Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 - Lập Pháp

HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1967

CHƯƠNG III: Lập Pháp
ĐIỀU 30
Quyền Lập Pháp được quốc dân ủy nhiệm cho Quốc Hội.
Quốc Hội gồm hai viện :
- Hạ Nghị Viện
- Thượng Nghị Viện
ĐIỀU 31
Hạ Nghị Viện gồm từ một trăm (100) đến hai trăm (200) Dân Biểu.
1- Dân Biểu được bầu theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín theo thể thức đơn danh, trong từng đơn vị lớn nhất là tỉnh.
2- Nhiệm kỳ Dân Biểu là bốn (4) năm. Dân Biểu có thể được tái cử.
3- Cuộc bầu cử tân Hạ Nghị Viện sẽ được kết thúc chậm nhất là một (1) tháng trước khi pháp nhiệm cũ chấm dứt.
ĐIỀU 32
Được quyền ứng cử Dân Biểu những công dân :
1- Có Việt tịch từ khi mới sanh, hoặc đã nhập Việt tịch ít nhất bảy (7) năm, hoặc đã thủ đắc hoặc hồi phục Việt tịch ít nhất năm (5) năm tính đến ngày bầu cử.
2- Đủ hai mươi lăm (25) tuổi tính đến ngày bầu cử.
3- Được hưởng các quyền công dân.
4- Ở trong tình trạng hợp lệ quân dịch.
5- Hội đủ những điều kiện khác dự liệu trong đạo luật bầu cử Dân Biểu.
ĐIỀU 33
Thượng Nghị Viện gồm từ ba mươi (30) đến sáu mươi (60) Nghị Sĩ.
1- Nghị Sĩ được cử tri đoàn toàn quốc bầu lên trong một cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín theo thể thức Liên Danh đa số. Mỗi Liên Danh gồm từ một phần sáu (1/6) đến một phần ba (1/3) tổng số Nghị Sĩ.
2- Nhiệm kỳ Nghị Sĩ là sáu (6) năm, mỗi ba (3) năm bầu lại phân nửa (1/2). Nghị Sĩ có thể được tái cử.
3- Các Nghị Sĩ trong pháp nhiệm đầu tiên sẽ được chia làm hai nhóm đều nhau, theo thể thức rút thăm. Nhóm thứ nhất có nhiệm kỳ sáu (6) năm, nhóm thứ hai có nhiệm kỳ ba (3) năm.
4- Cuộc bầu cử các tân Nghị Sĩ phải được tổ chức chậm nhất là một (1) tháng trước khi phân nửa (1/2) tổng số Nghị Sĩ chấm dứt pháp nhiệm.
ĐIỀU 34
Được quyền ứng cử Nghị Sĩ những công dân đủ ba mươi (30) tuổi tính đến ngày bầu cử, hội đủ các điều kiện dự liệu trong đạo luật bầu cử Nghị Sĩ và các điều kiện qui định ở Điều 32.
ĐIỀU 35
1- Trong trường hợp khống khuyết Dân Biểu vì bất cứ nguyên nhân nào, cuộc bầu cử thay thế sẽ được tổ chức trong hạn ba (3) tháng, nếu sự khống khuyết xảy ra trên hai (2) năm trước ngày chấm dứt pháp nhiệm.
2- Trong trường hợp khống khuyết Nghị Sĩ vì bất cứ nguyên nhân nào, cuộc bầu cử thay thế sẽ được tổ chức chung với cuộc bầu cử phân nửa (1/2) tổng số Nghị Sĩ gần nhất.
ĐIỀU 36
Các thể thức và điều kiện ứng cử, bầu cử Dân Biểu và Nghị Sĩ, kể cả Dân Biểu đồng bào Thiểu số, sẽ do những đạo luật quy định.
ĐIỀU 37
1- Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một Dân Biểu hay Nghị Sĩ vì những sự phát biểu và biểu quyết tại Quốc Hội.
2- Trong suốt thời gian pháp nhiệm, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp, không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử một Dân Biểu hay Nghị Sĩ, nếu không có sự chấp thuận của ba phần tư (3/4) tổng số Dân Biểu hay Nghị Sĩ.
3- Trong trường hợp quả tang phạm pháp, sự truy tố hay bắt giam sẽ được đình chỉ nếu có sự yêu cầu của Viện sở quan.
4- Dân Biểu và Nghị Sĩ có quyền bảo mật về xuất xứ các tài liệu trình bày trước Quốc Hội.
