Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993 - Liên Bang

Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993

PHẦN MỘT
CHƯƠNG III
CHẾ ĐỘ LIÊN BANG
Điều 65
1. Thành phần Liên bang Nga bao gồm các chủ thể sau(4):
Cộng hoà Adygeya, Cộng hoà An -tai, Cộng hoà Bashkorstan, Cộng hoà Buratia, Cộng hoà Đaghestan, Cộng hoà Inghushestia, Cộng hoà Kabardino- Balkarskaia, Cộng hoà Kalmưkia, Cộng hoà Karachaievo-Cherkeskaia, Cộng hoà Karelia, Cộng hoà Komy, Cộng hoà Mari El, Cộng hoà Mordovia, Cộng hoà Sakha (Yakutia), Cộng hoà Bắc Ose- tia-Alania, Cộng hoà Tartastan (Tartastan), Cộng hoà Tưva, Cộng hoà Udmursk, Cộng hoà Khakasia, Cộng hoà Chechen, Cộng hoà Chuvash;
Khu Altai, Khu Krasnodarsk, Khu Krasnoiask, Khu Pri­morsk, Khu Stavropol, Khu Khabarovsk;
Tỉnh Amursk, tỉnh Arkhanghelsk, tỉnh Astrakhan, tỉnh Belgorod, tỉnh Briansk, tỉnh Vladimir, tỉnh Volgagrad, tỉnh Vol- ogodsk, tỉnh Voronhejh, tỉnh Ivanovsk, tỉnh Irkusk, tỉnh Kalin- hingrad, tỉnh Kalujsk, tỉnh Kamchatsk, tỉnh Kemerovsk, tỉnh Kirov, tỉnh Kostroma, tỉnh Kurgan, tỉnh Kursk, tỉnh Leningrad, tỉnh Lipetsk, tỉnh Magadan, tỉnh Moskva, tỉnh Murmansk, tỉnh Nhijegorod, tỉnh Novgorod, tỉnh Novosibirsk, tỉnh Omsk, tỉnh Orenburg, tỉnh Orlov, tỉnh Penzen, tỉnh Perm, tỉnh Peskov, tỉnh Rostov, tỉnh Riazan, tỉnh Camar, tỉnh Saratov, tỉnh Sakhalinsk, Tỉnh Sverlovsk, tỉnh Smolensk, tỉnh Tambov, tỉnh Tver, tỉnh Tomsk, tỉnh Tula, tỉnh Tumen, tỉnh Ulianovsk, tỉnh Cheliabinsk, tỉnh Chitin, tỉnh Iaroslav;
Moskva, Saint-Petersburg là các thành phố cấp liên bang;
Tỉnh tự trị Do Thái;
Vùng tự trị Agnhisk-Buriat, vùng tự trị Komi-Pemiask, vùng tự trị Koriak, vùng tự trị Nhenhesk, vùng tự trị Taimư, vùng tự trị Ust-Ordưn-Buriat, vùng tự trị Khantư-Mans, vùng tự trị Chukotsk, vùng tự trị Evenki, vùng tự trị Iamalo-Nhenhetsk.
2. Việc tiếp nhận hoặc thành lập chủ thể mới trong thành phần Liên bang Nga được tiến hành theo trình tự do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 66
1. Địa vị pháp lý của nước cộng hoà do Hiến pháp Liên bang Nga và hiến pháp nước cộng hoà đó quy định.
2. Địa vị pháp lý của khu, tỉnh, thành phố cấp liên bang, tỉnh tự trị, vùng tự trị được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga và trong hiến chương của khu, tỉnh, thành phố cấp liên bang, tỉnh tự trị, vùng tự trị do cơ quan lập pháp của các chủ thể đó thông qua.
3. Theo đề nghị của cơ quan lập pháp và hành pháp của tỉnh tự trị và vùng tự trị, một đạo luật liên bang về tỉnh tự trị, vùng tự trị đó có thể được thông qua.
