HIẾN
PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1967
CHƯƠNG II: Quyền lợi và Nghĩa
vụ công dân
ĐIỀU 6
1- Quốc Gia tôn trọng nhân phẩm.
2- Luật pháp bảo vệ tự do, sinh mạng, tài sản và danh dự của mọi
công dân.
ĐIỀU 7
1- Quốc Gia tôn trọng và bảo vệ quyền an toàn cá nhân và quyền
biện hộ.
2- Không ai có thể bị bắt bớ, giam giữ nếu không có mệnh lệnh hợp
pháp của cơ quan có thẩm quyền luật định, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm
pháp.
3- Bị can và thân nhân phải được thông báo tội trạng trong thời
hạn luật định. Mọi sự câu lưu phải đặt dưới quyền kiểm soát của cơ quan Tư
Pháp.
4- Không ai có thể bị tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách thú tội. Sự
nhận tội vì tra tấn, đe dọa hay cưỡng bách không được coi là bằng chứng buộc
tội.
5- Bị can phải được xét xử công khai và mau chóng.
6- Bị can có quyền được luật sư biện hộ dự kiến trong mọi giai
đoạn thẩm vấn kể cả trong cuộc điều tra sơ vấn.
7- Bị can về các tội Tiểu Hình, chưa có tiền án quá ba (3) tháng
tù về các tội phạm cố ý, có thể được tại ngoại hầu tra nếu có nghề nghiệp và
địa chỉ chắc chắn. Nữ bị can về các tội tiểu hình, có nghề nghiệp và địa chỉ
chắc chắn, nếu có thai trên ba (3) tháng.
8- Bị can được suy đoán là vô tội cho đến khi bản án xác nhận tội
trạng trở thành nhất định.
Sự nghi vấn có lợi cho bị can.
9- Bị can bị bắt giữ oan ức, sau khi được tuyên bố vô tội, có
quyền đòi Quốc Gia bồi thường thiệt hại trong những điều kiện luật định.
10- Không ai có thể bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ.
ĐIỀU 8
1- Đời tư, nhà cửa và thư tín của công dân phải được tôn trọng.
2- Không ai được quyền xâm nhập, khám xét nơi cư trú và tịch thâu
đồ vật của người dân, trừ khi có lệnh của Tòa Án hoặc cần bảo vệ an ninh và
trật tự công cộng trong phạm vi luật định.
3- Luật pháp bảo vệ tánh cách riêng tư của thư tín, những hạn chế,
nếu có phải do một (1) đạo luật qui định.
ĐIỀU 9
1- Quốc Gia tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do
truyền giáo và hành đạo của mọi công dân miễn là không xâm phạm đến quyền lợi
quốc gia, không phương hại đến an ninh, trật tự công cộng và không trái với
thuần phong mỹ tục.
2- Quốc Gia không thừa nhận một tôn giáo nào là Quốc Giáo. Quốc
Gia vô tư đối với sự phát triển của các tôn giáo.
ĐIỀU 10
1- Quốc Gia công nhận quyền tự do giáo dục.
2- Nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí.
3- Nền giáo dục Đại Học được tự trị.
4- Những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ
để theo đuổi học vấn.
5- Quốc Gia khuyến khích và nâng đỡ các công dân trong việc nghiên
cứu và sáng tác về khoa học, văn học và nghệ thuật.
ĐIỀU 11
1- Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản
dân tộc, khoa học và nhân bản.
2- Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn
hóa giáo dục.
ĐIỀU 12
1- Quốc Gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo
chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự
cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục.
2- Chế độ kiểm duyệt không được chấp nhận, ngoại trừ các bộ môn
điện ảnh và kịch trường.
3- Một đạo luật sẽ ấn định qui chế báo chí.
ĐIỀU 13
1- Mọi công dân đều có quyền tự do hội họp và lập hội trong phạm
vi luật định.
2- Mọi công dân đều có quyền bầu cử , ứng cử và tham gia công vụ
trên căn bản bình đẳng theo điều kiện và thể thức luật định.
3- Quốc Gia tôn trọng các quyền chính trị của mọi công dân kể cả
quyền tự do thỉnh nguyện, quyền đối lập công khai bất bạo động và hợp pháp.
