Hiến Pháp Nhật Bản 1946 - Quyền Tư Pháp


CHƯƠNG VI
TƯ PHÁP
Điều 76
Toàn bộ quyền tư pháp được trao cho Toà án tối cao và các toà án các cấp được thành lập theo quy định của pháp luật.
Không được thành lập bất kỳ một Toà án đặc biệt nào cũng như không một cơ quan Hành pháp được trao quyền tư pháp cuối cùng.
Các Thẩm phán xét xử một cách độc lập, theo lương tâm, Hiến pháp và luật pháp.
Điều 77
Toà án tối cao được trao quyền quy định các nguyên tắc về thủ tục và thực tiễn làm việc, các vấn đề liên quan đến luật sư, kỷ luật của toà án và các công việc hành chính của Tòa.
Các công tố viên phải tuân thủ các quyền quy định các vấn đề thủ tục làm việc nói trên của Toà án tối cao.
Toà án tối cao có thể uỷ quyền cho tòa án các cấp trong việc quy định những vấn đề về thủ tục làm việc.
Điều 78
Các Thẩm phán không bị cách chức ngoại trừ theo thủ tục đàn hạch hoặc bị Toà án tuyên bố không đủ năng lực cần thiết về trí tuệ và thể chất để thực hiện công việc. Không một cơ quan nào trong ngành Hành pháp có thể áp dụng biện pháp kỉ luật với Thẩm phán.
Điều 79
Toà án tối cao bao gồm một Chánh án và các Thẩm phán. Số lượng Thẩm phán do pháp luật quy định. Ngoài Chánh án, các vị Thẩm phán do Nội các chỉ định.
Việc bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao do toàn dân chuẩn y đồng thời tại cuộc tổng tuyển cử các Hạ nghị sĩ đầu tiên sau khi các thẩm phán được bổ nhiệm. Và cứ sau 10 năm, nhân dân lại chuẩn y việc bổ nhiệm trên tại cuộc tổng tuyển cử các Hạ nghị sĩ đầu tiên sau thời hạn 10 năm đó.
Trong các trường hợp trên, Thẩm phán sẽ bị bãi nhiệm nếu bị đa số cử tri bỏ phiếu nhất trí đề nghị bãi nhiệm.
Thủ tục xem xét lại này sẽ do pháp luật quy định.
Thẩm phán toà án tối cao phải về hưu nếu tới hạn tuổi quy định bởi pháp luật.
Mỗi thời kỳ nhất định, Thẩm phán sẽ được nhận một khoản phụ cấp xứng đáng và không bị cắt giảm trong suốt nhiệm kỳ.
Điều 80
Thẩm phán Toà án các cấp do Nội các bổ nhiệm theo danh sách đề cử của Toà án tối cao.
Các Thẩm phán có nhiệm kỳ 10 năm và có đặc quyền được bầu cử lại trừ trường hợp vị đó phải về hưu.
Các Thẩm phán tòa án các cấp cũng được hưởng một khoản phụ cấp xứng đáng và không bị cắt giảm trong suốt nhiệm kỳ.
Điều 81
Toà án tối cao là cấp xét xử cao nhất với thẩm quyền xác định tính hợp hiến của các đạo luật, sắc lệnh, quy tắc hoặc các hành vi công khác.
Điều 82

Các phiên tòa được xét xử công khai và các bản án phải được công bố. Nếu các thẩm phán thống nhất rằng việc xét xử công khai không có lợi cho trật tự công cộng hoặc ảnh hưởng tới đạo đức, phiên tòa sẽ được xét xử kín. Tuy nhiên, các phiên tòa về chính trị, báo chí, nhân quyền thuộc Chương I trong Hiến pháp phải được bảo đảm xét xử công khai.

SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post