4. Mối quan hệ giữa các vùng tự trị thuộc thành phần của khu hoặc tỉnh có thể được quy định bởi một đạo luật liên bang và thỏa ước giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của vùng tự trị đó với các cơ quan quyền lực nhà nước của khu hoặc tỉnh đó.
5. Địa vị pháp lý của một chủ thể Liên bang Nga có thể thay đổi theo thỏa thuận hai chiều giữa Liên bang Nga và chủ thể Liên bang Nga dựa trên đạo luật hiến pháp liên bang.
Điều 67
1. Lãnh thổ Liên bang Nga bao gồm lãnh thổ của các chủ thể Liên bang Nga, vùng hải nội và lãnh hải và không phận phía trên các phần lãnh thổ đó.
2. Liên bang Nga nắm giữ chủ quyền và thực hiện thẩm quyền trên thềm lục địa và đặc khu kinh tế của Liên bang Nga theo trình tự do đạo luật liên bang quy định hoặc theo các quy phạm của pháp luật quốc tế.
3. Biên giới giữa các chủ thể của Liên bang Nga có thể thay đổi theo thỏa thuận giữa các chủ thể đó với nhau.
Điều 68
1. Tiếng Nga là ngôn ngữ nhà nước của Liên bang Nga trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga.
2. Các nước cộng hoà có thể quy định ngôn ngữ nhà nước của mình. Các ngôn ngữ đó có thể sử dụng một cách bình đẳng với tiếng Nga trong các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các công sở ở các nước cộng hoà.
3. Liên bang Nga bảo đảm quyền gìn giữ tiếng mẹ đẻ của các dân tộc, tạo điều kiện nghiên cứu và phát triển các thứ tiếng đó.
Điều 69
Liên bang Nga bảo đảm các quyền của các dân tộc ít người bản địa theo các nguyên tắc và quy phạm đã được thừa nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế và các điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
Điều 70
1. Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca của Liên bang Nga, ý nghĩa và trình tự sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca được quy định bởi một đạo luật hiến pháp liên bang.
2. Moskva là thủ đô của Liên bang Nga. Địa vị pháp lý của thủ đô do đạo luật liên bang quy định.
Điều 71
1. Tham quyền của chính quyền Liên bang Nga bao gồm:
a) Thông qua và sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga, các đạo luật liên bang và giám sát việc thực thi pháp luật;
b) Chế độ liên bang và lãnh thổ Liên bang Nga;
c) Quy định và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân; quốc tịch ở Liên bang Nga; quy định và bảo vệ quyền các dân tộc ít người;
d) Thành lập các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp liên bang, tổ chức và hoạt động của các cơ quan đó; thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước cấp liên bang;
e) Sở hữu nhà nước liên bang và việc quản lý sở hữu nhà nước;
f) Hoạch định các chính sách, chương trình về phát triển nhà nước, kinh tế, môi trường, xã hội, văn hoá và dân tộc của Liên bang Nga;
g) Thiết lập cơ sở pháp lý cho một không gian kinh tế thống nhất; điều tiết về tài chính, tiền tệ, tín dụng, hải quan, giá cả; các tổ chức kinh tế, trong đó có các ngân hàng liên bang;
h) Ngân sách liên bang; các loại thuế và phí liên bang; các quỹ liên bang về phát triển vùng;
i) Các hệ thống năng lượng liên bang; năng lượng nguyên tử; các chất phân rã; giao thông liên bang; thông tin, truyền thông, liên lạc; hoạt động trên vũ trụ;
k) Điều phối các quan hệ quốc tế và kinh tế đối ngoại của các chủ thể Liên bang Nga, thực thi các điều ước quốc tế của Liên bang Nga;
l) Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Liên bang Nga; điều ước quốc tế của Liên bang Nga; vấn đề chiến tranh và hoà bình;
m) Quan hệ kinh tế quốc tế của Liên bang Nga;
n) Quốc phòng và an ninh; công nghiệp quốc phòng; xác định trình tự mua bán vũ khí, quân trang, quân dụng, kỹ thuật quốc phòng và tài sản quân sự khác; sản xuất các loại chất độc, chất ma tuý và việc sử dụng chúng;
o) Xác định và bảo vệ biên giới quốc gia, hải lãnh, không phận, các đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Liên bang Nga;
p) Hệ thống toà án; viện kiểm sát; luật hình sự, luật tố tụng hình sự, luật thi hành án hình sự; ân xá, đặc xá; luật dân sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng trọng tài; luật sở hữu trí tuệ;
q) Luật xung đột pháp luật liên bang;
r) Cơ quan dự báo thời tiết, tiêu chuẩn, hệ đo đạc và tính thời gian; địa chất, bản đồ; đặt tên cho các địa danh; thống kê, kế toán chính thức;
s) Khen thưởng nhà nước, danh hiệu của Liên bang Nga;
t) Nền công vụ liên bang.
