HIẾN PHÁP ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA VIỆT
NAM 1956
THIÊN THỨ TƯ: QUỐC HỘI
CHƯƠNG I – DÂN BIỂU
Điều 48
Đạo luật tuyển cử ấn định số
Dân biểu Quốc hội và các đơn vị bầu cử.
Điều 49
Dân biểu được bầu cử theo lối
đầu phiếu phổ thông, trực tiếp và kín, theo những thể thức và điều kiện do đạo
luật tuyển cử quy định.
Điều 50
Có quyền ứng cử Dân biểu những
người:
1. Có quốc tịch Việt Nam liên tục
từ khi mới sinh, hoặc đã nhập Việt tịch ít nhất năm năm, hoặc đã hồi phục Việt
tịch ít nhất ba năm trừ những người đã hồi phục Việt tịch trước ngày ban hành
Hiến pháp;
2. Hưởng các quyền công dân;
3. Đủ 25 tuổi tới ngày đầu phiếu;
4. Hội đủ các điều kiện khác dự
liệu trong đạo luật tuyển cử.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc
biệt những người nhập Việt tịch có công trạng với Tổ quốc hoặc những người hồi
phục Việt tịch có thể được Tổng thống ký sắc lệnh giảm thời hạn năm hoặc ba năm
ghi trên.
Điều 51
Nhiệm kỳ Dân biểu là ba năm.
Các Dân biểu có thể được tái cử.
Cuộc bầu cử Quốc hội mới sẽ cử
hành một tháng trước khi pháp nhiệm chấm dứt.
Điều 52
Khi một Dân biểu từ chức, mệnh
chung, hoặc chấm dứt nhiệm vụ vì bất cứ một nguyên nhân nào, cuộc bầu cử Dân
biểu thay thế sẽ được cử hành trong hạn ba tháng.
Sẽ không bầu Dân biểu thay thế,
nếu sự khống khuyết xẩy ra không đầy sáu tháng trước khi mãn pháp nhiệm.
Điều 53
Nhiệm vụ dân biểu không thể
kiêm nhiệm với một công vụ được trả lương hay nhiệm vụ dân cử khác. Công chức
đắc cử phải nghỉ giả hạn, quân nhân đắc cử phải giải ngũ.
Nhiệm vụ Dân biểu không thể
kiêm nhiệm với những chức vụ Bộ trưởng và Thứ trưởng.
Tuy nhiên, Dân biểu có thể đảm
nhận những công vụ đặc biệt liên tục không quá (12) mười hai tháng và thời gian
đảm nhận công vụ tổng cộng không quá nửa thời kỳ pháp nhiệm. Trong thời gian
đảm nhận công vụ, Dân biểu không có quyền thảo luận và biểu quyết tại Quốc hội
hoặc tại các Ủy ban của Quốc hội.
Dân biểu có thể phụ trách giảng
huấn tại các trường cấp bậc đại học và kỹ thuật cao đẳng.
Trong bất kỳ trường hợp nào,
Dân biểu không thể tham dự những cuộc đấu thầu hoặc ký hợp đồng với các cơ quan
chính quyền.
Điều 54
Không thể truy tố, tầm nã, bắt
giam hay kết án một Dân biểu vì những lời nói hoặc vì những sự biểu quyết tại
Quốc hội hoặc tại các Ủy ban Quốc hội.
Ngoại trừ trường hợp phản quốc,
xâm phạm an ninh Quốc gia hoặc đương trường phạm pháp, không thể truy tố, tầm
nã, bắt giam hay xét xử một Dân biểu trong suốt thời gian các khóa họp Quốc
hội, kể cả thời gian đi họp và họp về.
CHƯƠNG HAI – QUYỀN HÀNH CỦA
QUỐC HỘI
Điều 55
Quốc hội biểu quyết các đạo
luật. Quốc hội chấp thuận các điều ước và các hiệp định quốc tế.
CHƯƠNG BA – THỦ TỤC LẬP PHÁP
Điều 56
Dân biểu có thể đưa ra Quốc hội
xét các dự án luật, Tổng thống có thể đưa ra Quốc hội xét các dự thảo luật.
