Hiến Pháp Nhật Bản 1946 - Các Chế Định Khác


CHƯƠNG X
ĐẠO LUẬT TỐI CAO
Điều 97
Những quyền con người cơ bản theo quy định của Hiến pháp này được bảo đảm cho toàn thể nhân dân Nhật Bản là kết quả tranh đấu hàng nghìn năm của con người để bảo vệ tự do. Những quyền đó tồn tại sau nhiều thử thách gian lao và được giao lại cho thế hệ hiện tại cũng như thế hệ tương lai để họ mãi mãi bảo vệ, giữ gìn.
Điều 98
Hiến pháp là đạo luật tối cao của quốc gia. Tất cả các đạo luật, sắc lệnh, các công bố của Hoàng gia hoặc các hoạt động của chính quyền hoặc một bộ phận chính quyền trái với Hiến pháp đều không có giá trị pháp lý và không có giá trị thi hành.
Chính phủ phải tôn trọng các hiệp ước kí kết của quốc gia và quốc tế.
Điều 99
Hoàng đế, Nhiếp chính cũng như các Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội, Thẩm phán và các viên chức quốc gia đều phải có nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp.
CHƯƠNG XI
ĐIỀU KHOẢN PHỤ
Điều 100
Hiến pháp có hiệu lực kể từ 6 tháng sau khi ban hành.
Quốc hội ban hành các đạo luật thi hành Hiến pháp, thủ tục bầu Thượng nghị sĩ, thủ tục triệu tập Quốc hội và các thủ tục chuẩn bị cần thiết khác cho việc thi hành Hiến pháp này phải được ban hành trước thời hạn ấn định ở đoạn trên.
Điều 101
Nếu Thượng nghị viện chưa được bầu xong trước thời hạn Hiến pháp này có hiệu lực, Hạ nghị viện sẽ thực hiện các chức năng của Quốc hội cho tới khi Thượng nghị viện được thành lập.
Điều 102
Một nửa số Thượng nghị sĩ được bầu tại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo quy định của Hiến pháp này có nhiệm kỳ là 3 năm. Việc ấn định các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 103
Các Bộ trưởng, hạ nghị sĩ, Thẩm phán đương chức vào thời điểm Hiến pháp có hiệu lực và các công chức khác đang giữ các chức vụ tương ứng với các chức vụ được quy định trong Hiến pháp này sẽ vẫn giữ nguyên chức vụ, trừ trường hợp đặc biệt do luật pháp quy định. Tuy nhiên, nếu người kế nhiệm đã được tuyển chọn theo đúng quy định của Hiến pháp thì các công chức cũ phải từ bỏ chức vụ.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post