HIẾN PHÁP CỘNG HÒA BA LAN
1997
Chương II:
QUYỀN TỰ DO, CÁC QUYỀN VÀ NGHĨA
VỤ CỦA CON NGƯỜI VÀ CÔNG DÂN
Những nguyên tắc chung
Điều 30
Những phẩm giá vốn có và không
thể tách rời của con người là nguồn gốc của tự do và các quyền của con người và
công dân. Điều này là bất khả xâm phạm. Việc tôn trọng và bảo vệ các quyền này
là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Điều 31
1. Tự do cá nhân được pháp luật
bảo vệ.
2. Mọi người có trách nhiệm tôn
trọng tự do và các quyền của người khác. Không ai bị ép buộc phải làm những
việc mà pháp luật không yêu cầu.
3. Bất kỳ sự hạn chế nào đối
với việc thực hiện tự do và các quyền hiến định chỉ có thể được quy định trong
luật, và chỉ trong trường hợp cần thiết ở một nhà nước dân chủ vì mục đích bảo
vệ an ninh hoặc trật tự công cộng, hoặc để bảo vệ môi trường tự nhiên, sức khỏe
hoặc đạo đức xã hội, hoặc tự do và các quyền của những người khác. Những hạn
chế này không được vi phạm bản chất của tự do và các quyền.
Điều 32
1. Mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật. Mọi người đều có quyền được đối xử công bằng trước các cơ quan
nhà nước.
2. Không ai bị phân biệt đối xử
trong đời sống chính trị, xã hội hoặc kinh tế vì bất kỳ lý do nào.
Điều 33
1. Nam giới và nữ giới có quyền
ngang nhau trong cuộc sống gia đình, chính trị, xã hội và kinh tế ở Cộng hòa Ba
Lan.
2. Nam giới và nữ giới có quyền
ngang nhau về giáo dục, việc làm và thăng tiến, và có quyền được đền bù như
nhau đối với công việc có giá trị như nhau, có quyền ngang nhau trong an sinh
xã hội, nắm giữ chức vụ, nhận được sự tôn vinh và tặng thưởng nhà nước.
Điều 34
1. Quốc tịch Ba Lan được trao
cho trẻ em được sinh ra bởi cha mẹ là công dân Ba Lan. Những cách thức trao
quốc tịch Ba Lan khác sẽ do luật định.
2. Công dân Ba Lan không bị mất
quốc tịch Ba Lan trừ trường hợp từ bỏ quốc tịch.
Điều 35
1. Cộng hòa Ba Lan bảo đảm
người dân Ba Lan thuộc các dân tộc thiểu số có quyền tự do gìn giữ và phát
triển ngôn ngữ của riêng mình, gìn giữ phong tục, truyền thống và phát triển
văn hóa của riêng mình.
2. Các dân tộc thiểu số có
quyền thành lập các cơ sở giáo dục và văn hóa, các cơ sở bảo vệ đặc thù tôn
giáo, cũng như tham gia vào việc giải quyết những vấn đề có quan hệ với đặc thù
văn hóa của các dân tộc.
Điều 36
Công dân Ba Lan có quyền được
Nhà nước Ba Lan bảo hộ trong thời gian ở nước ngoài.
Điều 37
1. Bất kỳ người nào đang thuộc
chủ quyền của Nhà nước Ba Lan, sẽ được hưởng tự do và các quyền được Hiến pháp
Ba Lan bảo đảm.
2. Những ngoại lệ của nguyên
tắc này đối với người nước ngoài sẽ do luật định.
Tự do cá nhân và các quyền
Điều 38
Cộng hòa Ba Lan bảo đảm tính
mạng của mọi người được pháp luật bảo vệ.
Điều 39
Không ai phải làm đối tượng thí
nghiệm khoa học, bao gồm cả thí nghiệm về y học, nếu người đó không tự nguyện
đồng ý.
