Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993 - Quyền Cơ Bản

Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993

PHẦN MỘT
CHƯƠNG II
CÁC QUYỀN VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI VÀ CÔNG DÂN
Điều 17
1. Ở Liên bang Nga, các quyền và tự do của con người và công dân theo các nguyên tắc và quy phạm đã được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế và theo Hiến pháp này được thừa nhận và đảm bảo.
2. Các quyền và tự do cơ bản của con người là không thể tách rời và thuộc về mỗi người từ lúc sinh ra.
3. Việc thực hiện các quyền và tự do của con người và công dân không được xâm phạm quyền và tự do của người khác.
Điều 18
Các quyền và tự do của con người và công dân có hiệu lực trực tiếp. Các quyền và tự do xác định ý nghĩa, nội dung và việc áp dụng các đạo luật, hoạt động của lập pháp và hành pháp, chính quyền tự quản địa phương, và được đảm bảo bởi toà án.
Điều 19
1. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng về quyền và tự do của con người và công dân mà không bị phụ thuộc vào giới, chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, xuất thân, vị thế, tài sản, chỗ ở, tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức xã hội và những hoàn cảnh khác.
3. Phụ nữ và đàn ông có các quyền và tự do ngang nhau và cơ hội thực hiện chúng như nhau.
Điều 20
1. Mỗi người đều có quyền được sống.
2. Theo pháp luật liên bang, cho đến khi chưa được bãi bỏ, tử hình được áp dụng với tư cách là biện pháp trừng phạt đặc biệt đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm cuộc sống con người chỉ với điều kiện bị cáo có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn.
Điều 21
1. Phẩm giá con người được Nhà nước bảo trợ. Không một điều gì có thể là cơ sở để hạ thấp phẩm giá con người.
2. Không một ai phải chịu tra tấn, bạo lực hay bất kỳ hình thức đối xử, trừng phạt dã man nào hạ thấp phẩm giá con người. Không một ai chịu thử nghiệm y học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác nếu chính người đó không tự nguyện đồng ý.
Điều 22
1. Mỗi người đều có quyền tự do và bất khả xâm phạm cá nhân.
2. Chỉ được bắt, giam, tạm giam theo quyết định của toà án. Khi chưa có quyết định của toà, không được giữ người quá 48 tiếng đồng hồ.
Điều 23
1. Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm về cuộc sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân, quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình.
2. Mỗi người đều có quyền bí mật thư tín, điện thoại và những hình thức trao đổi thông tin khác. Việc hạn chế quyền này chỉ được phép khi có quyết định của toà án.
Điều 24
1. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời tư của người khác nếu người đó không đồng ý.
2. Các cơ quan quyền lực nhà nước, tự quản địa phương, các nhà chức trách phải đảm bảo khả năng cho từng công dân có thể tiếp cận các văn bản động chạm trực tiếp các quyền và tự do của người đó, nếu pháp luật không quy định khác.
Điều 25
Chỗ ở là bất khả xâm phạm. Không một ai có thể xâm nhập chỗ ở trái với ý chí của những người sống trong đó, trừ những trường hợp do pháp luật liên bang quy định, hoặc được toà án cho phép.
Điều 26
1. Mỗi người đều có quyền tự xác định và chỉ định sắc tộc của mình. Không một ai bị ép buộc phải xác định và chỉ định sắc tộc của mình.
2. Mỗi người đều có quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp, giáo dục và sáng tạo.
Điều 27
1. Mỗi người, nếu có mặt một cách hợp pháp trên lãnh thổ Liên bang Nga, đều có quyền tự do di chuyển, lựa chọn chỗ đến và chỗ ở.
2. Mỗi người có thể tự do ra khỏi lãnh thổ Liên bang Nga, Công dân Liên bang Nga có quyền trở về Liên bang Nga mà không gặp cản trở nào.
Điều 28
Mỗi người đều được đảm bảo tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có quyền riêng mình hoặc cùng với người khác theo đuổi bất kỳ tôn giáo nào hoặc không theo đuổi bất cứ tôn giáo nào, tự do lựa chọn và phổ biến tôn giáo và các hình thức tín ngưỡng khác và hành động theo tín ngưỡng đó.
Điều 29
1. Mỗi người đều được bảo đảm quyền tự do tư tưởng và ngôn luận.
2. Cấm tuyên truyền, phổ biến gây thù hận về mặt xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo. Cấm tuyên truyền về ưu thế xã hội, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo.
3. Không một ai bị bắt buộc phải thể hiện hoặc từ chối quan điểm, ý kiến của mình.
4. Mỗi người đều có quyền tự do tìm hiểu, tiếp nhận, phổ biến thông tin bằng bất kỳ hình thức hợp pháp nào. Danh mục các loại thông tin thuộc bí mật nhà nước do pháp luật liên bang quy định.