Điều 57
Các dự án và dự thảo luật được
Quốc hội chấp thuận sẽ chuyển đến Tổng thống trong thời hạn bảy ngày tròn.
Tổng thống phải ban hành các
đạo luật trong thời hạn ba mươi ngày tròn kể từ ngày tiếp nhận. Trong trường
hợp khẩn cấp do Quốc hội tuyên bố, thời hạn ban hành sẽ rút ngắn còn bảy ngày
tròn.
Điều 58
Trong thời hạn ban hành, Tổng
thống có thể gởi thông điệp viện dẫn lý do yêu cầu Quốc hội phúc nghị một hay
nhiều điều khoản đã được chấp thuận.
Khi phúc nghị, nếu Quốc hội
không đồng ý sửa đổi theo thông điệp Tổng thống thì Quốc hội sẽ chung quyết
bằng một cuộc minh danh đầu phiếu với đa số ba phần tư tổng số Dân biểu Quốc
hội.
Điều 59
Trong thời hạn ấn định ở Điều
57, nếu Tổng thống không ban hành hoặc không chuyển hoàn bản văn mà Quốc hội đã
thông qua, bản văn ấy sẽ đương nhiên thành luật.
Điều 60
Dự thảo ngân sách phải gởi tới
Văn phòng Quốc hội trước ngày ba mươi tháng Chín. Ngân sách phải được chung
quyết trước ngày ba mươi mốt tháng Chạp.
Điều 61
Dân biểu có quyền đề khởi các
khoản chi mới, nhưng đồng thời phải đề nghị các khoản thu tương đương.
CHƯƠNG TƯ – ĐIỀU HÀNH QUỐC HỘI
Điều 62
Quốc hội nhóm họp những khóa
thường lệ hoặc bất thường.
Điều 63
Hằng năm có hai khóa họp thường
lệ: một khóa đương nhiên bắt đầu ngày thứ hai đầu tiên trong tháng tư dương
lịch, và một khóa đương nhiên bắt đầu ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng Mười
dương lịch. Mỗi khóa họp thường lệ không lâu quá ba tháng.
Điều 64
Quốc hội phải được triệu tập
nhóm họp các khóa bất thường nếu có sự yêu cầu của Tổng thống hoặc quá nửa tổng
số Dân biểu Quốc hội.
Trong trường hợp Tổng thống yêu
cầu triệu tập, nghị trình khóa họp bất thường do Tổng thống ấn định.
Trong trường hợp Dân biểu yêu
cầu triệu tập, nghị trình khóa họp bất thường do Văn phòng Quốc hội ấn định.
Thời gian mỗi khóa họp bất
thường của Quốc hội không được quá ba mươi ngày.
Điều 65
Quốc hội nhóm họp công khai.
Tuy nhiên, Quốc hội họp kín nếu quá nửa số Dân biểu hiện diện hoặc Tổng thống
yêu cầu.
Các bản tường thuật y nguyên
cuộc thảo luận và các tài liệu xuất trình tại Quốc hội sẽ được đăng trong Công
báo, ngoại trừ trường hợp Quốc hội họp kín.
Điều 66
Để kiểm soát tánh cách hợp thức
cuộc bầu cử các Dân biểu, Quốc hội sẽ chỉ định một Ủy ban kiểm soát để phụ
trách việc phúc trình về vấn đề này.
Quốc hội có trọn quyền định
đoạt.
Điều 67
Quốc hội bầu Văn phòng gồm có
Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thơ ký, 3 Phó Tổng Thơ ký, và một số nhân viên
cần thiết.
Quốc hội chỉ định các Ủy ban.
Điều 68
Quốc hội ấn định nội quy, nhất
là các vấn đề sau:
Tổ chức nội bộ Quốc hội và Văn
phòng;
Thủ tục Quốc hội và quyền hạn
Văn phòng;
Kỷ luật trong Quốc hội và các
sự chế tài về kỷ luật;
Thành phần và quyền hạn các Ủy
ban.
Điều 69
Một dự án hoặc dự thảo luật
được Quốc hội chấp thuận chỉ có giá trị nếu hội đủ đa số một phần ba tổng số
Dân biểu.