật về ngân sách].
2. Các nguyên tắc và thủ tục cho việc chuẩn bị dự án Luật Ngân sách, mức độ chi tiết và các yêu cầu đối với dự án Luật Ngân sách, cũng như các nguyên tắc và thủ tục thực hiện Ngân sách, sẽ do luật định.
3. Các trường hợp ngoại lệ, nguồn thu và nguồn chi của Quốc gia cho một giai đoạn dưới 1 năm có thể được xác định trong ngân sách tạm thời. Các quy định liên quan đến dự án Luật Ngân sách sẽ được áp dụng một cách tương tự đối với dự toán ngân sách tạm thời.
4. Nếu Ngân sách Nhà nước hoặc ngân sách tạm thời không có hiệu lực vào ngày bắt đầu năm ngân sách, thì Hội đồng Bộ trưởng sẽ phải điều hành tài chính của Nhà nước theo các quy định của dự án Luật Ngân sách.
Điều 220
1. Việc tăng chi hoặc giảm thu so với kế hoạch do Hội đồng Bộ trưởng thực hiện có thể không cần Hạ nghị viện thông qua về khoản thâm hụt ngân sách vượt quá mức quy định trong dự án Luật Ngân sách.
2. Luật Ngân sách không được quy định việc xử lý các khoản thâm hụt ngân sách bằng cách tạo ra các nghĩa vụ tín dụng đối với ngân hàng trung ương của Nhà nước.
Điều 221
Việc trình dự án luật liên quan đến Ngân sách, dự toán ngân sách tạm thời, những sửa đổi đối với Ngân sách, luật về vay nợ công, cũng như luật chấp nhận các bảo đảm tài chính của Nhà nước, thuộc thẩm quyền riêng của Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 222
Hội đồng Bộ trưởng trình Hạ nghị viện dự án Luật Ngân sách cho năm tiếp theo không muộn hơn 3 tháng trước ngày bắt đầu năm ngân sách. Trong những trường hợp đặc biệt, dự án Luật Ngân sách có thể được trình muộn hơn.
Điều 223
Trong thời hạn 20 ngày sau khi nhận được dự án Luật Ngân sách, Thượng nghị viện có thể thông qua những sửa đổi đối với dự Luật này.
Điều 224
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có trách nhiệm ký ban hành Luật Ngân sách hoặc Ngân sách tạm thời do Chủ tịch Hạ nghị viện trình trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản, và ra lệnh công bố trên Công báo Cộng hòa Ba Lan (Dziennik Ustaw). Các quy định của khoản 5 Điều 122 sẽ không được áp dụng đối với Luật Ngân sách và ngân sách tạm thời.
2. Trường hợp Tổng thống Cộng hòa Ba Lan chuyển đến Tòa án Hiến pháp để xem xét về sự phù hợp với Hiến pháp của Luật Ngân sách hoặc ngân sách tạm thời trước khi ký ban hành, thì Tòa án Hiến pháp có trách nhiệm xem xét vấn đề này trong thời gian không chậm hơn 2 tháng kể từ ngày đề nghị của Tổng thống được chuyển đến.
Điều 225
Sau 4 tháng kể từ ngày trình Hạ nghị viện dự án Luật Ngân sách, nếu dự án Luật không được thông qua hoặc không được trình lên Tổng thống Cộng hòa Ba Lan để ký ban hành, thì Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, trong thời hạn 14 ngày, có thể ra lệnh rút ngắn nhiệm kỳ của Hạ nghị viện.
Điều 226
1. Trong thời hạn 5 tháng sau khi kết thúc năm tài chính, Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm trình Hạ nghị viện báo cáo việc thực hiện Ngân sách cùng với thông tin về tình trạng nợ công.
2. Trong thời hạn 90 ngày sau khi nhận được báo cáo, Hạ nghị viện có trách nhiệm xem xét báo cáo đã được trình, và, sau khi tham vấn ý kiến của Văn phòng Kiểm toán Tối cao, sẽ thông qua nghị quyết về việc phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn quyết toán ngân sách do Hội đồng Bộ trưởng trình.