5. Tự do báo chí được bảo đảm. Cấm kiểm duyệt.
Điều 30
1. Mỗi người đều có quyền liên kết, trong đó có quyền lập hội đoàn chuyên nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Tự do hoạt động hiệp hội được bảo đảm.
2. Không một ai bị ép buộc gia nhập, hoạt động trong một hiệp hội nào.
Điều 31
Công dân Liên bang Nga có quyền tụ tập một cách hoà bình, không có vũ trang để tiến hành hội họp, mít tinh, biểu tình, diễu hành, tuần hành.
Điều 32
1. Công dân Liên bang Nga có quyền tham gia quản lý nhà nước một cách trực tiếp cũng như thông qua các đại biểu dân cử.
2. Công dân Liên bang Nga có quyền bầu và được bầu vào các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, cũng như tham gia trưng cầu ý dân.
3. Các công dân mà toà án tuyên bố không có năng lực hành vi, những người đang bị giam giữ theo bản án của toà thì không được bầu cử và ứng cử.
4. Công dân Liên bang Nga có quyền tiếp cận bình đẳng đối với nền công vụ.
5. Công dân Liên bang Nga có quyền tham gia xét xử.
Điều 33
Công dân Nga có quyền kiến nghị trực tiếp, hoặc gửi kiến nghị cá nhân và tập thể đến các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương.
Điều 34
1. Mỗi người đều có quyền tự do sử dụng khả năng và tài sản của mình để tiến hành kinh doanh hoặc những hoạt động kinh tế hợp pháp khác.
2. Cấm các hoạt động kinh tế độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Điều 35
1. Quyền tư hữu được pháp luật bảo hộ.
2. Mỗi người đều có quyền sở hữu tài sản, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản một mình hoặc cùng với người khác.
3. Không một ai bị tước tài sản sản của mình, trừ khi toà án quyết định. Việc thu hồi tài sản dùng cho nhu cầu của nhà nước chỉ được tiến hành khi đã có bồi thường trước, ngang bằng giá trị.
4. Quyền thừa kế được bảo đảm.
Điều 36
1. Công dân và các tổ chức của họ có quyền tư hữu về đất đai.
2. Chủ sở hữu đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác được quyền tự do nắm giữ, sử dụng và định đoạt chúng, nếu điều này không làm tổn hại môi trường xung quanh, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Điều kiện và trình tự sử dụng đất đai do pháp luật liên bang quy định.
Điều 37
1. Lao động là tự do. Mỗi người đều có quyền tự do sử dụng khả năng lao động của mình, tự do lựa chọn hình thức hoạt động và nghề nghiệp.
2. Cấm lao động cưỡng bức.
3. Mỗi người đều có quyền được làm việc trong những điều kiện đảm bảo yêu cầu an toàn và vệ sinh, được trả lương cho lao động của mình mà không bị phân biệt đối xử và không thấp hơn mức lương tối thiểu do pháp luật liên bang quy định, cũng như quyền được bảo vệ trước nạn thất nghiệp.
4. Công nhận quyền tranh chấp lao động cá nhân và tập thể thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp do pháp luật liên bang quy định, trong đó có quyền đình công.
5. Mỗi người đều có quyền nghỉ ngơi. Người làm việc theo hợp đồng lao động được đảm bảo thời gian làm việc, các ngày nghỉ, ngày lễ, kỳ nghỉ được trả tiền.
Điều 38
1. Người mẹ, trẻ em, gia đình được Nhà nước bảo hộ.
2. Quan tâm và giáo dục trẻ em là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ.
3. Con cái có năng lực hành vi đủ 18 tuổi phải chăm sóc bố mẹ không đủ năng lực hành vi.
Điều 39
1. Mỗi người đều được đảm bảo an sinh xã hội khi về già, trong trường hợp đau ốm, thương tật, mất người nuôi dưỡng, để nuôi con và những trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Lương hưu và phúc lợi xã hội được pháp luật xác lập.
3. Khuyến khích bảo hiểm xã hội tự nguyện, thiết lập các hình thức an sinh xã hội khác và hoạt động từ thiện.
Điều 40
1. Mỗi người đều có quyền về nhà ở. Không một ai bị tước đoạt nhà ở.
2. Các cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan tự quản địa phương khuyến khích xây dựng nhà ở, tạo điều kiện thực thi quyền về nhà ở.
3. Người nghèo, những công dân khác cần nhà ở đã được quy định trong luật được cấp nhà không mất tiền hoặc với sự trợ giúp từ các quỹ nhà nước, chính quyền địa phương hoặc các quỹ nhà khác theo quy định của pháp luật.
Điều 41
1. Mỗi người đều có quyền bảo vệ sức khoẻ và chăm sóc y tế. Tại các cơ sở y tế của nhà nước và chính quyền địa phương, công dân được hưởng chăm sóc y tế không mất tiền nhờ nguồn tiền ngân sách, tiền đóng bảo hiểm và những nguồn khác.
