Hiến Pháp Cộng Hòa Liên Bang Nga 1997 - Hành Pháp

HIẾN PHÁP CỘNG HÒA BA LAN 1997


Chương V :
TỔNG THỐNG CỘNG HÒA BA LAN
Điều 126
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan là người đại diện tối cao của Cộng hòa Ba Lan và là người bảo đảm cho sự liên tục của cơ quan nhà nước.
2. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có trách nhiệm bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như sự bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
3. Tổng thống thực hiện nhiệm vụ của mình trong phạm vi và theo các nguyên tắc do Hiến pháp và luật quy định.
Điều 127
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan do nhân dân bầu trong cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng và trực tiếp, được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín.
2. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan được bầu với nhiệm kỳ 5 năm và chỉ có thể được bầu lại thêm một nhiệm kỳ.
3. Chỉ công dân Ba Lan, tính đến ngày bầu cử, đủ 35 tuổi và có đầy đủ quyền bầu cử Hạ nghị viện, mới có thể được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Mỗi ứng cử viên sẽ phải có được chữ ký ủng hộ của ít nhất 100.000 công dân có quyền bầu cử Hạ nghị viện.
4. Ứng cử viên nhận được hơn 1/2 số phiếu bầu hợp lệ sẽ trúng cử chức vụ Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Nếu không có ứng cử viên nào nhận được đa số phiếu yêu cầu, thì sẽ tổ chức lại việc bỏ phiếu vào ngày thứ 14 sau ngày bỏ phiếu lần thứ nhất.
5. Hai ứng cử viên nhận được số phiếu bầu cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ nhất sẽ tham gia vào lần bỏ phiếu lại. Nếu một trong số hai ứng cử viên này đồng ý rút khỏi danh sách ứng cử viên, mất quyền bầu cử hoặc chết, thì người đó sẽ được thay thế trong lần bỏ phiếu lại bởi người nhận được số phiếu bầu cao kế tiếp trong lần bỏ phiếu thứ nhất. Trong trường hợp này, ngày bỏ phiếu lại sẽ được gia hạn thêm 14 ngày.
6. Ứng cử viên nhận được số phiếu bầu cao hơn trong lần bỏ phiếu lại sẽ được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Ba Lan.
7. Các nguyên tắc và thủ tục đề cử ứng cử viên và tiến hành bầu cử, cũng như những yêu cầu về tính hợp lệ của cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ do luật định.
Điều 128
1. Nhiệm kỳ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bắt đầu từ ngày nhậm chức.
2. Chủ tịch Hạ nghị viện ra lệnh tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Ba Lan không trước 100 ngày và không sau 75 ngày tính đến ngày hết nhiệm kỳ Tổng thống, và trong trường hợp khuyết vị trí Tổng thống Cộng hòa Ba Lan – không được muộn hơn ngày thứ 14 của thời điểm bị khuyết, trong đó lệnh cần quy định rõ cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào một ngày nghỉ và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra lệnh tổ chức bầu cử.
Điều 129
1. Tòa án Tối cao xem xét về tính hợp lệ của cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Ba Lan.
2. Cử tri có quyền khởi kiện lên Tòa án Tối cao về tính hợp lệ của cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Ba Lan theo các nguyên tắc do luật định.
3. Trong trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Ba Lan được xác định là không hợp lệ, thì một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức theo các nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều 128 liên quan đến vấn đề khuyết vị trí Tổng thống Cộng hòa Ba Lan.
Điều 130
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ nhậm chức thông qua việc tuyên thệ trước Quốc hội như sau:
“Với mong muốn của Nhân dân, nhậm chức Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, tôi chính thức tuyên thệ trung thành với các quy định của Hiến pháp; tôi cam kết rằng tôi sẽ kiên định bảo vệ các giá trị của Dân tộc, sự độc lập và an ninh của Quốc gia, cũng như những điều tốt đẹp của Tổ quốc và sự phồn vinh của người dân sẽ là nghĩa vụ cao quý của tôi.”
Lời tuyên thệ cũng có thể được đưa ra cùng với câu “Tôi xin thề, trước Chúa.”
