Luật Cơ Bản CHLB Đức 1949 - Chế Định Cơ Bản


CHƯƠNG II. LIÊN BANG VÀ CÁC TIỂU BANG
Điều 20 [Những nguyên tắc hiến định - bảo vệ trật tự hiến pháp] 
(1) Cộng hòa Liên bang  Đức là một nhà nước liên bang dân chủ và xã hội. 
(2) Mọi quyền lực của các cơ quan nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân. Quyền lực  đó  được thực hiện bởi nhân dân thông qua bầu cử, việc bỏ phiếu và thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể. 
(3) Cơ quan lập pháp sẽ bị ràng buộc bởi trật tự hiến pháp, hành pháp và tư pháp theo quy định của pháp luật và công lý. 
(4) Tất cả người Đức có quyền chống lại bất kỳ kẻ nào tìm cách xóa bỏ trật tự hiến pháp này, nếu không còn biện pháp khắc phục khác. 
Điều 20a [Bảo vệ các nền tảng tự nhiên của sự sống và các động vật] 
Với ý thức về trách nhiệm của mình  đối với thế hệ tương lai, nhà nước có trách nhiệm bảo vệ các nền tảng tự nhiên của sự sống và các loài  động vật bằng lập pháp, theo quy  định của pháp luật và công lý, bằng hoạt  động của các cơ quan hành chính và tư pháp trong khuôn khổ của trật tự hiến pháp. 
Điều 21 [Đảng phái chính trị] 
(1) Các đảng chính trị tham gia vào sự hình thành của ý chí chính trị của nhân dân. Chúng  được tự do thành lập. Tổ chức nội bộ của các đảng phải phù hợp với nguyên tắc dân chủ. Các  đảng chính trị phải chịu trách nhiệm công khai về tài sản, các nguồn lực và việc sử dụng các quỹ của mình. 
(2) Các  đảng chính trị, do các mục tiêu hoặc hành vi của thành viên, tìm cách làm suy yếu hoặc xóa bỏ trật tự tự do dân chủ hoặc gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Cộng hòa Liên bang  Đức là không hợp hiến. Tòa án Hiến pháp Liên bang phán quyết về vấn  đề không hợp hiến. 
(3) Các chi tiết được quy định bởi luật liên bang. 
Điều 22 [Thủ đô - quốc kỳ] 
(1) Berlin là thủ  đô của Cộng hòa Liên bang  Đức. Liên bang chịu trách nhiệm  đại diện cho toàn bộ quốc gia tại thủ  đô. Các chi tiết sẽ được luật liên bang quy định.
(2) Lá cờ liên bang sẽ có màu đen, đỏ và vàng. 
Điều 23 [Liên minh châu Âu] 
(1) Để thiết lập một châu Âu thống nhất, Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tham gia vào sự phát triển của Liên minh châu Âu, tuân thủ các nguyên tắc dân chủ, xã hội, và liên bang, nguyên tắc pháp quyền, nguyên tắc tương hỗ, và  đảm bảo một mức  độ bảo vệ các quyền cơ bản tương đương với quy định của Luật cơ bản này. Vì mục tiêu này, Liên bang có thể chuyển giao các quyền chủ quyền bằng một đạo luật với sự đồng ý của Thượng viện. Việc thành lập Liên minh châu Âu, cũng như những thay đổi trong điều ước quốc tế và các quy định tương tự sửa đổi hoặc bổ sung Luật cơ bản này, hoặc sửa  đổi, bổ sung nếu có phải tuân thủ khoản (2) và (3) của Điều 79. 
(1a) Hạ viện và Thượng viện có quyền khởi kiện ra trước Tòa án Công lý Liên minh châu Âu  để khiếu nại về quyết  định lập pháp của Liên minh  đã vi phạm nguyên tắc tương hỗ. Hạ viện có nghĩa vụ thực hiện việc khiếu kiện  đó khi có yêu cầu của 1/4 thành viên. Bằng một đạo luật cần có sự đồng ý của Thượng viện, các ngoại lệ đối với câu đầu tiên của khoản (2)  Điều 42 và câu  đầu tiên của khoản (2)  Điều 52, có thể được ủy quyền để thực hiện các quyền trao cho Hạ viện và Thượng viện theo các thỏa thuận làm cơ sở thiết lập Liên minh châu Âu.