2. Ở Liên bang Nga các chương trình bảo vệ và nâng cao sức khoẻ người dân được đầu tư các khoản tài chính, thực hiện các biện pháp phát triển hệ thống y tế nhà nước, địa phương, tư nhân; khuyến khích các hoạt động có thể nâng cao sức khoẻ con người, phát triển thể dục, thể thao, giữ gìn một môi trường trong lành.
3. Việc che dấu các sự việc và hoàn cảnh đe doạ đến cuộc sống và sức khoẻ con người phải bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật liên bang.
Điều 42
Mỗi người đều có quyền về một môi trường trong lành, thông tin xác đáng về tình trạng môi trường, và quyền được bồi thường đối với thiệt hại về sức khoẻ và tài sản do việc vi phạm môi trường gây ra.
Điều 43
1. Mỗi người đều có quyền được học hành.
2. Đảm bảo việc tiếp cận đại chúng và không mất tiền đối với giáo dục mẫu giáo, giáo dục phổ thông, dạy nghề chuyên nghiệp trung học trong các cơ sở giáo dục nhà nước hoặc địa phương và trong các xí nghiệp.
3. Mỗi người đều có quyền qua thi cử được nhận giáo dục đại học trong cơ sở giáo dục nhà nước hoặc địa phương.
4. Giáo dục phổ thông cơ sở là bắt buộc. Cha mẹ hoặc người thay thế họ bảo đảm cho con cái được học phổ thông.
5. Liên bang Nga thiết lập các tiêu chuẩn giáo dục nhà nước liên bang, hỗ trợ các hình thức giáo dục và tự giáo dục khác nhau.
Điều 44
1. Mỗi người được đảm bảo quyền tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật và những hình thức sáng tạo khác. Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ.
2. Mỗi người đều có quyền tham gia vào đời sống văn hoá, sử dụng các cơ sở văn hoá, tiếp cận các giá trị văn hoá.
3. Mỗi người có nghĩa vụ quan tâm bảo vệ di sản văn hoá và lịch sử, gìn giữ các di tích lịch sử và văn hoá.
Điều 45
1. Ở Liên bang Nga, nhà nước đảm bảo sự bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân.
2. Mỗi người đều có quyền bảo vệ các quyền và tự do của mình bằng mọi phương thức mà pháp luật không cấm.
Điều 46
1. Mỗi người đều được bảo vệ các quyền và tự do của mình tại toà án.
2. Các quyết định, hành động hoặc không hành động của các cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan tự quản địa phương, các tổ chức xã hội, các nhà chức trách có thể bị kiện ra toà.
3. Căn cứ vào các điều ước quốc tế của Liên bang Nga, mỗi người đều có quyền viện đến các thiết chế quốc tế về bảo vệ quyền và tự do con người, nếu đã sử dụng hết các phương thức pháp lý sẵn có trong nước.
Điều 47
1. Không ai bị tước quyền được xét xử tại toà án và bởi các tham phán mà pháp luật quy định có tham quyền xét xử vụ việc đó.
2. Người bị buộc tội có quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong những trường hợp do pháp luật liên bang quy định.
Điều 48
1. Mỗi người đều có quyền được trợ giúp pháp lý. Trong những trường hợp được pháp luật liên bang quy định, sự trợ giúp pháp lý không mất tiền.
2. Mỗi người bị bắt, tạm giam, tạm giữ, người bị kết tội đều có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của luật sư từ thời điểm bị bắt, tạm giam, tạm giữ, bị buộc tội.
Điều 49
1. Người bị buộc tội vẫn được coi là vô tội cho đến lúc tội được chứng minh theo một trình tự do pháp luật liên bang quy định và được tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp lý.
2. Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh tội của mình.
3. Các tình tiết gây nghi ngờ được giải thích có lợi cho người bị buộc tội.
Điều 50
1. Không ai bị kết án hai lần vì một tội.
2. Khi thực hiện xét xử, không cho phép sử dụng các chứng cứ thu thập được do vi phạm pháp luật liên bang.
3. Người bị kết án có quyền được xem xét lại bản án bởi toà án cấp cao hơn theo trình tự do pháp luật liên bang quy định, cũng như quyền đề nghị ân xá hoặc giảm mức hình phạt.
Điều 51
1. Không một ai có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ chống lại chính mình, vợ hoặc chồng mình, những người thân của mình do pháp luật liên bang xác định.
2. Pháp luật có thể quy định những trường hợp khác khi không phải cung cấp chứng cứ.
Điều 52
Pháp luật bảo hộ quyền của người bị tội phạm xâm hại hoặc bị xâm hại do việc lạm dụng quyền lực. Nhà nước bảo đảm cho người bị hại được tiếp cận công lý và được bồi thường thiệt hại.