Điều 40
Không ai có thể bị tra tấn hoặc
đối xử hoặc trừng phạt một cách thô bạo, dã man hoặc hèn hạ. Cấm sử dụng các
biện pháp nhục hình.
Điều 41
1. Quyền bất khả xâm phạm và an
toàn về riêng tư được bảo đảm đối với tất cả mọi người. Việc tước đoạt hoặc hạn
chế tự do chỉ có thể được áp đặt theo những nguyên tắc và thủ tục do luật định.
2. Bất kỳ người nào bị tước
quyền tự do, trừ trường hợp bị tòa án tuyên án, có quyền kháng cáo lên tòa án
để tòa án ra quyết định ngay về tính hợp pháp của việc tước quyền tự do đó.
Việc tước quyền tự do sẽ phải được thông tin ngay cho gia đình hoặc cho người
được chỉ định bởi người bị tước quyền tự do.
3. Bất kỳ người nào bị giam giữ
sẽ được thông báo, ngay lập tức và theo cách mà người đó có thể hiểu được, về
lý do bị giam giữ. Trong thời hạn 48 giờ kể từ khi bị giam giữ, người bị giam
giữ sẽ được chuyển cho tòa án để xét xử về vụ việc. Người bị giam giữ sẽ được
trả tự do trừ khi tòa án ra lệnh tạm giữ cùng với những quy định chỉ rõ những
trách nhiệm phải thực hiện được áp dụng đối với người đó trong thời hạn 24 giờ
kể từ khi được chuyển cho tòa án để xét xử.
5. Người bị tước quyền tự do
được đối xử một cách nhân đạo.
6. Người bị tước quyền tự do
một cách bất hợp pháp có quyền được đền bù.
Điều 42
1. Chỉ người nào đã thực hiện
một hành vi bị cấm theo quy định của luật có hiệu lực tại thời điểm thực hiện
hành vi đó, và hành vi đó phải chịu hình phạt, thì sẽ phải chịu trách nhiệm
hình sự. Nguyên tắc này không làm hạn chế việc trừng phạt đối với hành vi đã
cấu thành tội phạm theo quy định của luật pháp quốc tế tại thời điểm thực hiện.
2. Người phản đối thủ tục tố
tụng hình sự áp dụng đối với mình có quyền bào chữa trong các giai đoạn của quá
trình tố tụng. Người đó có thể lựa chọn luật sư hoặc sử dụng luật sư do tòa án
chỉ định theo những nguyên tắc do luật định.
3. Mọi người được suy đoán vô
tội cho tới khi việc phạm tội của người đó được quyết định bởi một phán quyết
cuối cùng của tòa án.
Điều 43
Không có luật nào quy định
những hạn chế liên quan đến tội phạm chiến tranh và tội phạm chống lại loài
người.
Điều 44
Luật quy định về những hạn chế
trong việc xử lý tội phạm được thực hiện bởi, hoặc theo lệnh của, các quan chức
nhà nước và những người không bị truy tố vì lý do chính trị, sẽ được áp dụng
trong suốt thời gian mà những lý do đó tồn tại.
Điều 45
1. Mọi người đều có quyền được
xét xử công bằng và công khai đối với vụ việc của mình mà không có sự trì hoãn
thái quá trước một tòa án có đủ thẩm quyền, vô tư và độc lập.
2. Những ngoại lệ đối với việc
xét xử công khai có thể được áp dụng vì lý do đạo đức, an ninh quốc gia, trật
tự công cộng hoặc bảo vệ bí mật đời tư của một bên, hoặc quyền lợi cá nhân quan
trọng khác. Bản án sẽ được tuyên bố công khai.
Điều 46
Tài sản chỉ có thể bị tước đoạt
theo quy định của luật, và chỉ bằng một phán quyết cuối cùng của tòa án.
Điều 47
Mọi người có quyền được pháp
luật bảo vệ đối với cuộc sống riêng tư và gia đình của mình, về danh dự và danh
tiếng của mình và tự quyết định về cuộc sống cá nhân của mình.