(2) Hạ viện và, thông qua Thượng viện, các Bang sẽ tham gia các vấn đề liên quan đến Liên minh châu Âu. Chính phủ Liên bang sẽ thông tin cho Hạ viện và Thượng viện một cách toàn diện và sớm nhất có thể.
(3) Trước khi tham gia vào các quyết  định lập pháp của Liên minh châu Âu, Chính phủ Liên bang sẽ tạo điều kiện để Hạ viện nêu rõ quan điểm của mình. Chính phủ Liên bang sẽ cân nhắc quan  điểm Hạ viện trong quá trình đàm phán. Các chi tiết được quy định bởi luật. 
(4) Thượng viện sẽ tham gia vào quá trình ra quyết  định của Liên bang khi nó có khả năng tham gia tương tự như một vấn đề trong nước, hoặc trong khi vấn đề nằm trong thẩm quyền trong nước của các Bang. 
 (5) Trong  một lĩnh vực thuộc thẩm quyền tuyệt  đối của Liên bang, lợi ích của các Bang bị  ảnh hưởng, và trong các vấn  đề khác, trong chừng mực Liên bang có quyền lập pháp, Chính phủ Liên bang sẽ xem xét quan điểm của Thượng viện. Khi quyền lập pháp của các Bang, cấu trúc của các cơ quan thuộc Bang, hoặc thủ tục hành chính Bang bị ảnh hưởng, quan  điểm của Thượng viện sẽ  được tôn trọng nhiều nhất có thể khi xác định quan điểm của Liên bang phù hợp với các trách nhiệm của Liên bang cho cả quốc gia. Liên quan đến các vấn đề có thể dẫn đến ăng chi phí hoặc giảm doanh thu cho Liên bang, cần phải  được sự đồng ý của Chính phủ Liên bang. 
(6) Khi thẩm quyền lập pháp tuyệt đối thuộc về Bang liên quan đến các vấn  đề trường học, văn hóa hay phát sóng bị  ảnh hưởng lớn, việc thực hiện các quyền thuộc Cộng hòa Liên bang  Đức với tư cách một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu sẽ được giao bởi Liên bang cho một  đại diện của Bang  được chỉ  định bởi Thượng viện. Những quyền này  được thực hiện với sự tham gia và  đồng thuận của Chính phủ Liên bang; việc thực thi chúng phải phù hợp với trách nhiệm của Liên bang đối với cả quốc gia. 
(7) Chi tiết liên quan  đến các khoản (4)  đến (6)  điều này  được quy định bởi một đạo luật có sự đồng ý của Thượng viện. 
Điều 24 [Chuyển giao quyền chủ quyền – hệ thống an ninh  tập thể] 
(1) Liên bang, theo quy  định của một  đạo luật, có thể chuyển giao quyền chủ quyền cho các tổ chức quốc tế. 
(1a) Trong phạm vi các Bang có thẩm quyền và chức năng nhà nước, chúng có thể, với sự đồng ý của Chính phủ Liên bang, chuyển giao các quyền chủ quyền cho các tổ chức quốc tế ở các khu vực lân cận. 
(2) Nhằm duy trì hòa bình, Liên bang có thể gia nhập vào một hệ thống an ninh tương hỗ tập thể, khi làm như vậy, nó sẽ chấp nhận những giới hạn đối với quyền chủ quyền để đạt được và bảo đảm một nền hòa bình lâu dài ở châu Âu và giữa các quốc gia trên thế giới. 
(3) Đối với việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, Liên bang sẽ gia nhập các hiệp  định quy định về trọng tài quốc tế chung, toàn diện và có tính bắt buộc. 
Điều 25 [Ưu thế của luật quốc tế] 
Các quy tắc chung của luật quốc tế sẽ là một phần không thể tách rời của luật liên bang. Chúng sẽ được ưu tiên hơn các luật và trực tiếp tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho dân cư trên lãnh thổ liên bang. 
Điều 26 [Bảo đảm hoà bình quốc tế] 
(1) Các hành vi dự tính và thực hiện với ý  định phá hoại các mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia,  đặc biệt là  để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược, sẽ là không hợp hiến. Chúng bị coi là tội phạm hình sự. 
(2) Vũ khí  được thiết kế cho chiến tranh chỉ có thể  được sản xuất, vận chuyển, hoặc bán trên thị trường khi có sự cho phép của Chính phủ Liên bang. Các chi tiết được quy định bởi luật liên bang. 
