Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam 2013
CHƯƠNG VIII
TÒA ÁN
NHÂN DÂN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Điều 102
1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.
2. Tòa án nhân
dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.
3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người,
quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước,
quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Điều 103
1. Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ
trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội
thẩm.
3. Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ
bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên
hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có
thể xét xử kín.
4. Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường
hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của
đương sự được bảo đảm.
Điều 104
1. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan
xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tòa án nhân
dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do
luật định.
3. Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc
tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Điều 105
1. Nhiệm kỳ của
Chánh án Toà án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức
và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác do
luật định.
2. Chánh án Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác
trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo
công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công
tác của Chánh án các Tòa án khác do luật định.
3. Việc bổ nhiệm,
phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Thẩm phán và việc bầu, nhiệm
kỳ của Hội thẩm do luật định.
Điều 106
Bản án, quyết định của Toà án nhân dân
có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan,
tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Điều 107
1. Viện kiểm sát
nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
2. Viện kiểm sát
nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
3. Viện kiểm sát
nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội
chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh
và thống nhất.
Điều 108
1. Nhiệm kỳ của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách
chức, nhiệm kỳ của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác và của Kiểm sát viên
do luật định.
2. Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc
hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác
trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Viện trưởng
các Viện kiểm sát khác do luật định.
Điều 109
1. Viện kiểm sát
nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới
chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng
các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao.
2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm
sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.