Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ 1789
Điều III
Khoản 1
Quyền lực tư pháp của Hợp chúng quốc sẽ được
trao cho Tòa án tối cao và những tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập
trong một số trường hợp. Các quan tòa của Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới
sẽ giữ chức vụ của mình suốt đời, nếu luôn luôn có hành vi chính đáng. Trong
thời gian đã nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và
khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó.
Khoản 2
Quyền lực tư pháp theo bản Hiến pháp này sẽ
có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý,
phát sinh theo Hiến pháp của Hợp chúng quốc, theo các hiệp ước đã hoặc sẽ ký
dưới thẩm quyền của Hợp chúng quốc; với mọi trường hợp liên quan tới các đại
sứ, các công sứ và các lãnh sự; với mọi trường hợp liên quan tới luật pháp hàng
hải và hải quân; với những vụ tranh chấp mà Hợp chúng quốc là một bên liên
quan; với các tranh chấp giữa hai bang trở lên, giữa một bang với các công dân
của bang khác, giữa các công dân của các bang khác nhau, giữa các công dân
trong một bang tranh chấp đất đai do các bang khác nhau cấp, hay giữa một bang
hoặc các công dân của bang đó với nước ngoài hoặc các công dân và đối tượng
nước ngoài.
Trong các trường hợp liên quan tới các đại
sứ, các công sứ và các lãnh sự, và trong những vụ mà một bang là một bên của vụ
kiện thì Tòa án tối cao có quyền tài phán sơ thẩm. Trong những trường hợp khác,
Tòa án tối cao có quyền tài phán phúc thẩm, về pháp lý cũng như thực tế, trừ
những ngoại lệ do Quốc hội qui định.
Mọi toán án xét xử các vụ trọng tội, trừ
những trường hợp bị luận tội, phải được xét xử theo thể thức bồi thẩm đoàn.
Những phiên tòa xét xử đó phải mở tại bang đã xảy ra vụ việc phạm tội. Nhưng
nếu vụ việc không xảy ra trong bất cứ bang nào, phiên tòa sẽ họp ở một nơi hay
những nơi mà Quốc hội qui định bằng một đạo luật.
Khoản 3
Sẽ chỉ coi là tội phản quốc chống lại Hợp
chúng quốc đối với mọi hành động gây chiến tranh tấn công các tiểu bang, hoặc
ủng hộ kẻ thù, hay trợ giúp và úy lạo chúng. Không ai bị kết tội phản quốc nếu
không có hai người làm chứng về hành vi phạm tội, hoặc bị cáo thú tội công khai
trước tòa.
Quốc hội có quyền định hình phạt cho tội phản
quốc. Nhưng không một sự tra tấn, hành hình hay việc tịch thu tài sản lại được
thực hiện đối với người đó mà chỉ thực hiện đối với bản thân họ mà thôi.