Điều 27 [Đội tàu buôn] 
Tất cả các tàu buôn của Đức cấu thành một đội tàu buôn nhất. 
Điều 28 [Hiến pháp Bang – Tự quản địa phương] 
(1) Trật tự hiến pháp tại các Bang phải phù hợp với các nguyên tắc của nhà nước cộng hòa dân chủ và xã hội, theo nguyên tắc pháp quyền, trong phạm vi nội dung của Luật cơ bản này. Tại mỗi Bang, quận hạt và thành phố, người dân  được  đại diện bởi một cơ quan  được lựa chọn từ cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Tại các cuộc bầu cử quận hạt và thành phố, người có quốc tịch của bất kỳ quốc gia thành viên nào của Cộng  đồng châu Âu cũng  đủ  điều kiện bỏ phiếu và  được bầu phù hợp với luật Cộng  đồng châu Âu. Tại các thành phố, một hội đồng địa phương có thể thay thế vị trí của cơ quan dân cử. 
(2) Các thành phố phải  được bảo  đảm quyền quy  định tất cả các công việc của địa phương về trách nhiệm của mình, trong giới hạn theo quy định của luật. Trong phạm vi chức năng của mình được luật định, các hiệp hội thành phố cũng sẽ có quyền tự trị phù hợp với pháp luật. Việc bảo đảm quyền tự chủ được mở rộng trên cơ sở tự chủ tài chính; cơ sở này bao gồm quyền của thành phố  đối với nguồn thu thuế dựa trên khả năng kinh tế và quyền thiết lập tỷ lệ đánh thuế các nguồn này. 
(3) Liên bang có trách nhiệm  đảm bảo rằng trật tự hiến pháp của các Bang phù hợp với các quyền cơ bản và các quy định của khoản (1) và (2) của Điều này. 
Điều 29 [Phân định lại lãnh thổ Liên bang] 
(1) Việc phân chia lãnh thổ liên bang thành các Bang có thể  được điều chỉnh lại  để  đảm bảo rằng mỗi Bang có kích thước và khả năng thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả. Sự quan tâm thích đáng sẽ dành cho các mối liên hệ khu vực, lịch sử, văn hóa, hiệu quả kinh tế, các yêu cầu quy hoạch địa phương và khu vực. 
(2) Việc điều chỉnh hiện trạng phân chia thành các Bang được thực hiện bởi một  đạo luật liên bang, phải  được xác nhận bằng cách trưng cầu dân ý. Các Bang bị ảnh hưởng có quyền trình bày quan điểm. 
(3) Trưng cầu dân ý  được tổ chức tại các Bang mà từ  đó lãnh thổ hoặc bộ phận lãnh thổ một Bang mới hoặc Bang được xác định lại ranh giới được thành lập (Bang bị ảnh hưởng). Vấn đề được bỏ phiếu là liệu Bang bị  ảnh hưởng sẽ duy trì như hiện trạng hay nên thành lập Bang mới hoặc xác định lại ranh giới Bang. Đề xuất thành lập một Bang mới hoặc xác  định lại ranh giới Bang sẽ có hiệu lực nếu việc  điều chỉnh được chấp thuận bởi đa số dân cư tại lãnh thổ tương lai của Bang đó và đa số tại vùng lãnh thổ hoặc bộ phận của lãnh thổ của Bang bị  ảnh hưởng.  Đề xuất sẽ không có hiệu lực nếu trong phạm vi lãnh thổ của Bang bị  ảnh hưởng  đa số từ chối việc thay  đổi; tuy nhiên, sự từ chối như vậy sẽ không có giá trị nếu tại bất kỳ phần nào của lãnh thổ có liên kết với Bang bị ảnh hưởng được thay đổi bởi đa số 2/3 chấp thuận sự thay  đổi, trừ khi nó bị từ chối bởi  đa số 2/3 lãnh thổ của Bang bị  ảnh hưởng như một chỉnh thể. 
(4) Nếu tại bất kỳ khu vực dân cư và kinh tế xác  định rõ ràng và tiếp giáp nhau nằm trong hai hoặc nhiều Bang và có ít nhất một triệu dân, mà 1/10 của số người đó có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện, kiến nghị gộp khu vực đó vào một Bang, một luật liên bang quy định chi tiết trong vòng 2 năm về việc có thực hiện thay đổi theo quy định của khoản (2) Điều này hoặc tổ chức trưng cầu dân ý tại Bang bị ảnh hưởng. 