Điều 131
1. Nếu Tổng thống Cộng hòa Ba Lan tạm thời không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình, Tổng thống có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Hạ nghị viện, là người sẽ tạm thời đảm nhiệm nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Nếu Tổng thống Cộng hòa Ba Lan không có khả năng thông báo cho Chủ tịch Hạ nghị viện về việc không có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình, thì Tòa án Hiến pháp, theo đề nghị của Chủ tịch Hạ nghị viện, sẽ quyết định việc có hay không có trở ngại đến việc thực hiện nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Nếu Tòa án Hiến pháp xác định có trở ngại, thì Tòa án sẽ yêu cầu Chủ tịch Hạ nghị viện tạm thời thực hiện nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan.
2. Chủ tịch Hạ nghị viện sẽ tạm thời thực hiện nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan cho tới khi bầu được Tổng thống Cộng hòa Ba Lan mới trong các trường hợp sau đây:
1) Tổng thống Cộng hòa Ba Lan chết;
2) Tổng thống từ chức;
3) Có tuyên bố của tòa án về tính không hợp lệ của cuộc bầu cử Tổng thống hoặc các lý do khác không thể nhậm chức sau cuộc bầu cử;
4) Có tuyên bố của Quốc hội về việc Tổng thống vĩnh viễn không có khả năng thực hiện nhiệm vụ vì tình trạng sức khỏe; tuyên bố này phải được ghi nhận bằng một nghị quyết được thông qua với đa số phiếu của ít nhất 2/3 số thành viên của Quốc hội theo luật định;
5) Có phán quyết của Tòa án Quốc gia bãi nhiệm Tổng thống Cộng hòa Ba Lan.
3. Nếu Chủ tịch Hạ nghị viện không thể thực hiện nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, thì Chủ tịch Thượng nghị viện sẽ thực hiện những nhiệm vụ này.
4. Người được giao thực hiện nhiệm vụ của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ không rút ngắn nhiệm kỳ của Hạ nghị viện.
Điều 132
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan không đảm nhiệm các chức vụ khác cũng như không thực hiện bất kỳ nhiệm vụ công nào khác, trừ trường hợp những nhiệm vụ này có liên quan đến nhiệm vụ của mình.
Điều 133
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan là người đại diện cho Nhà nước về đối ngoại, có trách nhiệm:
1) Phê chuẩn và rút khỏi các điều ước quốc tế, và có trách nhiệm thông báo cho Hạ nghị viện và Thượng nghị viện về việc này;
2) Cử và triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa Ba Lan tại nước khác hoặc tại các tổ chức quốc tế;
3) Tiếp nhận Quốc thư và triệu hồi đại diện ngoại giao của nước khác và các tổ chức quốc tế được gửi tới Tổng thống;
2. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, trước khi phê chuẩn một điều ước quốc tế có thể chuyển điều ước đó đến Tòa án Hiến pháp để yêu cầu xem xét về sự phù hợp với Hiến pháp của điều ước đó.
3. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có trách nhiệm hợp tác với Thủ tướng và các bộ trưởng hữu quan về các chính sách đối ngoại.
Điều 134
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan là Người Thống lĩnh tối cao đối với các Lực lượng Vũ trang của Ba Lan.
2. Trong thời bình, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan thực hiện quyền thống lĩnh các Lực lượng Vũ trang thông qua Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3. Trong một khoản thời gian nhất định, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng và người đứng đầu các lực lượng của các Lực lượng Vũ trang. Thời gian bổ nhiệm, thủ tục và các quy định về việc cách chức trước thời hạn đối với những chức vụ này sẽ do luật định.
4. Trong thời chiến, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ bổ nhiệm Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang theo đề nghị của Thủ tướng. Tổng thống có thể cách chức Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang theo thủ tục tương tự. Thẩm quyền của Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang, cũng như nguyên tắc phục tùng đối với các cơ quan hiến định của Cộng hòa Ba Lan, sẽ do luật định.
5. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan phong cấp bậc hàm quân đội theo quy định của luật.
6. Thẩm quyền của Tổng thống Ba Lan về quyền thống lĩnh tối cao đối với các Lực lượng Vũ trang sẽ được quy định cụ thể trong luật.