Điều 48
1. Cha mẹ có quyền nuôi dạy con
cái phù hợp với nhận thức của mình. Việc nuôi dạy của cha mẹ sẽ phải chú ý đến
mức độ trưởng thành của trẻ cũng như quyền tự do về tín ngưỡng và đức tin cũng
như nhận thức của trẻ.
2. Việc hạn chế hoặc tước các
quyền làm cha mẹ chỉ có thể được thực hiện trong những trường hợp do luật định
và chỉ trên cơ sở phán quyết cuối cùng của tòa án.
Điều 49
Quyền tự do thông tin và bảo
đảm bí mật thông tin cá nhân được bảo đảm. Hạn chế đối với quyền tự do thông
tin và bí mật thông tin chỉ có thể được áp dụng trong những trường hợp và theo
cách thức do luật định.
Điều 50
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở
được bảo đảm. Bất kỳ việc khám xét chỗ ở, nhà hoặc xe cộ chỉ có thể được thực
hiện trong những trường hợp và theo cách thức do luật định.
Điều 51
1. Không ai bị buộc phải tiết
lộ thông tin liên quan đến bản thân mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định.
2. Các cơ quan nhà nước không
được thu thập, sưu tầm hoặc làm cho thông tin về công dân có thể bị truy cập,
trừ trường hợp cần thiết trong một nhà nước dân chủ pháp quyền.
3. Mọi người đều có quyền tiếp
cận những văn bản chính thức và các dữ liệu sưu tập liên quan đến bản thân
mình. Những hạn chế đối với quyền này có thể do luật định.
4. Mọi người có quyền yêu cầu
cải chính hoặc xóa bỏ những thông tin không đúng hoặc không đầy đủ, hoặc thông
tin có được theo một cách trái pháp luật.
5. Những nguyên tắc và thủ tục
thu thập và tiếp cận thông tin sẽ do luật định.
Điều 52
1. Mọi người được bảo đảm quyền
tự do đi lại và lựa chọn chỗ ở, cư trú trong lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan.
2. Mọi người có thể tự do rời
khỏi lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan.
3. Các quyền tự do quy định tại
khoản 1 và 2 có thể bị hạn chế bởi các quy định của luật.
4. Công dân Ba Lan không thể bị
trục xuất khỏi đất nước cũng như không bị cấm trở lại đất nước.
5. Bất kỳ người nào có nguồn
gốc Ba Lan được xác định theo luật đều có thể định cư lâu dài tại Ba Lan.
Điều 53
1. Mọi người được bảo đảm quyền
tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
2. Quyền tự do tôn giáo bao gồm
cả tự do theo hoặc chấp nhận một tôn giáo bằng việc trực tiếp lựa chọn cũng như
bày tỏ ý chí đối với tôn giáo đó, một cách cá nhân hoặc tập thể, một cách công
khai hoặc bí mật, bằng việc thờ cúng, cầu nguyện, tham gia vào các buổi lễ,
tiến hành các nghi lễ hoặc giảng đạo. Quyền tự do tôn giáo cũng bao gồm cả việc
sở hữu các thánh đường hoặc những nơi thờ cúng khác để thỏa mãn nhu cầu của
những tín đồ cũng như quyền của các cá nhân, cho dù có thể ở bất kỳ đâu, được
lợi từ các hoạt động tôn giáo.
3. Cha mẹ có quyền bảo đảm cho
con mình một sự giáo dục và dạy dỗ về đạo đức và tôn giáo phù hợp với nhận thức
của mình. Những quy định của khoản 1, Điều 48 sẽ được áp dụng khi phù hợp.
4. Tôn giáo của nhà thờ hoặc
của các tổ chức tôn giáo khác được pháp luật công nhận có thể được giảng dạy
trong nhà trường, nhưng quyền tự do về tôn giáo và tín ngưỡng khác của con
người sẽ không bị vi phạm.
5. Quyền tự do biểu đạt công
khai về tôn giáo chỉ có thể bị hạn chế bởi luật và trong trường hợp cần thiết
để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức hoặc tự do và
các quyền của người khác.