 (5) Việc trưng cầu tư vấn sẽ xác lập việc liệu những thay đổi mà luật đề xuất có  được sự chấp thuận của các cử tri. Luật không thể  đưa ra
nhiều hơn hai đề xuất để để lấy ý kiến cử tri. Nếu đa số chấp thuận một đề xuất thay  đổi việc phân chia các Bang hiện tại, một luật liên bang quy định chi tiết trong vòng 2 năm việc liệu có thực hiện thay đổi theo khoản (2) của Điều này hay không. Nếu đề nghị được chấp thuận phù hợp với câu thứ ba và thứ tư của khoản (3) Điều này, một luật liên bang quy định thành lập Bang được đề nghị sẽ được ban hành trong vòng 2 năm sau khi bỏ phiếu trưng cầu và sẽ không cần sự xác nhận bằng cách trưng cầu dân ý. 
(6) Đa số trong một cuộc trưng cầu dân ý hoặc trong một cuộc trưng cầu tư vấn sẽ bao gồm phần lớn số phiếu bầu, với điều kiện tối thiểu là 1/4 số người có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện. Các chi tiết khác liên quan đến trưng cầu dân ý, kiến nghị và trưng cầu tư vấn được quy  định bởi luật liên bang, trong  đó cũng có thể quy  định rằng cùng một kiến nghị không thể nộp nhiều hơn một lần trong khoảng thời hạn 5 năm. 
(7) Các thay  đổi khác liên quan lãnh thổ của các Bang có thể  được thực hiện bởi các thỏa thuận giữa các Bang có liên quan hoặc bằng một đạo luật liên bang với sự đồng ý của Thượng viện, nếu lãnh thổ bị thay đổi có hơn 50.000 cư dân. Các chi tiết được quy định bởi luật liên bang với sự đồng ý của Thượng viện và đa số thành viên Hạ viện. Luật phải quy  định cho thành phố và các quận bị  ảnh hưởng cơ hội trình bày quan điểm. 
(8) Các Bang có thể thay  đổi việc phân chia lãnh thổ hiện hoặc các bộ phận lãnh thổ của họ theo thỏa thuận mà không có liên quan  đến các quy định của khoản (2) đến khoản (7) Điều này. Thành phố và các quận bị ảnh hưởng có cơ hội để trình bày quan điểm. Thỏa thuận cần được xác nhận bằng cách trưng cầu dân ý  ở mỗi Bang liên quan. Nếu sửa đổi chỉ ảnh hưởng đến một phần của lãnh thổ Bang, trưng cầu dân ý có thể được giới hạn ở các khu vực bị ảnh hưởng; đoạn 2 của câu thứ năm không được áp dụng. Trong một cuộc trưng cầu theo quy định của khoản này, đa số phiếu bầu sẽ có giá trị quyết định, với điều kiện có tối thiểu 1/4 số người được quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ viện; các chi tiết được quy định bởi luật liên bang. Thỏa thuận cần có sự đồng ý của Hạ viện. 
 Điều 30 [Quyền chủ quyền của các Bang] 
 Trừ khi có quy  định khác hoặc cho phép bởi Luật cơ bản này, việc thực hiện quyền lực và các chức năng nhà nước là một vấn đề thuộc về các Bang. 
Điều 31 [Tính tối cao của luật liên bang] 
Luật liên bang sẽ được ưu tiên hơn luật các Bang. 
Điều 32 [Quan hệ đối ngoại] 
(1) Mối quan hệ với các quốc gia nước ngoài  được thực hiện bởi Liên bang. 
(2) Trước khi thỏa thuận một hiệp ước ảnh hưởng đến các điều kiện cụ thể của một Bang, Bang đó sẽ được tham vấn kịp thời. 
(3) Trong phạm vi lĩnh vực mà các Bang có quyền lập pháp, chúng có thể ký kết các  điều  ước quốc tế với nước ngoài với sự  đồng ý của Chính phủ Liên bang. 
Điều 33 [Bình đẳng công dân – công vụ] 
(1) Người Đức tại tất cả các Bang có các quyền và nghĩa vụ chính trị như nhau. 