Điều 135
Hội đồng An ninh Quốc gia là cơ quan tư vấn của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan về vấn đề an ninh nội bộ và đối ngoại của Đất nước.
Điều 136
Trong trường hợp có đe dọa trực tiếp từ bên ngoài đối với Đất nước, theo đề nghị của Thủ tướng, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ và triển khai các Lực lượng Vũ trang để phòng thủ Cộng hòa Ba Lan.
Điều 137
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan trao quốc tịch Ba Lan và đồng ý cho từ bỏ quốc tịch Ba Lan.
Điều 138
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan trao tặng huân chương và huy chương.
Điều 139
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có quyền đặc xá. Quyền đặc xá không áp dụng đối với những người bị Tòa án Quốc gia kết án.
Điều 140
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có thể đưa ra Thông điệp tới Hạ nghị viện, Thượng nghị viện hoặc Quốc hội. Thông điệp này sẽ không được thảo luận.
Điều 141
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có thể triệu tập Hội đồng Nội các để thảo luận về những vấn đề cụ thể. Hội đồng Nội các gồm có Hội đồng Bộ trưởng và việc thảo luận sẽ do Tổng thống Cộng hòa Ba Lan chủ trì.
2. Hội đồng Nội các không có thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 142
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan ban hành các quy định dưới luật và mệnh lệnh hành chính theo các nguyên tắc quy định tại các Điều 92 và 93.
2. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan ban hành các quyết định trong phạm vi nhiệm vụ thuộc thẩm quyền khác của mình.
Điều 143
Văn phòng Tổng thống là cơ quan giúp việc cho Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan thiết lập quy chế hoạt động của Văn phòng Tổng thống và bổ nhiệm, cách chức Chánh Văn phòng Tổng thống.
Điều 144
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, khi thực hiện thẩm quyền do Hiến pháp hoặc luật quy định, ban hành các Quy định Công vụ [Offical Acts].
2. Để có hiệu lực, Quy định Công vụ của Tống thống phải được Thủ tướng ký để thể hiện sự đồng ý đảm nhận trách nhiệm về các Quy định Công vụ này trước Hạ nghị viện.
3. Các quy định tại khoản 2 sẽ không liên quan đến:
1) Tuyên bố bầu cử Hạ nghị viện và Thượng nghị viện;
2) Triệu tập kỳ họp thứ nhất của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện mới được bầu;
3) Rút ngắn nhiệm kỳ của Hạ nghị viện trong những trường hợp do Hiến pháp quy định;
4) Trình dự án luật;
5) Công bố tổ chức cuộc trưng cầu ý dân cấp quốc gia;
6) Ký ban hành hoặc từ chối ký ban hành một dự án luật;
7) Ra lệnh công bố luật hoặc điều ước quốc tế trên Công báo Cộng hòa Ba Lan (Dziennik Ustaw);
8) Gửi Thông điệp đến Hạ nghị viện, Thượng nghị viện hoặc Quốc hội;
9) Chuyển vụ việc tới Tòa án Hiến pháp;
10) Yêu cầu Văn phòng Kiểm toán Tối cao thực hiện việc kiểm toán;
11) Đề cử và bổ nhiệm Thủ tướng;
12) Chấp nhận việc xin từ chức của Hội đồng Bộ trưởng và buộc Hội đồng Bộ trưởng tạm thời tiếp tục nhiệm vụ của mình;
13) Yêu cầu Hạ nghị viện đưa một thành viên Hội đồng Bộ trưởng ra chịu trách nhiệm trước Tòa án Quốc gia;
14) Cách chức bộ trưởng đã bị Hạ nghị viện bỏ phiếu bất tín nhiệm;
15) Triệu tập Hội đồng Nội các;
16) Trao tặng huân chương và huy chương;
17) Bổ nhiệm thẩm phán;
18) Thực hiện quyền đặc xá;
19) Trao quốc tịch Ba Lan và đồng ý cho từ bỏ quốc tịch Ba Lan;
20) Bổ nhiệm Chánh án Thứ nhất Tòa án Tối cao;
21) Bổ nhiệm Chánh án và Phó Chánh án Tòa án Hiến pháp;
22) Bổ nhiệm Chánh án Tòa án Hành chính Tối cao;
23) Bổ nhiệm các chánh án Tòa án Tối cao và các phó chánh án Tòa án Hành chính Tối cao;
24) Đề nghị Hạ nghị viện bổ nhiệm Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Ba Lan;
25) Bổ nhiệm các thành viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ;
26) Bổ nhiệm và cách chức các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia;
27) Bổ nhiệm các thành viên Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia;
28) Thiết lập quy chế hoạt động của Văn phòng Tổng thống và bổ nhiệm hoặc cách chức Chánh Văn phòng Tổng thống;
29) Ban hành lệnh theo các nguyên tắc quy định tại Điều 93;
30) Từ nhiệm chức vụ Tổng thống Cộng hòa Ba Lan.