6. Không ai có thể bị ép buộc
tham gia hoặc không tham gia các hoạt động tôn giáo.
7. Không ai có thể bị cơ quan
nhà nước ép buộc bày tỏ triết lý sống, nhận thức hoặc niềm tin tôn giáo của
mình.
Điều 54
1. Mọi người được bảo đảm quyền
tự do biểu đạt ý kiến, thu thập hoặc phổ biến thông tin.
2. Việc kiểm duyệt mang tính
phòng ngừa đối với các phương tiện thông tin xã hội và cấp phép hoạt động báo
chí bị nghiêm cấm. Luật có thể quy định việc cấp phép cho việc vận hành trạm
phát thanh hoặc truyền hình.
Điều 55
1. Cấm dẫn độ công dân Ba Lan.
2. Cấm dẫn độ người bị tình
nghi thực hiện một tội phạm vì lý do chính trị nhưng không sử dụng vũ lực
3. Tòa án có trách nhiệm xét xử
việc dẫn độ.
Điều 56
1. Người nước ngoài có quyền tị
nạn ở Cộng hòa Ba Lan theo những nguyên tắc do luật định.
2. Người nước ngoài ở Cộng hòa
Ba Lan tìm sự bảo hộ khỏi việc bị bức hại có thể được công nhận là người tị nạn
theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa Ba Lan là thành viên.
Tự do và các quyền trong lĩnh
vực chính trị
Điều 57
Mọi người được bảo đảm quyền tự
do hội họp và tham gia vào những hoạt động hội họp này một cách hòa bình. Những
giới hạn đối với quyền tự do này có thể được luật quy định.
Điều 58
1. Mọi người được bảo đảm quyền
tự do lập hội.
2. Những hội có mục đích hoặc
hoạt động trái với Hiến pháp hoặc luật sẽ bị cấm. Tòa án xem xét việc cho phép
một hội được đăng ký hay bị cấm hoạt động.
3. Luật sẽ quy định các loại
hội phải được tòa án đăng ký, thủ tục đăng ký và các hình thức giám sát các hội
này.
Điều 59
1. Quyền tự do thành lập các tổ
chức công đoàn, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp của nông dân, các tổ chức của
người sử dụng lao động được bảo đảm.
2. Các tổ chức công đoàn, người
sử dụng lao động và các tổ chức của họ có quyền thương lượng để giải quyết
những mâu thuẫn chung, ký kết thỏa thuận lao động tập thể và giải quyết các vấn
đề khác.
3. Các tổ chức công đoàn có
quyền tổ chức các cuộc đình công của công nhân hoặc các hình thức phản đối khác
có sự hạn chế bởi luật. Để bảo vệ lợi ích chung, các đạo luật có thể hạn chế
hoặc cấm việc tổ chức đình công đối với một số nhóm người lao động nhất định
hoặc trong những lĩnh vực cụ thể.
4. Phạm vi của quyền tự do
thành lập tổ chức công đoàn và các tổ chức của người sử dụng lao động chỉ có
thể bị hạn chế bởi luật khi phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa Ba Lan
là thành viên.
Điều 60
Những công dân Ba Lan có đủ
điều kiện được hưởng đầy đủ các quyền công cộng chung đều có quyền tiếp cận
dịch vụ công trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng.
Điều 61
1. Công dân có quyền được biết
thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như của những người thực
hiện công vụ. Quyền này bao gồm cả việc nhận được thông tin về hoạt động của
các tổ chức kinh tế hoặc nghề nghiệp tự quản và những cá nhân hoặc đơn vị trực
thuộc tổ chức liên quan đến lĩnh vực mà họ thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà
nước và quản lý tài sản hoặc bất động sản công của Bộ Ngân khố Quốc gia.
2. Quyền được biết thông tin
bảo đảm cho việc tiếp cận các văn bản và tham dự các phiên họp tập thể của các
cơ quan nhà nước được thành lập qua bầu cử phổ thông để ghi âm và ghi hình.