(2) Mỗi người Đức được bình đẳng về điều kiện tham gia vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào theo năng lực, trình  độ và thành tích chuyên môn của mình. 
(3) Việc hưởng quyền dân sự và chính trị, hay  điều kiện tham gia vào cơ quan quản lý nhà nước không phụ thuộc vào tôn giáo. Không ai phải chịu thiệt thòi vì lý do tuân thủ hoặc không tuân thủ một tôn giáo hoặc tư tưởng triết học nào. 
(4) Việc thực hiện quyền chủ quyền một cách thường xuyên, như một quy luật,  được trao cho các thành viên cơ quan nhà nước, những người công tác nhằm phục vụ và có sự tận tụy như luật định. 
(5) Luật  điều chỉnh các dịch vụ công cộng  được quy  định và phát triển với sự quan tâm  đầy  đủ các nguyên tắc truyền thống của hành chính công chuyên nghiệp. 
Điều 34 [Trách nhiệm do vi phạm công vụ]
Nếu bất kỳ người nào, khi thực thi công quyền, vi phạm công vụ đối với một bên thứ ba, trách nhiệm sẽ chủ yếu thuộc về nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước quản lý anh ta. Trong trường hợp hành vi sai trái cố ý hoặc cẩu thả, quyền truy  đòi  đối với cá nhân viên chức  đó  được bảo lưu. Các tòa án thường không được từ chối các yêu cầu bồi thường hoặc đền bù. 
Điều 35 [Trợ giúp pháp lý và hành chính, trợ giúp trong  thảm họa] 
(1) Tất cả các cơ quan Liên bang và Bang có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý và hành chính với nhau. 
(2)  Để duy trì hoặc khôi phục lại an ninh, trật tự công cộng, một Bang trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể kêu gọi nhân lực và các cơ sở của Cảnh sát biên giới Liên bang để hỗ trợ cảnh sát Bang khi không có sự hỗ trợ như vậy, cảnh sát không thể thực hiện  đầy  đủ trách nhiệm của mình, hoặc gặp khó khăn rất lớn. Để đối phó một tai nạn hoặc một thảm họa tự nhiên nghiêm trọng, Bang có thể kêu gọi sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát của các Bang khác hoặc của nhân lực và các cơ sở từ các cơ quan hành chính khác, từ các lực lượng vũ trang, hoặc từ Cảnh sát biên giới Liên bang. 
(3) Nếu thiên tai hoặc tai nạn  đe dọa lãnh thổ của nhiều Bang, Chính phủ liên bang, trong chừng mực cần thiết chống lại các nguy hiểm, có thể hướng dẫn các chính quyền Bang cho phép lực lượng cảnh sát thuộc quyền sử dụng của Bang khác, và có thể triển khai các đơn vị Cảnh sát biên giới Liên bang hoặc các lực lượng vũ trang  để hỗ trợ cảnh sát. Các biện pháp được thực hiện bởi Chính phủ Liên bang theo câu đầu tiên của đoạn này sẽ được huỷ bỏ bất cứ lúc nào theo yêu cầu của Thượng viện và ngay khi sự nguy hiểm không còn tồn tại. 
Điều 36 [Nhân sự chính quyền liên bang] 
(1) Công chức làm việc cho chính quyền liên bang  ở cấp cao nhất được tuyển từ tất cả các Bang theo tỷ lệ thích hợp. Những người làm việc tại các cơ quan khác của liên bang, như một quy luật, được tuyển từ Bang mà họ phục vụ. 
(2) Luật pháp liên quan  đến nghĩa vụ quân sự cũng sẽ xem xét đến việc phân chia Liên bang thành các Bang và tính địa phương của người dân. 
 Điều 37 [Hành chính liên bang] 
 (1)  Nếu một Bang không thực hiện  đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật cơ bản này hoặc các luật liên bang khác, Chính phủ Liên bang, với sự  đồng ý của Thượng viện, có thể thực hiện các bước cần thiết để buộc Bang thực hiện đúng theo nghĩa vụ của mình. 
(2) Với mục đích thực hiện các biện pháp cưỡng chế đó, Chính phủ Liên bang hoặc đại diện của nó có quyền ban hành các hướng dẫn đến tất cả các Bang và các cơ quan của nó.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post