5- Dân Biểu và Nghị Sĩ không thể kiêm nhiệm một chức vụ công cử hay dân cử nào khác.
6- Dân Biểu và Nghị Sĩ có thể phụ trách giảng huấn tại các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật.
7- Dân Biểu, Nghị Sĩ và người hôn phối không thể tham dự những cuộc đấu thầu hay ký hợp đồng với các cơ quan công quyền.
ĐIỀU 38
1- Trong trường hợp can tội phản quốc hay các trọng tội khác, Dân Biểu hay Nghị Sĩ có thể bị Viện sở quan truất quyền.
2- Sự truất quyền phải được hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu hay Nghị Sĩ đề nghị.
3- Quyết định truất quyền phải được ba phần tư (3/4) tổng số Dân Biểu hay Nghị Sĩ chấp thuận.
4- Đương sự được quyền biện hộ trong mọi giai đoạn của thủ tục truất quyền.
ĐIỀU 39
Quốc Hội có thẩm quyền :
1- Biểu quyết các đạo luật.
2- Phê chuẩn các hiệp ước và hiệp định quốc tế.
3- Quyết định việc tuyên chiến và nghị hòa.
4- Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh.
5- Kiểm soát chính phủ trong việc thi hành chánh sách Quốc Gia.
6- Trong phạm vi mỗi viện, quyết định hợp thức hóa sự đắc cử của các Dân Biểu hay Nghị Sĩ.
ĐIỀU 40
1- Mỗi viện với một phần ba (1/3) tổng số Dân Biểu hay Nghị Sĩ có quyền yêu cầu Thủ Tướng hay các nhân viên chính phủ ra trước Viện sở quan để trả lời các câu chất vấn về sự thi hành chánh sách quốc gia.
2- Chủ tịch Ủy Ban của mỗi viện có quyền yêu cầu các nhân viên chánh phủ tham dự các phiên họp của Uũy Ban để trình bày về các vấn đề liên quan đến Bộ sở quan.
ĐIỀU 41
Thượng Nghị Viện có quyền mở cuộc điều tra về sự thi hành chánh sách quốc gia và yêu cầu các cơ quan công quyền xuất trình các tài liệu cần thiết cho cuộc điều tra này.




ĐIỀU 42
1- Quốc Hội có quyền khuyến cáo thay thế từng phần hay toàn thể Chánh phủ với đa số hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ.
2- Nếu Tổng Thống không có lý do đặc biệt để khước từ, sự khuyến cáo sẽ có hiệu lực.
3- Trong trường hợp Tổng Thống khước từ, Quốc Hội có quyền chung quyết sự khuyến cáo với đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ. Sự khuyến cáo sau này của Quốc Hội có hiệu lực kể từ ngày chung quyết.
ĐIỀU 43
1- Dân Biểu và Nghị Sĩ có quyền đề nghị các dự án luật.
2- Tổng Thống có quyền đề nghị các dự thảo luật.
3- Các dự án luật và dự thảo luật, gọi chung là dự luật phải được đệ nạp tại văn phòng Hạ Nghị Viện.
4- Trong mọi trường hợp Hạ Nghị Viện chấp thuận hoặc bác bỏ một dự luật, Viện này đều chuyển dự luật sang văn phòng Thượng Nghị Viện trong thời hạn ba (3) ngày tròn.
5- Nếu Thượng Nghị Viện đồng quan điểm với Hạ Nghị Viện, dự luật sẽ được chuyển sang Tổng Thống để ban hành hoặc sẽ bị bác bỏ.
6- Nếu Thượng Nghị Viện không đồng quan điểm với Hạ Nghị Viện, dự luật sẽ được gởi về văn phòng Hạ Nghị Viện trong thời hạn ba (3) ngày tròn, kèm theo quyết nghị có viện dẫn lý do.
7- Trong trường hợp sau này, Hạ Nghị Viện có quyền chung quyết dự luật với đa số hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu.
8- Nếu Hạ Nghị Viện không hội đủ đa số hai phần ba (2/3) nói trên, quan điểm của Thượng Nghị Viện được coi là chung quyết.
9- Thời gian thảo luận và biểu quyết một dự luật tại Thượng Nghị Viện chỉ có thể bằng phân nửa (1/2) thời gian thảo luận và biểu quyết tại Hạ Nghị Viện. Thời gian thảo luận và chung quyết một dự luật tại Hạ Nghị Viện chỉ có thể gấp đôi thời gian thảo luận và biểu quyết tại Thượng Nghị Viện.
