Hiến Pháp Đại Hàn Dân Quốc 1987
Chương X:
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Điều 128
(1) Quyền đề nghị sửa đổi Hiến pháp thuộc về đa số của tổng số
thành viên Quốc hội và Tổng thống.
(2) Các sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống hoặc
để cho phép Tổng thống tái cử không được áp dụng đối với Tổng thống đương nhiệm
vào thời điểm có các đề xuất sửa đổi đó.
Điều 129
Các đề xuất sửa đổi Hiến pháp phải được Tổng thống công bố ra công
chúng tối thiểu trong hai mươi ngày.
Điều 130
(1) Quốc hội phải ra quyết định về các đề xuất sửa đổi Hiến pháp
trong vòng sáu mươi ngày sau khi các đề xuất này được công bố, và đề xuất đó
chỉ được thông qua khi có sự đồng thuận của tối thiểu hai phần ba tổng số đại
biểu Quốc hội.
(2) Các đề xuất sửa đổi Hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân
không muộn hơn ba mươi ngày sau khi được Quốc hội thông qua, và đề xuất đó chỉ
được thông qua khi nhận được sự ủng hộ của ít nhất một nửa số phiếu hợp lệ trên
tổng số cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội.
(3) Khi các đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhận được sự chấp thuận như
quy định tại khoản (2), các sửa đổi Hiến pháp sẽ được chung quyết và Tổng thống
công bố mà không được trì hoãn.
PHỤ LỤC
Điều 1
Hiến pháp này có hiệu lực vào ngày 25 tháng 2 năm 1988. Việc ban
hành hoặc sửa đổi các đạo luật cần thiết để áp dụng hiến pháp này hoặc việc tổ
chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội theo Hiến pháp này, các việc chuẩn
bị khác để áp dụng Hiến pháp này có thể được triển khai trước khi Hiến pháp có
hiệu lực.
Điều 2
(1) Cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên theo Hiến pháp này sẽ được tổ
chức không muộn hơn bốn mươi ngày trước ngày Hiến pháp có hiệu lực.
(2) Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên theo Hiến pháp này bắt đầu vào
ngày Hiến pháp có hiệu lực.
Điều 3
(1) Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên theo Hiến pháp này được tổ chức
trong vòng sáu tháng từ khi công bố Hiến pháp. Nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội
đầu tiên theo Hiến pháp này bắt đầu vào ngày đầu tiên triệu tập Quốc hội theo
Hiến pháp.
(2) Nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội hiện hành vào thời điểm Hiến
pháp này được công bố kết thúc vào ngày trước ngày triệu tập phiên họp thứ nhất
của Quốc hội theo quy định tại khoản (1).
Điều 4
(1) Các công chức và viên chức trong các doanh nghiệp được bổ
nhiệm bởi Chính phủ, đang tại vị vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, được
coi là đã được bổ nhiệm theo Hiến pháp này, trừ khi thủ tục bầu cử hoặc người
có thẩm quyền bổ nhiệm công chức đó được thay đổi theo Hiến pháp này. Chánh án
Tòa án Tối cao, Chủ tịch Ban Kiểm toán và Thanh tra tiếp tục tại vị đến khi
người kế nhiệm họ được chọn ra theo Hiến pháp này và nhiệm kỳ của họ kết thúc
vào ngày trước khi người kế nhiệm họ bắt đầu công việc.
(2) Các thẩm phán gắn với Tòa án Tối cao mà không phải là Chánh án
hoặc các Thẩm phán Tòa án Tối cao đang tại vị vào thời điểm Hiến pháp này có
hiệu lực, được coi là đã được bổ nhiệm theo Hiến pháp này, cho dù có quy định
tại khoản (1).
(3) Các điều khoản của Hiến pháp này quy định nhiệm kỳ của công
chức hoặc giới hạn số lượng nhiệm kỳ mà công chức có thể đảm nhiệm, có hiệu lực
vào ngày bầu cử đầu tiên hoặc bổ nhiệm đầu tiên các công chức đó theo Hiến pháp
này.
Điều 5
Các luật, nghị định, pháp lệnh và điều ước có hiệu lực vào thời
điểm Hiến pháp này có hiệu lực, tiếp tục có hiệu lực trừ khi chúng trái với
Hiến pháp này.
Điều 6
Các cơ quan cũ tồn tại vào thời điểm Hiến pháp này có hiệu lực, mà
đang thực hiện các chức năng thuộc thẩm quyền của cơ quan mới được thành lập
theo quy định của Hiến pháp này, thì tiếp tục được tồn tại và thực thi các chức
năng như vậy đến khi các cơ quan mới được thành lập theo Hiến pháp này.