Điều 145
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có thể phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Quốc gia về việc vi phạm Hiến pháp hoặc luật, hoặc về việc thực hiện tội phạm.
2. Quyết định truy tố Tổng thống Cộng hòa Ba Lan phải được Quốc hội thông qua bằng nghị quyết với đa số phiếu của ít nhất 2/3 số thành viên Quốc hội theo luật định, trên cơ sở đề nghị của ít nhất 140 thành viên Quốc hội.
3. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bị tạm đình chỉ việc thực hiện toàn bộ nhiệm vụ của mình vào ngày quyết định truy tố Tổng thống được đưa ra để xem xét trước Tòa án Quốc gia. Các quy định tại Điều 131 sẽ được áp dụng khi phù hợp.
Chương VI:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VÀ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Điều 146
1. Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo các vấn đề đối nội và chính trách đối ngoại của Cộng hòa Ba Lan.
2. Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo các vấn đề của nhà nước chưa được giao cho các cơ quan Nhà nước khác hoặc chính quyền địa phương.
3. Hội đồng Bộ trưởng điều hành nền hành chính nhà nước.
4. Trong phạm vi và theo các nguyên tắc do Hiến pháp và luật quy định, Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm cụ thể như sau:
1) Bảo đảm việc thực thi các đạo luật;
2) Ban hành các quy định dưới luật;
3) Phối hợp và giám sát công việc của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước;
4) Bảo vệ lợi ích của Ngân khố Quốc gia;
5) Dự thảo Ngân sách Nhà nước;
6) Giám sát việc thực hiện Ngân sách Nhà nước và thông qua nghị quyết về việc kết thúc tài khóa quốc gia và báo cáo về việc thực hiện Ngân sách;
7) Bảo đảm an ninh nội địa và trật tự công cộng;
8) Bảo đảm an ninh đối ngoại của Nhà nước;
9) Thực hiện kiểm soát chung trong quan hệ với các nước khác và các tổ chức quốc tế;
10) Ký kết các điều ước quốc tế yêu cầu có sự phê chuẩn cũng như chấp nhận và từ bỏ các điều ước quốc tế khác;
11) Thực hiện kiểm soát chung trong lĩnh vực quốc phòng và quy định số lượng công dân hàng năm phải thực hiện nghĩa vụ quân sự;
12) Quyết định về tổ chức và cách thức làm việc của mình.
Điều 147
1. Hội đồng Bộ trưởng gồm có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) và các bộ trưởng.
2. Các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) cũng có thể được bổ nhiệm trong Hội đồng Bộ trưởng.
3. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng có thể thực hiện nhiệm vụ của bộ trưởng.
4. Chủ tịch các ủy ban do luật định cũng có thể được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 148
Thủ tướng có trách nhiệm:
1) Đại diện Hội đồng Bộ trưởng;
2) Điều hành công việc của Hội đồng Bộ trưởng;
3) Ban hành quy định dưới luật;
4) Bảo đảm việc thực hiện các chính sách được Hội đồng Bộ trưởng thông qua và quy định các cách thức thực hiện;
5) Phối hợp và kiểm soát công việc của các thành viên Hội đồng Bộ trưởng;
6) Trong phạm vi và theo cách thức do Hiến pháp và luật quy định, thực hiện quyền giám sát đối với chính quyền địa phương;
7) Là công chức cấp cao trong số những người làm việc của chính phủ.