3. Những hạn chế đối với các
quyền quy định tại các khoản 1 và 2 chỉ có thể áp dụng khi được luật quy định
nhằm bảo vệ tự do và các quyền của người khác và các đối tượng kinh tế, trật tự
công cộng, an ninh hoặc các lợi ích kinh tế quan trọng của Nhà nước.
4. Thủ tục cung cấp thông tin
quy định tại khoản 1 và 2 sẽ được quy định trong luật, và liên quan đến Hạ nghị
viện và Thượng nghị viện sẽ được quy định trong quy chế hoạt động của các cơ
quan này.
Điều 62
1. Công dân Ba Lan đủ 18 tuổi
tính đến ngày bỏ phiếu có quyền tham gia cuộc trưng cầu ý dân và quyền bỏ phiếu
bầu Tổng thống Cộng hòa Ba Lan cũng như những người đại diện tại Hạ nghị viện
và Thượng nghị viện và các cơ quan của chính quyền địa phương.
2. Bằng một phán quyền cuối
cùng của tòa án, những người bị mất năng lực hoặc bị tước quyền bầu cử sẽ không
có quyền tham gia cuộc trưng cầu ý dân cũng như không có quyền bầu cử.
Điều 63
Mọi người có quyền khiếu nại,
kiến nghị và khởi kiện vì lợi ích công cộng, lợi ích của bản thân hoặc vì lợi
ích của người khác – với sự đồng ý của người đó – tới các cơ quan nhà nước, các
tổ chức và đoàn thể xã hội về việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định của các
cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong phạm vi lĩnh vực quản lý. Thủ tục xem xét
khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện do luật định.
Tự do và các quyền trong lĩnh
vực kinh tế, xã hội và văn hóa
Điều 64
1. Mọi người có quyền sở hữu,
các quyền tài sản khác và quyền thừa kế.
2. Mọi người đều được pháp luật
bảo vệ quyền sở hữu, các quyền tài sản khác và quyền thừa kế trên cơ sở bình
đẳng.
3. Quyền sở hữu chỉ có thể bị
hạn chế bằng các biện pháp luật định và chỉ ở mức độ không vi phạm đến quyền
này về thực chất.
Điều 65
1. Mọi người được tự do lựa
chọn và theo đuổi nghề nghiệp của mình và lựa chọn chỗ làm việc. Những ngoại lệ
sẽ do luật định.
2. Nghĩa vụ làm việc chỉ có thể
được áp đặt bằng luật.
3. Việc tuyển dụng trẻ em dưới
16 tuổi vào làm việc thường xuyên bị nghiêm cấm. Các hình thức và tính chất của
việc lao động có thể chấp nhận được sẽ do luật định.
4. Mức lương tối thiểu hay cách
thức xác định các mức lương này sẽ do luật định.
5. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm thực hiện các chính sách nhằm tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả thông
qua các chương trình thực thi để đối phó với tình trạng thất nghiệp, bao gồm cả
việc tổ chức và hỗ trợ tư vấn và đào tạo việc làm, cũng như các công trình công
cộng và can thiệp bằng biện pháp kinh tế.
Điều 66
1. Mọi người có quyền được
hưởng điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh. Các phương pháp thực thi quyền
này và các nghĩa vụ của người sử dụng lao động sẽ do luật định.
2. Người lao động có quyền được
nghỉ làm việc vào những ngày luật quy định và những ngày nghỉ nguyên lương hàng
năm; số giờ làm việc tối đa sẽ do luật định.
Điều 67
1. Công dân có quyền hưởng trợ
cấp an sinh xã hội khi bị mất khả năng lao động vì lý do ốm đau, bệnh tật hay
đến tuổi nghỉ hưu. Phạm vi và các hình thức phúc lợi xã hội sẽ do luật định.
