Hiến Pháp Nhật Bản 1946 - Quyền Cơ Bản

CHƯƠNG III
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN

Điều 10
Luật pháp quy định các điều kiện về quốc tịch.
Điều 11
Mọi người đều có quyền cơ bản. Những quyền đó là vĩnh viễn, bất khả xâm phạm dành cho công dân Nhật không chỉ ở thế hệ này mà còn ở các thế hệ sau và được ghi trong Hiến pháp.
Điều 12
Quyền tự do và những quyền được ghi trong Hiến pháp phải được mọi người bảo vệ, không lạm dụng vì mục đích riêng và phải được duy trì vì sự thịnh vượng chung của đất nước.
Điều 13
Tất cả mọi người đều được thừa nhận là những cá nhân riêng biệt. Quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc của công dân phải được đặc biệt quan tâm trong hoạt động lập pháp cũng như trong hoạt động khác của chính phủ nếu nó không đi ngược lại với quyền lợi chung của cộng đồng.
Điều 14
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không có sự phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, tình trạng xã hội hay lai lịch bản thân trong tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế.
Không công nhận giai cấp quý tộc hay chức tước quý tộc. Khi tặng chức tước, huy chương cho một cá nhân trong hiện tại hay tương lai, Chính phủ không công nhận đặc ân nào có giá trị quá cuộc đời của cá nhân đó.
Điều 15
Công dân có quyền bất khả xâm phạm trong việc lựa chọn hay bãi nhiệm các viên chức.
Các viên chức phục vụ cả cộng đồng mà không phải một nhóm người nào trong cộng đồng.
Phổ thông đầu phiếu được công nhận cho công dân đến tuổi đi bầu cử để lựa chọn các vị đại biểu nhân dân.
Mọi cuộc bầu cử đều theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Cử tri không cần tường trình sự bỏ phiếu của mình với bất kỳ ai.
Điều 16
Mọi công dân đều có quyền khiếu nại để đòi bồi thường thiệt hại, cắt chức các công chức, kiến nghị áp dụng, huỷ bỏ, sửa chữa đạo luật, quy tắc hành chính hay khiếu nại trong các lĩnh vực khác; không người nào bị phân biệt đối xử vì ủng hộ các kiến nghị này.
Điều 17
Mọi công dân khi bị thiệt hại vì bất kỳ hành vi bất hợp pháp của công chức đều có quyền xin Chính phủ bồi thường theo pháp luật.
Điều 18
Không ai bị lệ thuộc dưới bất cứ hình thức nào. Sự nô dịch, trừ trong trường hợp là hình phạt của trọng tội, bị ngăn cấm.
Điều 19
Công dân có quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng.
Điều 20
Mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Không một tổ chức tôn giáo nào có thể nhận được đặc ân của Chính phủ hay được sử dụng quyền chính trị.
Không ai bị bắt buộc tham gia các hoạt động, lễ nghi của các tổ chức tôn giáo.
Chính phủ và các cơ quan Nhà nước không theo nền giáo dục mang tính tôn giáo và cũng không có các hành vi tôn giáo.
Điều 21
Công dân có quyền tụ họp, ngôn luận, báo chí và mọi hình thức biểu đạt ý kiến đều được chấp nhận.
Không có sự kiểm duyệt và sự tối mật trong các cách thức truyền đạt thông tin được bảo đảm.
Điều 22
Mọi công dân đều có quyền lựa chọn và thay đổi chỗ ở, nghề nghiệp nếu điều đó không ảnh hưởng đến quyền lợi chung của cộng đồng.
Công dân có quyền xuất ngoại và từ bỏ quốc tịch.
Điều 23
Chính phủ bảo đảm quyền tự do học thuật của công dân.
Điều 24
Hôn nhân phải có sự tán thành của cả hai vợ chồng, phải tồn tại dựa trên sự hợp tác, bình đẳng về quyền lợi giữa hai người. Dựa trên tinh thần tôn trọng phẩm giá cá nhân, bình đẳng nam nữ, các đạo luật ban hành quy định về việc lựa chọn vợ chồng, quyền tư hữu, di sản, lựa chọn nơi ở, li dị và mọi vấn đề khác về hôn nhân, gia đình.