Điều 149
1. Mỗi Bộ trưởng trực tiếp phụ trách một lĩnh vực hành chính nhà nước hoặc thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp của Thủ tướng. Phạm vi hoạt động của bộ trưởng phụ trách lĩnh vực hành chính nhà nước sẽ do luật định.
2. Bộ trưởng trực tiếp phụ trách lĩnh vực hành chính nhà nước sẽ ban hành các quy định dưới luật. Hội đồng Bộ trưởng, theo đề nghị của Thủ tướng, có thể hủy bỏ quy định dưới luật hoặc chỉ thị của bộ trưởng.
3. Các quy định có thể áp dụng đối với bộ trưởng phụ trách lĩnh vực hành chính nhà nước được áp dụng một cách phù hợp đối với chủ tịch các ủy ban quy định tại khoản 4, Điều 147.
Điều 150
Thành viên Hội đồng Bộ trưởng không thực hiện bất kỳ hành động nào trái với công vụ của mình.
Điều 151
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng phải tuyên thệ trước Tổng thống Cộng hòa Ba Lan như sau:
“Nhậm chức Thủ tướng (Phó Thủ tướng, bộ trưởng) tôi chính thức tuyên thệ trung thành với các quy định của Hiến pháp và luật của Cộng hòa Ba Lan, và những điều tốt đẹp của Tổ quốc, sự phồn vinh của người dân sẽ là nghĩa vụ cao quý của tôi.”
Lời tuyên thệ cũng có thể được đưa ra cùng với câu “Tôi xin thề, trước Chúa”.
Điều 152
1. Tỉnh trưởng là người đại diện của Hội đồng Bộ trưởng ở một tỉnh.
2. Thủ tục bổ nhiệm hoặc cách chức, cũng như phạm vi hoạt động của tỉnh trưởng sẽ do luật định.
Điều 153
1. Đội ngũ công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của Nhà nước một cách chuyên nghiệp, mẫn cán, không thiên vị và trung lập về chính trị.
2. Thủ tướng là công chức cấp cao của đội ngũ công chức.
Điều 154
1. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan đề cử Thủ tướng là người sẽ đưa ra kiến nghị về thành phần của Hội đồng Bộ trưởng. Trong thời hạn 14 ngày từ ngày bắt đầu kỳ họp thứ nhất của Hạ nghị viện hoặc chấp nhận sự từ chức của Hội đồng Bộ trưởng cũ, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ bổ nhiệm Thủ tướng cùng với các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng và chấp thuận lời tuyên thệ nhậm chức của các thành viên Hội đồng Bộ trưởng mới được bổ nhiệm.
2. Trong thời hạn 14 ngày sau ngày được bổ nhiệm bởi Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, Thủ tướng có trách nhiệm trình kế hoạch hành động của Hội đồng Bộ trưởng lên Hạ nghị viện cùng với đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Hạ nghị viện sẽ thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm với một đa số tuyệt đối phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định.
3. Trong trường hợp Hội đồng Bộ trưởng không được bổ nhiệm theo khoản 1 hoặc thất bại trong việc bỏ phiếu tín nhiệm theo khoản 2, thì trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại các khoản 1 và 2, Hạ nghị viện sẽ chọn Thủ tướng và các thành viên Hội đồng Bộ trưởng theo đề xuất của Thủ tướng, bằng một đa số tuyệt đối phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ bổ nhiệm Hội đồng Bộ trưởng đã được Hạ nghị viện lựa chọn và chấp nhận lời tuyên thệ nhậm chức của các thành viên Hội đồng Bộ trưởng.
Điều 155
1. Trong trường hợp Hội đồng Bộ trưởng không được bổ nhiệm theo quy định tại Điều 154, khoản 3, thì Tổng thống Cộng hòa Ba Lan, trong thời hạn 14 ngày, sẽ bổ nhiệm Thủ tướng và, theo đề nghị của Thủ tướng, bổ nhiệm các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng. Trong thời hạn 14 ngày sau ngày Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm Hội đồng bộ trưởng, Hạ nghị viện sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm với sự có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định.