2. Công dân không có việc làm
một cách không cố ý và không tìm được cách thức hỗ trợ nào khác, thì được quyền
hưởng trợ cấp an sinh xã hội trong phạm vi do luật định.
Điều 68
1. Mọi người có quyền được bảo
vệ về sức khỏe.
2. Việc tiếp cận một cách bình
đẳng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, do các nguồn tài chính công chi trả, sẽ
được các cơ quan nhà nước bảo đảm đối với mọi công dân, không phân biệt địa vị
của họ. Các điều kiện và phạm vi cung cấp các dịch vụ sẽ do luật định.
3. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm bảo đảm sự chăm sóc sức khỏe đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ mang
thai, người tàn tật và người cao tuổi.
4. Các cơ quan nhà nước có trách
nhiệm phòng chống các bệnh truyền nhiễm và ngăn chặn những hậu quả tiêu cực đối
với sức khỏe và suy giảm môi trường.
5. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm hỗ trợ việc phát triển thể chất, đặc biệt là đối với trẻ em và
người vị thành niên.
Điều 69
Các cơ quan nhà nước có trách
nhiệm cung cấp trợ giúp đối với người tàn tật theo quy định của luật để bảo đảm
việc sinh tồn và thích nghi với công việc và giao tiếp xã hội của họ.
Điều 70
1. Mọi người có quyền được giáo
dục. Việc giáo dục đến 18 tuổi là bắt buộc. Cách thức hoàn thành nghĩa vụ học
tập sẽ do luật định.
2. Giáo dục ở các trường công
lập không phải trả học phí. Luật sẽ quy định cho phép thu học phí đối với một
số dịch vụ do các cơ sở giáo dục đại học công lập cung cấp.
3. Cha mẹ có quyền lựa chọn các
trường ngoài công lập cho con em mình. Công dân và các tổ chức có quyền thành
lập các trường tiểu học và trường trung học, các cơ sở giáo dục đại học và tổ
chức phát triển giáo dục. Điều kiện để thành lập và hoạt động của các trường
ngoài công lập, sự tham gia của các cơ quan nhà nước trong việc cấp kinh phí,
cũng như những nguyên tắc giám sát giáo dục đối với các trường và tổ chức phát
triển giáo dục này sẽ do luật định.
4. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm bảo đảm việc tiếp cận chung và bình đẳng về giáo dục cho mọi người
dân. Để làm việc này, các cơ quan thiết lập và hỗ trợ hệ thống tài trợ cá nhân
và hỗ trợ có tổ chức đối với học sinh và sinh viên. Các điều kiện cung cấp các
hỗ trợ này sẽ do luật định.
5. Việc tự chủ của các cơ sở
giáo dục đại học được bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc do luật định.
Điều 71
1. Nhà nước, trong việc hoạch
định các chính sách kinh tế và xã hội, có trách nhiệm xem xét bảo vệ lợi ích
của các gia đình. Những gia đình đang gặp phải khó khăn trong đời sống vật chất
và xã hội – cụ thể là những người có nhiều con hoặc cha mẹ không con – sẽ có
quyền nhận được trợ giúp đặc biệt từ các cơ quan nhà nước.
2. Trước và sau khi sinh, người
mẹ có quyền được trợ giúp đặc biệt từ các cơ quan nhà nước theo luật định.
Điều 72
1. Cộng hòa Ba Lan có trách
nhiệm bảo vệ các quyền của trẻ em. Mọi người có quyền yêu cầu các cơ quan nhà
nước bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, sự tàn ác, bóc lột và những hành vi khác gây
hủy hoại đạo đức.
2. Trẻ em thiếu sự chăm sóc của
cha mẹ có quyền được các cơ quan nhà nước chăm sóc và trợ giúp.
3. Các cơ quan nhà nước và
những người có trách nhiệm bảo hộ cho trẻ em, khi xác lập quyền cho một đứa
trẻ, phải xem xét dành quyền ưu tiên cho ý kiến của trẻ em đó tới chừng mực có
thể.