Điều 227
1. Ngân hàng trung ương của đất nước là Ngân hàng Nhà nước Ba Lan. Chỉ có Ngân hành Nhà nước Ba Lan mới có quyền phát hành tiền cũng như quy định và thực thi chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Ba Lan chịu trách nhiệm về giá trị của đồng tiền Ba Lan.
2. Cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước Ba Lan bao gồm: Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Ba Lan, Hội đồng Chính sách Tiền tệ và Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Ba Lan.
3. Hạ nghị viện bổ nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Ba Lan theo đề nghị của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan với nhiệm kỳ 6 năm.
4. Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Ba Lan không thuộc đảng chính trị, tổ chức công đoàn nào hoặc thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với chức trách của mình.
5. Hội đồng Chính sách Tiền tệ gồm có Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Ba Lan, là chủ tịch Hội đồng, và những người am hiểu sâu sắc về các vấn đề tài chính – được Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, Hạ nghị viện và Thượng nghị viện bổ nhiệm, với số lượng ngang nhau, với nhiệm kỳ 6 năm.
6. Hội đồng Chính sách Tiền tệ có trách nhiệm hàng năm quy định các mục tiêu của chính sách tiền tệ và trình Hạ nghị viện cùng thời điểm trình dự án Luật Ngân sách của Hội đồng Bộ trưởng. Trong thời hạn 5 tháng sau khi kết thúc năm tài chính, Hội đồng Chính sách Tiền tệ có trách nhiệm trình Hạ nghị viện báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ.
7. Tổ chức và các nguyên tắc hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Ba Lan, cũng như các nguyên tắc cụ thể cho việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các cơ quan của Ngân hàng Nhà nước, sẽ do luật định.
Chương XI:
CÁC BIỆN PHÁP ĐẶC BIỆT
Điều 228
1. Trong những hoàn cảnh nguy hiểm cụ thể, nếu các biện pháp hiến định thông thường là không đủ, thì bất kỳ biện pháp đặc biệt nào phù hợp sau đây sẽ được đưa ra gồm: thiết quân luật, ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc tuyên bố tình trạng thảm họa tự nhiên.
2. Các biện pháp đặc biệt chỉ được ban hành bằng quy định dưới luật, được ban hành theo quy định của luật, và phải được công khai.
3. Nguyên tắc hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như mức độ hạn chế tự do và các quyền con người và công dân trong thời gian thực hiện các biện pháp đặc biệt sẽ do luật định.
4. Luật có thể quy định các nguyên tắc, phạm vi và cách thức bồi thường tổn thất về tài sản xảy ra do việc hạn chế tự do và các quyền con người và công dân trong thời gian thực hiện các biện pháp đặc biệt.
5. Những hành động là hệ quả của việc thực hiện các biện pháp đặc biệt phải tương xứng với mức độ đe dọa và phải được khôi phục một cách nhanh nhất để Nhà nước có thể trở lại hoạt động bình thường.
6. Trong thời gian thực hiện các biện pháp đặc biệt, những văn bản sau đây sẽ không được thay đổi: Hiến pháp, các Luật về bầu cử Hạ nghị viện, Thượng nghị viện và các cơ quan của chính quyền địa phương, Luật bầu cử Tổng thống, cũng như các đạo luật về các biện pháp đặc biệt.
7. Trong thời gian thực hiện các biện pháp đặc biệt, và trong thời hạn 90 ngày sau ngày kết thúc việc thực hiện các biện pháp đặc biệt, nhiệm kỳ của Hạ nghị viện không thể bị rút ngắn, cũng như không thể tổ chức trưng cầu ý dân cấp quốc gia, không thể tổ chức bầu cử Hạ nghị viện, Thượng nghị viện, các cơ quan của chính quyền địa phương hay bầu cử Tổng thống, và nhiệm kỳ của các cơ quan này sẽ được kéo dài một cách phù hợp. Việc bầu các cơ quan của chính quyền địa phương sẽ chỉ được thực hiện ở những nơi mà các biện pháp đặc biệt đã không được thực hiện.