2. Trong trường hợp việc bỏ phiếu tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng theo quy định tại khoản 1 không được chấp nhận, thì Tổng thống Cộng hòa phải rút ngắn nhiệm kỳ của Hạ nghị viện và ra lệnh tổ chức bầu cử.
Điều 156
1. Các thành viên Hội đồng Bộ trưởng sẽ bị đưa ra Tòa án Quốc gia để xem xét trách nhiệm về việc vi phạm Hiến pháp và các đạo luật, cũng như về việc thực hiện tội phạm liên quan đến nhiệm vụ của mình.
2. Theo đề nghị của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan hoặc của ít nhất 115 Hạ nghị sĩ, Hạ nghị viện sẽ thông qua nghị quyết về việc đưa thành viên Hội đồng Bộ trưởng ra chịu trách nhiệm trước Tòa án Quốc gia với một đa số 3/4 của số Hạ nghị sĩ do luật định.
Điều 157
1. Các thành viên Hội đồng Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm tập thể trước Hạ nghị viện về các hành động của Hội đồng Bộ trưởng.
2. Các thành viên Hội đồng Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm cá nhân trước Hạ nghị viện về những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của mình hoặc được Thủ tướng phân cấp.
Điều 158
1. Hạ nghị viện thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Hội đồng Bộ trưởng với một đa số phiếu của số Hạ nghị sĩ theo luật định, theo đề nghị của ít nhất 46 Hạ nghị sĩ và ghi rõ tên của ứng cử viên chức vụ Thủ tướng. Nếu nghị quyết này được Hạ nghị viện thông qua, thì Tồng thống Cộng hòa Ba Lan phải chấp nhận việc từ chức của Hội đồng Bộ trưởng và bổ nhiệm một Thủ tướng mới như Hạ nghị viện đã lựa chọn, và theo đề nghị của Thủ tướng, bổ nhiệm các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng và chấp nhận lời tuyên thệ nhậm chức của những người này.
2. Đề nghị thông qua nghị quyết quy định tại khoản 1 có thể được đưa ra bỏ phiếu không sớm hơn 7 ngày sau ngày được đệ trình. Đề nghị tương tự tiếp theo có thể được đệ trình không sớm hơn 3 tháng kể từ ngày đề nghị trước đó được đệ trình. Đề nghị tiếp theo có thể được đệ trình trước khi kết thúc 3 tháng nếu đề nghị này được đệ trình bởi ít nhất 115 Hạ nghị sĩ.
Điều 159
1. Hạ nghị viện có thể thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng bộ trưởng. Đề nghị thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm này có thể được đệ trình bởi ít nhất 69 Hạ nghị sĩ. Các quy định tại khoản 2 Điều 158 được áp dụng một cách phù hợp.
2. Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ bãi nhiệm bộ trưởng mà việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã được Hạ nghị viện thông qua với đa số phiếu của số Hạ nghị sĩ theo luật định.
Điều 160
Thủ tướng có thể đề nghị Hạ nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng. Việc bỏ phiếu tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng phải được thông qua với đa số phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định.
Điều 161
Tổng thống Cộng hòa Ba Lan quyết định thay đổi cơ cấu Hội đồng Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng.
Điều 162
1. Thủ tướng có trách nhiệm đệ trình việc từ chức của Hội đồng Bộ trưởng tại kỳ họp thứ nhất của Hạ nghị viện mới được bầu.
2. Thủ tướng cũng có trách nhiệm đệ trình việc từ chức của Hội đồng Bộ trưởng trong các trường hợp sau đây:
1) Khi việc bỏ phiếu tín nhiệm Hội đồng Bộ trường đã không được Hạ nghị viện thông qua.
2) Khi việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Hội đồng Bộ trưởng đã được thông qua;
3) Khi Thủ tướng tự mình từ chức.
3. Khi chấp thuận việc từ chức của Hội đồng Bộ trưởng, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan sẽ buộc Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục nhiệm vụ của mình cho đến khi Hội đồng Bộ trưởng mới được bầu ra.
4. Trong trường hợp quy định tại điểm 3 khoản 2, Tổng thống Cộng hòa Ba Lan có thể từ chối chấp thuận việc từ chức của Hội đồng Bộ trưởng.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post