Hiến Pháp Cộng Hòa Ba Lan 1997 - Tư Pháp

HIẾN PHÁP CỘNG HÒA BA LAN 1997

Chương VIII:
TÒA ÁN
Điều 173
Các tòa án và tòa chuyên trách có thẩm quyền riêng biệt và độc lập với các nhóm quyền lực khác.
Điều 174
Các tòa án và tòa chuyên trách tuyên án nhân danh Cộng hòa Ba Lan.
Tòa án
Điều 175
1. Việc thi hành công lý ở Cộng hòa Ba Lan do Tòa án Tối cao, các tòa án có thẩm quyền chung, tòa án hành chính và tòa án quân sự thực hiện.
2. Các tòa án đặc biệt hoặc các thủ tục rút gọn chỉ có thể được thực hiện trong thời chiến.
Điều 176
1. Các vụ việc giải quyết tại tòa án phải qua ít nhất 2 cấp xét xử.
2. Cơ cấu tổ chức và thẩm quyền cũng như thủ tục hoạt động của các tòa án sẽ do luật định.
Điều 177
Tòa án có thẩm quyền chung thi hành công lý đối với tất cả các loại vụ việc nhằm giảm tải công việc theo luật định cho các tòa án khác.
Điều 178
1. Thẩm phán, khi thực hiện nhiệm vụ, phải độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và luật
2. Thẩm phán được cung cấp các điều kiện phù hợp để làm việc và được trả lương phù hợp chức vụ và phạm vi nhiệm vụ của mình.
3. Thẩm phán không được tham gia đảng phải chính trị, tổ chức công đoàn hoặc thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với nguyên tắc độc lập của tòa án và thẩm phán.
Điều 179
Thẩm phán do Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm không thời hạn theo đề nghị của Hội đồng Tư pháp Quốc gia.
Điều 180
1. Thẩm phán không thể bị cách chức.
2. Việc tước bỏ chức vụ, đình chỉ chức vụ của thẩm phán, chuyển tới một tòa án khác hoặc một vị trí khác trái với mong muốn của người đó chỉ có thể được thực hiện bằng một phán quyết của tòa án và trong những trường hợp do luật định.
3. Thẩm phán có thể nghỉ hưu vì lý do bệnh tật hoặc ốm đau làm cản trở người đó thực hiện nhiệm vụ của mình. Thủ tục làm việc này, cũng như thủ tục kháng cáo các quyết định này sẽ do luật định
4. Luật sẽ quy định quy định giới hạn về độ tuổi mà thẩm phán sẽ phải nghỉ hưu khi vượt quá độ tuổi đó.
5. Trường hợp tổ chức lại hệ thống tòa án hoặc có thay đổi về ranh giới thẩm quyền theo địa hạt, thẩm phán có thể được phân công đến một tòa án khác hoặc nghỉ hưu với khoản trợ cấp bằng tiền thù lao toàn bộ của người đó.
Điều 181
Nếu không được tòa án do luật định cho phép từ trước, thẩm phán sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như không bị tước tự do. Thẩm phán sẽ không bị tạm giam hoặc bắt giữ, trừ trường hợp người đó bị bắt quả tang thực hiện một tội phạm mà việc giam giữ người đó là cần thiết để bảo đảm quá trình tố tụng phù hợp. Chánh án tòa án địa phương có thẩm quyền sẽ được thông báo ngay về việc giam giữ và có thể ra lệnh phóng thích ngay người bị bắt.
Điều 182
Luật sẽ quy định phạm vi tham gia của công dân trong việc thi hành công lý.
Điều 183
1. Tòa án Tối cao thực hiện quyền giám sát đối với các bản án của các tòa án có thẩm quyền chung và tòa án quân sự.
2. Tòa án Tối cao cũng sẽ thực hiện các hoạt động khác theo quy định của Hiến pháp và luật.
3. Chức vụ Chánh án Thứ nhất của Tòa án Tối cao do Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm với nhiệm kỳ 6 năm trong số các ứng cử viên do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao giới thiệu.
Điều 184
Tòa án Hành chính Tối cao và các tòa án hành chính khác, trong phạm vi luật định, thực hiện kiểm soát đối với việc thực hiện quản lý hành chính công. Việc kiểm soát này cũng sẽ được thực hiện trên cơ sở phán quyết về tính phù hợp với luật của các quyết định do cơ quan của chính quyền địa phương và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan điều hành chính phủ ở khu vực.
Điều 185
Chánh án Tòa án Hành chính Tối cao do Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm với nhiệm kỳ 6 năm trong số các ứng cử viên do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Hành chính Tối cao giới thiệu.
Điều 186
1. Hội đồng Tư pháp Quốc gia có trách nhiệm bảo đảm sự độc lập của tòa án và thẩm phán.
2. Hội đồng Tư pháp Quốc gia có thể đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét về sự phù hợp với Hiến pháp của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sự độc lập của tòa án và thẩm phán.
Điều 187
1. Hội đồng Tư pháp Quốc gia gồm có:
1) Chánh án Thứ nhất của Tòa án Tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án Hành chính Tối cao và một người do Tổng thống Cộng hòa Ba Lan bổ nhiệm;
2) 15 thẩm phán được lựa chọn trong số những thẩm phán của Tòa án Tối cao, các tòa án có thẩm quyền chung, tòa án hành chính và tòa án quân sự;
3) 4 thành viên được Hạ nghị viện lựa chọn trong số các Hạ nghị sĩ và 2 thành viên lựa chọn trong số các Thượng nghị sĩ.
2. Hội đồng Tư pháp Quốc gia lựa chọn chủ tịch và hai phó chủ tịch trong số các thành viên của Hội đồng.
3. Nhiệm kỳ của những người được lựa chọn làm thành viên Hội đồng Tư pháp Quốc gia là 4 năm.
4. Cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động và các thủ tục làm việc của Hội đồng Tư pháp Quốc gia cũng như cách thức lựa chọn thành viên Hội đồng sẽ do luật định.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post