Điều 25
Mọi công dân đều có quyền hưởng mức sống tối thiểu lành mạnh và có giáo dục.
Trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, Chính phủ đều cố gắng khuyến khích, nâng cao hệ thống an ninh xã hội và y tế công cộng.
Điều 26
Mọi công dân đều có quyền hưởng một nền giáo dục bình đẳng phù hợp với khả năng và đúng theo quy định của luật pháp.
Tất cả mọi người đều phải bảo đảm cho con trai, con gái họ được tiếp thu giáo dục phổ thông theo quy định của luật pháp. Giáo dục bắt buộc đó được miễn phí.
Điều 27
Mọi người đều có quyền và có nghĩa vụ làm việc.
Các tiêu chuẩn về lương bổng, giờ làm, thời gian nghỉ ngơi và nhiều điều kiện làm việc khác đều được pháp luật quy định.
Trong mọi trường hợp, bóc lột trẻ em là phạm pháp.
Điều 28
Người lao động có quyền tổ chức để tiến hành thương lượng và hành động tập thể.
Điều 29
Quyền tư hữu là quyền bất khả xâm phạm.
Quyền tư hữu được ghi trong luật pháp và phù hợp với quyền lợi chung của cộng đồng.
Tài sản cá nhân chỉ được trưng dụng vì mục đích công cộng khi có bồi thường tương ứng.
Điều 30
Mọi công dân đều có nghĩa vụ đóng thuế theo Luật pháp ban hành.
Điều 31
Không ai bị tước bỏ quyền sống, quyền tự do hay phải chịu các hình phạt hình sự trừ khi bị xét xử theo thủ tục tố tụng được luật pháp quy định.
Điều 32
Không ai bị tước quyền tiếp cận các tòa án.
Điều 33
Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang.
Điều 34
Không ai bị giam giữ nếu không được thông báo tội trạng và nếu không có luật sư bênh vực, không có chứng cớ xác đáng. Nếu có đơn khiếu nại, lí do đó phải được công bố ngay tại phiên toà công khai trước bị cáo và luật sư.
Điều 35
Nếu không có sự cho phép của toà án trình bày lí do, thông báo về chỗ khám xét, đồ vật bị tịch thu thì mọi thư từ, đồ vật, nhà ở đều được pháp luật bảo vệ theo Điều 33.
Mọi lệnh khám xét, tịch thu đều phải có sự cho phép của Thẩm phán.
Điều 36
Sự tra tấn hay việc thực hiện các hình phạt tàn bạo bị tuyệt đối cấm.
Điều 37
Trong mọi trường hợp, đối với các trọng tội, bị cáo đều được xét xử nhanh chóng, công khai bởi một Hội đồng xét xử công minh.
Bị cáo có quyền đối chất với các nhân chứng, có quyền yêu cầu nhân chứng ra trước toà để bênh vực mình, mọi chi phí và sự đi lại hầu toà của nhân chứng do quốc gia đài thọ.
Bị cáo được luật sư bào chữa. Nếu trong các quy trình thủ tục, bị cáo không có tiền thuê luật sư thì toà án sẽ chỉ định một luật sư để bào chữa cho bị cáo.
Điều 38
Không ai bị bắt buộc khai trái sự thật.
Những lời thú tội vì ép buộc, tra tấn, đe doạ hay do thời gian giam cầm lâu không được coi là bằng chứng.
Không ai bị kết án hay trừng phạt nếu chứng cứ buộc tội chỉ dựa trên lời thừa nhận của bản thân bị cáo.
Điều 39
Không ai phải chịu trách nhiệm về hình phạt đối với một hành vi được coi là hợp pháp vào thời điểm thực hiện hoặc hay đã được xử trắng án hoặc được thực hiện trong trường hợp bị đặt vào tình trạng nguy hiểm.
Điều 40
Người được xét xử trắng án sau khi bị bắt bớ hay giam cầm có thể kiện đòi Chính phủ bồi thường theo quy định của pháp luật.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post