ĐIỀU 14
Mọi công dân đều có quyền tự do cư trú, đi lại, xuất ngoại và hồi
hương, ngoại trừ trường hợp luật pháp hạn chế vì lý do y tế, an ninh và quốc
phòng.
ĐIỀU 15
1- Mọi công dân đều có quyền, có bổn phận làm việc và được hưởng
thù lao tương xứng để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống hợp với
nhân phẩm.
2- Quốc Gia nỗ lực tạo công việc làm cho mọi công dân.
ĐIỀU 16
Quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được tôn trọng trong
phạm vi và thể thức luật định.
ĐIỀU 17
1- Quốc Gia công nhận gia đình là nền tảng của xã hội. Quốc Gia
khuyến khích, nâng đỡ sự thành lập gia đình, săn sóc sản phụ và thai nhi.
2- Hôn nhân được đặt căn bản trên sự ưng thuận, sự bình đẳng và sự
hợp tác giữa vợ chồng.
3- Quốc Gia tán trợ sự thuần nhất gia đình.
ĐIỀU 18
1- Quốc Gia nỗ lực thiết lập chế độ an ninh xã hội.
2- Quốc Gia có nhiệm vụ thiết lập chế độ cứu trợ xã hội và y tế
công cộng.
3- Quốc Gia có nhiệm vụ nâng đỡ đời sống tinh thần và vật chất của
các chiến sĩ quốc gia, bảo trợ và dưỡng dục các quốc gia nghĩa tử.
ĐIỀU 19
1- Quốc Gia công nhận và bảo đảm quyền tư hữu.
2- Quốc Gia chủ trương hữu sản hóa nhân dân.
3- Sở hữu chủ các tài sản bị truất hữu hoặc trưng dụng vì lý do
công ích phải được bồi thường nhanh chóng và thoả đáng theo thời giá.
ĐIỀU 20
1- Quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh được công nhận nhưng không
được hành xử để nắm giữ độc quyền, độc chiếm hay thao túng thị trường.
2- Quốc Gia khuyến khích và tán trợ sự hợp tác kinh tế có tánh
cách tương trợ.
3- Quốc Gia đặc biệt nâng đỡ những thành phần xã hội yếu kém về
kinh tế.
ĐIỀU 21
Quốc Gia chủ trương nâng cao đời sống nông dân và đặc biệt giúp đỡ
nông dân có ruộng đất canh tác.
ĐIỀU 22
Trên nguyên tắc quân bình giữa nghĩa vụ và quyền lợi, công nhân có
quyền cử đại biểu tham gia quản trị xí nghiệp, đặc biệt về những vấn đề liên
quan đến lương bổng và điều kiện làm việc trong phạm vi và thể thức luật định.
ĐIỀU 23
1- Quân Nhân đắc cử vào các chức vụ dân cử, hay tham chánh tại cấp
bậc trung ương phải được giải ngũ hay nghỉ giả hạn không lương, tùy theo sự lựa
chọn của đương sự.
2- Quân Nhân tại ngũ không được sinh hoạt đảng phái.
ĐIỀU 24
1- Quốc Gia công nhận sự hiện hữu của các sắc tộc thiểu số trong
cộng đồng Việt Nam.
2- Quốc Gia tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào thiểu số.
Các tòa án phong tục phải được thiết lập để xét xử một số các vụ án phong tục
giữa các đồng bào thiểu số.
3- Một đạo luật sẽ qui định những quyền lợi đặc biệt để nâng đỡ
đồng bào thiểu số.
ĐIỀU 25
Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc và chánh thể Cộng Hòa.
ĐIỀU 26
Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Hiến Pháp và tôn trọng luật
pháp.
ĐIỀU 27
Mọi công dân đều có nghĩa vụ thi hành quân dịch theo luật định.
ĐIỀU 28
Mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế theo luật định.
ĐIỀU 29
Mọi sự hạn chế các quyền công dân căn bản phải được qui định bởi
một đạo luật có ấn định rõ phạm vi áp dụng trong thời gian và không gian. Tuy
nhiên trong mọi trường hợp, tánh cách thiết yếu của các quyền công dân căn bản
vẫn không được vi phạm.