ĐIỀU 44
1- Các dự luật được Quốc Hội chung quyết sẽ được chuyển sang Tổng Thống trong thời hạn ba (3) ngày tròn.
2- Thời gian ban hành là mười lăm (15) ngày tròn kể từ ngày Tổng Thống tiếp nhận dự luật.
3- Trong trường hợp khẩn cấp do Quốc Hội thẩm định, thời hạn ban hành là bảy (7) ngày tròn.
4- Nếu Tổng Thống không ban hành trong các thời hạn kể trên, dự luật đã được Quốc Hội biểu quyết đương nhiên thành luật và sẽ được Chủ Tịch Thượng Nghị Viện ban hành.
ĐIỀU 45
1- Trong thời hạn ban hành, Tổng Thống có quyền gởi thông điệp có viện dẫn lý do yêu cầu Quốc Hội phúc nghị một hay nhiều điều khoản của dự luật.
2- Trong trường hợp này, Quốc Hội sẽ họp khoáng đại lưỡng viện để chung quyết dự luật với đa số quá bán (1/2) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ. Nếu Quốc Hội chung quyết bác bỏ lời yêu cầu phúc nghị của Tổng Thống, dự luật đương nhiên thành luật và được chuyển sang Tổng Thống để ban hành.
ĐIỀU 46
1- Dự thảo ngân sách được đệ nạp tại văn phòng Hạ Nghị Viện trước ngày ba mươi tháng chín (30-09).
2- Dân Biểu và Nghị Sĩ có quyền đề nghị các khoản chi mới nhưng đồng thời phải đề nghị các khoản thu tương đương.
3- Hạ Nghị Viện phải biểu quyết dự thảo ngân sách trước ngày ba mươi tháng mười một (30-11) và chuyển bản văn đã được chấp thuận đến văn phòng Thượng Nghị Viện chậm nhất là ngày một tháng mười hai (1-12).
4- Thượng Nghị Viện phải biểu quyết dự thảo ngân sách trước ngày ba mươi mốt tháng mười hai (31-12).
5- Trong thời hạn nói trên, nếu Thượng Nghị Viện yêu cầu Hạ Nghị Viện phúc nghị một hay nhiều điều khoản trong dự thảo ngân sách, thủ tục qui định tại điều 43 phải được áp dụng. Trường hợp này Tổng Thống có quyền ký sắc luật cho thi hành từng phần ngân sách tương đương với một phần mười hai (1/12) ngân sách thuộc tài khoá trước cho đến khi Hạ Nghị Viện chung quyết xong dự thảo ngân sách.
ĐIỀU 47
1- Mỗi Viện họp những khóa thường lệ và những khóa bất thường.
2- Hằng năm mỗi viện họp hai khóa thường lệ. Một khóa họp bắt đầu ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng Tư dương lịch, một khóa họp bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên trong tháng Mười dương lịch. Mỗi khóa họp thường lệ không thể lâu quá chín mươi (90) ngày. Tuy nhiên Hạ Nghị Viện có thể triển hạn khóa họp để chung quyết dự thảo ngân sách.
3- Mỗi viện có thể triệu tập các khóa họp bất thường khi có sự yêu cầu của Tổng Thống hoặc một phần ba (1/3) tổng số Dân Biểu hay Nghị Sĩ. Nếu khóa họp bất thường do Tổng Thống yêu cầu triệu tập, nghị trình khóa họp do Tổng Thống ấn định.
ĐIỀU 48
1- Quốc Hội họp công khai trừ khi quá bán (1/2) tổng số Dân Biểu hay Nghị Sĩ hiện diện yêu cầu họp kín.
2- Trong các phiên họp công khai, biên bản tường thuật toàn vẹn cuộc thảo luận và các tài liệu trình bày tại Quốc Hội sẽ được đăng trên Công Báo.
ĐIỀU 49
1- Mỗi viện bầu Chủ Tịch và các nhân viên văn phòng.
2- Mỗi viện thành lập các Ủy Ban thường trực và các Ủy Ban đặc biệt.
3- Mỗi viện trọn quyền ấn định nội quy.
4- Văn phòng hai (2) viện ấn định thủ tục liên lạc và sinh hoạt giữa hai (2) viện.
ĐIỀU 50
1- Chủ Tịch Thượng Nghị Viện triệu tập và chủ tọa các phiên họp khoáng đại lưỡng viện.
2- Trường hợp Chủ Tịch Thượng Nghị Viện bị ngăn trở, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện sẽ thay thế Chủ Tịch Thượng Nghị Viện trong nhiệm vụ này .



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post