4. Thẩm quyền và thủ tục bổ
nhiệm Cao ủy viên phụ trách về Quyền Trẻ em sẽ do luật định.
Điều 73
Mọi người được bảo đảm quyền tự
do sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu khoa học cũng như phổ biến thành quả đó,
được quyền tự do truyền đạt và thưởng thức các sản phẩm văn hóa.
Điều 74
1. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm thực thi các chính sách bảo đảm sự an toàn sinh thái của các thế hệ
hiện tại và tương lai.
2. Việc bảo vệ môi trường là
trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
3. Mọi người có quyền được
thông tin về chất lượng của môi trường và việc bảo vệ môi trường.
4. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động của công dân để bảo vệ và cải thiện chất lượng
môi trường.
Điều 75
1. Các cơ quan nhà nước có
trách nhiệm thực thi các chính sách cho phép đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công
dân, đặc biệt là giải quyết vấn đề vô gia cư, khuyến khích phát triển nhà ở thu
nhập thấp và hỗ trợ các hoạt động để có được nhà ở của mỗi cá nhân.
2. Việc bảo vệ các quyền của
người thuê nhà sẽ do luật định.
Điều 76
Các cơ quan nhà nước có trách
nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, khách hàng hoặc người thuê trong việc chống lại
những hành động đe dọa sức khỏe, bí mật và an toàn của họ, cũng như chống lại
những hành động mua bán không trung thực. Phạm vi của việc bảo vệ này sẽ do
luật định.
Các biện pháp bảo đảm tự do và
các quyền
Điều 77
1. Mọi người có quyền được bồi
thường đối với những thiệt hại xảy ra cho mình do bất kỳ hành động trái pháp
luật nào của cơ quan nhà nước.
2. Các đạo luật không được cản
trở việc một người dựa vào tòa án để khởi kiện đối với hành động được cho là vi
phạm tự do hoặc các quyền.
Điều 78
Các bên có quyền kháng cáo đối
với những phán quyết và quyết định được đưa ra ở giai đoạn sơ thẩm. Những ngoại
lệ của nguyên tắc này và thủ tục kháng cáo sẽ do luật định.
Điều 79
1. Căn cứ các nguyên tắc luật
định, người bị xâm phạm các quyền tự do và các quyền hiến định có quyền yêu cầu
Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về sự phù hợp với Hiến pháp của một đạo luật
hoặc văn bản quy phạm pháp luật khác mà dựa vào đó tòa án hoặc cơ quan quản lý
nhà nước đã đưa ra quyết định cuối cùng về tự do và các quyền của người đó hoặc
về nghĩa vụ của người đó được Hiến pháp quy định.
2. Các quy định tại khoản 1
không liên quan đến các quyền quy định tại Điều 56.
Điều 80
Căn cứ các nguyên tắc luật
định, mọi người có quyền yêu cầu Cao ủy viên về Quyền Công dân trợ giúp trong
việc bảo vệ tự do và các quyền của mình bị các cơ quan nhà nước xâm phạm.
Điều 81
Các quyền quy định tại các
khoản 4 và 5 Điều 65, Điều 66, Điều 69, Điều 71 và các điều từ Điều 74 đến Điều
76, có thể bị hạn chế bởi quy định của luật.
Các nghĩa vụ
Điều 82
Trung thành với Cộng hòa Ba
Lan, cũng như quan tâm đến lợi ích chung là trách nhiệm của mọi công dân Ba
Lan.
Điều 83
Mọi người có trách nhiệm tuân
thủ pháp luật của Cộng hòa Ba Lan.
Điều 84
Mọi người sẽ phải thực hiện
trách nhiệm của mình và các nghĩa vụ với cộng đồng, bao gồm cả việc nộp thuế,
theo quy định của luật.
Điều 85
1. Mọi công dân Ba Lan có nghĩa
vụ bảo vệ Tổ quốc.
2. Việc thực hiện nghĩa vụ quân
sự sẽ do luật định.