Điều 229
Trong trường hợp có sự đe dọa từ bên ngoài đối với Quốc gia, có hành động xâm lược quân sự đối với lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan hoặc khi phát sinh nghĩa vụ phòng thủ chung đối với hành động xâm lược theo điều ước quốc tế, thì Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, có thể ra lệnh thiết quân luật áp dụng trên toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Quốc gia.
Điều 230
1. Trong trường hợp có sự đe dọa đến trật tự hiến định của Nhà nước, đến an ninh của công dân hoặc trật tự công cộng, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng, có thể ban bố tình trạng khẩn cấp áp dụng trên toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Quốc gia trong thời gian không quá 90 ngày.
2. Việc gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp chỉ có thể được thực hiện một lần không quá 60 ngày và phải được Hạ nghị viện chấp thuận.
Điều 231
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan trình Hạ nghị viện quy định về thiết quân luật hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp trong 48 giờ kể từ khi ký quy định này. Hạ nghị viện sẽ xem xét ngay quy định của Tổng thống. Bằng một đa số tuyệt đối có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định, Hạ nghị viện có thể bãi bỏ quy định của Tổng thống.
Điều 232
Để phòng ngừa và loại bỏ những hậu quả của thảm họa tự nhiên hoặc những bộc lộ rủi ro của thảm họa tự nhiên, Hội động Bộ trưởng có thể tuyên bố tình trạng thảm họa tự nhiên áp dụng trên toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Quốc gia trong không quá 30 ngày. Việc gia hạn áp dụng tình trạng thảm họa tự nhiên có thể được thực hiện khi được Hạ nghị viện chấp thuận
Điều 233
1. Luật quy định về phạm vi hạn chế tự do và các quyền con người và công dân trong thời gian thiết quân luật và ban bố tình trạng khẩn cấp không được hạn chế tự do và các quyền quy định tại Điều 30 (giá trị con người), Điều 34 và Điều 36 (quyền công dân), Điều 38 (bảo vệ tính mạng), Điều 39, Điều 40 và Điều 41, khoản 4 (đối xử nhân đạo), Điều 42 (quy trách nhiệm hình sự), Điều 45 (tiếp cận với tòa án), Điều 47 (các quyền cá nhân), Điều 53 (tín ngưỡng và tôn giáo), Điều 63 (khiếu nại), cũng như Điều 48 và Điều 72 (gia đình và trẻ em).
2. Cấm hạn chế tự do và các quyền con người và công dân chỉ vì lý do dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, đức tin hoặc thiếu đức tin, nguồn gốc xã hội, dòng họ hoặc tài sản.
3. Luật quy định phạm vi hạn chế tự do và các quyền con người và công dân trong thời gian tuyên bố tình trạng thảm họa tự nhiên có thể hạn chế tự do và các quyền quy định tại Điều 22 (tự do hoạt động kinh tế); các khoản 1, 3 và 5 của Điều 41 (tự do cá nhân); Điều 50 (quyền bất khả xâm phạm chỗ ở); khoản 1 Điều 52, (tự do đi lại và cư trú trên lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan); khoản 3 Điều 59 (quyền đình công); Điều 64 (quyền sở hữu); khoản 1 Điều 65 (quyền tự do làm việc); khoản 1 Điều 66 (quyền được hưởng điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh) và khoản 2 Điều 66 (quyền được nghỉ ngơi).
Điều 234
1. Trong thời gian thiết quân luật, nếu Hạ nghị viện không thể nhóm họp, thì Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, theo đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng và trong phạm vi và giới hạn quy định tại các khoản 3-5 của Điều 228, sẽ ban hành quy định có giá trị như luật. Các quy định này phải được Hạ nghị viện phê chuẩn tại kỳ họp kế tiếp.
2. Các quy định tại khoản 1 cũng có tính bắt buộc chung của luật.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post