Điều 72
1. Những vấn đề sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết chung của chính quyền Liên bang Nga và các chủ thể của Liên bang Nga:
a) Bảo đảm để hiến pháp, các đạo luật của các nước cộng hoà, hiến chương, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác của các khu, tỉnh, thành phố cấp liên bang, tỉnh tự trị, các vùng tự trị phải phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang;
b) Bảo vệ quyền và tự do của con người và công dân; quyền của các dân tộc ít người; bảo đảm tính pháp chế, trật tự pháp lý, an toàn xã hội; chế độ các vùng giáp biên;
c) Các vấn đề chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai, lòng đất, tài nguyên nước và các tài nguyên thiên nhiên khác;
d) Ranh giới sở hữu nhà nước;
e) Sử dụng và bảo vệ thiên nhiên, bảo đảm an ninh môi trường; các lãnh thổ thiên nhiên đặc biệt; bảo vệ các di tích lịch sử và văn hoá;
f) Các vấn đề chung về giáo dục, khoa học, văn hoá, thể dục, thể thao;
g) Điều phối các vấn đề y tế; bảo vệ gia đình, quyền làm mẹ, làm cha, trẻ em; bảo trợ xã hội, trong đó có bảo đảm xã hội;
h) Phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục hậu quả của chúng;
i) Thiết lập các nguyên tắc chung về thuế và phí ở Liên bang Nga;
k) Luật hành chính, tố tụng hành chính, lao động, gia đình, nhà ở, đất đai, nước, rừng, lòng đất, bảo vệ môi trường;
l) Nhân lực cho toà án, các cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư, công chứng;
m) Bảo vệ môi trường sống và lối sống truyền thống của các cộng đồng thiểu sổ ít người;
n) Thiết lập các nguyên tắc chung của tổ chức hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước và tự quản địa phương;
o) Điều phối quan hệ quốc tế và kinh tế đối ngoại của các chủ thể liên bang Nga, thực thi các điều ước quốc tế của Liên bang Nga.
2. Quy định của Điều này có hiệu lực như nhau đối với tất cả các chủ thể của Liên bang Nga.
Điều 73
Ngoài phạm vi tham quyền của chính quyền Liên bang Nga và quyền hạn của chính quyền liên bang đối với các vấn đề thuộc tham quyền chung, các chủ thể của Liên bang Nga nắm toàn bộ quyền lực nhà nước.
Điều 74
1. Trên lãnh thổ Liên bang Nga không cho phép thiết lập biên giới hải quan, các loại thuế quan, lệ phí hoặc bất kỳ rào cản nào cản trở sự lưu thông tự do của hàng hoá, dịch vụ, nguồn tài chính.
2. Việc giới hạn sự lưu thông của hàng hoá và dịch vụ có thể được áp dụng theo luật liên bang, nếu điều đó cần thiết để đảm bảo an toàn, bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ con người, bảo vệ thiên nhiên và các giá trị văn hoá.