Điều 53
Mỗi người đều có quyền được nhà nước bồi thường thiệt hại do những hành động hoặc không hành động trái pháp luật của các cơ quan nhà nước hoặc các nhà chức trách gây ra.
Điều 54
1. Một đạo luật thiết lập trách nhiệm mới hoặc tăng nặng trách nhiệm thì không có hiệu lực hồi tố.
2. Không một ai chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi mà tại thời điểm tiến hành nó không bị coi là phạm tội. Nếu sau khi phạm tội mà có luật mới không coi đó là tội phạm hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, luật mới phải được áp dụng.
Điều 55
1. Việc liệt kê các quyền và tự do cơ bản trong Hiến pháp Liên bang Nga không có nghĩa là phủ nhận hoặc xem nhẹ các quyền và tự do khác của con người và công dân đã được thừa nhận rộng rãi.
2. Ở Liên bang Nga không được ban hành những đạo luật tước bỏ hoặc xem nhẹ các quyền và tự do của con người và công dân.
3. Các quyền và tự do của con người và công dân có thể bị giới hạn bởi pháp luật liên bang chỉ trong mức độ cần thiết đủ để bảo vệ nền tảng chế độ hiến pháp, đạo đức, sức khoẻ, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia.
Điều 56
1. Trong điều kiện tình trạng khẩn cấp, để bảo đảm an toàn cho công dân và bảo vệ chế độ hiến pháp, theo một đạo luật hiến pháp liên bang, có thể thiết lập những giới hạn nhất định đối với các quyền và tự do với điều kiện phải chỉ rõ phạm vi và thời hạn của những giới hạn đó.
2. Tình trạng khẩn cấp có thể được ban bố trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga hoặc một phần lãnh thổ nhất định khi xuất hiện bối cảnh và theo trình tự được quy định trong đạo luật hiến pháp liên bang.
3. Không được hạn chế các quyền và tự do được quy định tại các điều 20, 21, 23 (khoản 1), 24, 28, 34 (khoản 1), 46 – 54 của Hiến pháp Liên bang Nga.
Điều 57
Mỗi người có nghĩa vụ nộp các loại thuế và phí đã được pháp luật quy định. Các đạo luật quy định các loại thuế mới hoặc làm xấu đi tình trạng của người nộp thuế thì không có hiệu lực hồi tố.
Điều 58
Mỗi người có nghĩa vụ bảo vệ thiên nhiên và môi trường xung quanh, gìn giữ các tài nguyên thiên nhiên.
Điều 59
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và bổn phận của công dân Liên bang Nga.
2. Công dân Liên bang Nga thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật liên bang.
3. Công dân Liên bang Nga có quyền thay thế nghĩa vụ quân sự bằng hình thức phục vụ dân sự thay thế trong trường hợp nếu việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trái với tôn giáo, tín ngưỡng mà người đó theo, cũng như trong các trường hợp khác do pháp luật liên bang quy định.
Điều 60
Công dân Liên bang Nga có thể tự mình thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của mình từ 18 tuổi trở lên.
Điều 61
1. Công dân Liên bang Nga không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Liên bang Nga hoặc bị giao nộp cho nhà nước khác.
2. Liên bang Nga đảm bảo sự bảo vệ và bảo trợ cho công dân của mình ở ngoài lãnh thổ của Liên bang Nga.
Điều 62
1. Công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch của nước khác (quốc tịch kép) theo luật liên bang hoặc hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
2. Việc công dân Nga có quốc tịch của nước khác không làm suy giảm các quyền và tự do và không giải thoát công dân khỏi các nghĩa vụ xuất phát từ quốc tịch Nga, nếu không có quy định khác của luật liên bang hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
3. Công dân nước ngoài và những người không quốc tịch ở Liên bang Nga được hưởng các quyền và chịu các nghĩa vụ một cách bình đẳng với công dân Liên bang Nga, ngoài các trường hợp có quy định khác của luật liên bang hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Điều 63
1. Liên bang Nga tiếp nhận công dân nước ngoài và người không quốc tịch làm tị nạn chính trị theo các quy phạm đã được thừa nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế.
2. Ở Liên bang Nga không cho phép việc giao nộp cho quốc gia khác những người bị truy đuổi vì niềm tin chính trị, cũng như vì những hành động (hoặc không hành động) không bị coi là phạm pháp ở Liên bang Nga. Việc giao nộp những người bị buộc tội, hoặc những người đã bị kết án để thụ án ở nước khác được thực hiện theo luật liên bang hoặc điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Điều 64
Các quy định tại Chương này tạo nên nền tảng cho địa vị pháp lý của cá nhân ở Liên bang Nga và chỉ được sửa đổi theo trình tự do Hiến pháp này quy định.


SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post