Điều 75
1. Đồng rúp là đơn vị tiền tệ của Liên bang Nga. Việc phát hành tiền chỉ do Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga tiến hành. Không cho phép phát hành các loại tiền khác ở Liên bang Nga.
2. Bảo vệ và duy trì sự ổn định của đồng rúp là chức năng chính của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga và được thực hiện một cách độc lập với các cơ quan quyền lực nhà nước khác.
3. Hệ thống các loại thuế nộp vào ngân sách liên bang, các nguyên tắc chung trong việc thu thuế và phí ở Liên bang Nga do đạo luật liên bang quy định.
4. Các loại công trái chính phủ được phát hành theo trình tự do luật liên bang quy định và trên cơ sở tự nguyện.
Điều 76
1. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền Liên bang Nga, sẽ ban hành các đạo luật hiến pháp liên bang và các đạo luật liên bang có hiệu lực trực tiếp trên lãnh thổ Liên bang Nga.
2. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chung giữa Liên bang Nga và các chủ thể của Liên bang Nga, sẽ ban hành các đạo luật liên bang và các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật tương ứng của các chủ thể Liên bang Nga.
3. Các đạo luật liên bang không được trái với các đạo luật hiến pháp liên bang.
4. Ngoài phạm vi thẩm quyền của chính quyền Liên bang Nga và quyền hạn của chính quyền liên bang đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chung, các chủ thể của Liên bang Nga có toàn quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
5. Các đạo luật và những văn bản quy phạm pháp luật khác của các chủ thể Liên bang Nga không được trái với các đạo luật liên bang được thông qua theo quy định của khoản 1 và 2 của Điều này. Trong trường hợp mâu thuẫn giữa các đạo luật liên bang và các văn bản khác được ban hành ở Liên bang Nga, đạo luật liên bang sẽ có hiệu lực.
6. Trong trường hợp mâu thuẫn giữa đạo luật liên bang và văn bản quy phạm pháp luật của chủ thể Liên bang Nga được ban hành theo quy định của khoản 4 của Điều này, văn bản quy phạm pháp luật của chủ thể Liên bang Nga sẽ có hiệu lực.
Điều 77
1. Hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga do tự các chủ thể đó thành lập dựa trên nền tảng chế độ hiến pháp của Liên bang Nga và các nguyên tắc chung đã được quy định trong đạo luật liên bang về tổ chức các cơ quan đại diện và hành pháp của quyền lực nhà nước.
2. Trong khuôn khổ thẩm quyền của Liên bang Nga và quyền hạn của Liên bang Nga đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chung với các chủ thể của Liên bang Nga, các cơ quan hành pháp liên bang và các cơ quan hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga tạo thành một hệ thống thống nhất các cơ quan hành pháp của Liên bang Nga.
Điều 78
1. Các cơ quan hành pháp liên bang có thể thành lập các cơ quan của mình theo lãnh thổ và bổ nhiệm các chức danh tương ứng để thực hiện các quyền hạn của mình.
2. Các cơ quan hành pháp liên bang có thể thoả thuận chuyển giao một phần thẩm quyền của mình cho các cơ quan hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga, nếu điều đó không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga và pháp luật liên bang.
3. Các cơ quan hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga có thể thoả thuận chuyển giao một phần thẩm quyền của mình cho các cơ quan hành pháp liên bang.
4. Tổng thống Liên bang Nga và Chính phủ Liên bang Nga, theo Hiến pháp Liên bang Nga, đảm bảo việc thực hiện các thẩm quyền quyền lực nhà nước liên bang trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga.
Điều 79
Liên bang Nga có thể tham gia các tổ chức liên chính phủ và chuyển giao một phần thẩm quyền của mình theo các điều ước quốc tế, nếu điều đó không hạn chế các quyền và tự do của con người và công dân và không mâu thuẫn với nền tảng chế độ hiến pháp của Liên bang Nga.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post