3. Bất kỳ công dân nào có niềm
tin tôn giáo hoặc nguyên tắc đạo đức không cho phép người đó thực hiện nghĩa vụ
quân sự có thể bị buộc phải thực hiện các biện pháp thay thế phù hợp với các
nguyên tắc luật định.
Điều 86
Mọi người có trách nhiệm quan
tâm đến chất lượng môi trường và chịu trách nhiệm về việc làm suy giảm môi
trường. Nguyên tắc của việc quy trách nhiệm này sẽ do luật định.
Chương III:
CÁC NGUỒN LUẬT
Điều 87
1. Các nguồn luật bắt buộc phổ
biến của Cộng hòa Ba Lan là: Hiến pháp, các đạo luật, các điều ước quốc tế đã
được phê chuẩn và các quy định dưới luật.
2. Việc ban hành văn bản pháp
luật ở địa phương trong quá trình hoạt động của các cơ quan cũng sẽ là nguồn
luật bắt buộc của Cộng hòa Ba Lan trong phạm vi lãnh thổ mà cơ quan đó ban hành
pháp luật.
Điều 88
1. Điều kiện bắt buộc để có
hiệu lực của các đạo luật, các quy định và văn bản pháp luật của địa phương là
các văn bản này phải được công bố trước.
2. Các nguyên tắc và thủ tục
công bố văn bản quy phạm pháp luật sẽ do luật định.
3. Các điều ước quốc tế đã được
phê chuẩn mà không được chấp thuận trước bởi một đạo luật sẽ phải được công bố
theo các thủ tục như đối với đạo luật. Các nguyên tắc công bố điều ước quốc tế
sẽ do luật định.
Điều 89
1. Việc phê chuẩn hoặc rút khỏi
một điều ước quốc tế của Cộng hòa Ba Lan sẽ phải được chấp thuận trước bởi đạo
luật nếu điều ước quốc tế này liên quan đến:
1) Các hiệp ước về hòa bình,
liên minh, chính trị hoặc quân sự;
2) Tự do, các quyền và nghĩa vụ
của công dân được Hiến pháp quy định;
3) Tư cách thành viên của Cộng
hòa Ba Lan tại một tổ chức quốc tế;
4) Các trách nhiệm về tài chính
lớn được áp dụng đối với Quốc gia;
5) Các vấn đề được quy định
trong luật hoặc các vấn đề mà Hiến pháp yêu cầu phải xây dựng luật.
2. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
(Thủ tướng) có trách nhiệm thông báo cho Hạ nghị viện về ý định đệ trình để
Tổng thống Ba Lan phê chuẩn bất kỳ điều ước quốc tế nào mà việc phê chuẩn đó
không yêu cầu phải được chấp thuận bởi luật.
3. Các nguyên tắc và thủ tục ký
kết và rút khỏi điều ước quốc tế do luật định.
Điều 90
1. Theo yêu cầu của các điều
ước quốc tế, Cộng hòa Ba Lan có thể cử đại diện tại tổ chức quốc tế hoặc cơ
quan quốc tế để thực hiện thẩm quyền của các cơ quan nhà nước liên quan đến các
vấn đề cụ thể.
2. Đạo luật chấp thuận việc phê
chuẩn một điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 phải được Hạ nghị viện thông
qua với đa số 2/3 phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo luật định, và
được Thượng nghị viện thông qua với đa số 2/3 phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số
Thượng nghị sĩ theo luật định.
3. Chấp thuận việc phê chuẩn
điều ước quốc tế cũng có thể được thông qua bằng một cuộc trưng cầu ý dân toàn
quốc theo quy định tại Điều 125.
4. Việc ra nghị quyết lựa chọn
thủ tục chấp thuận việc phê chuẩn điều ước quốc tế phải được Hạ nghị viện đưa
ra bằng một đa số tuyệt đối phiếu có mặt của ít nhất 1/2 số Hạ nghị sĩ theo
luật định.
Điều 91
1. Sau khi được công bố trên
Công báo Cộng hòa Ba Lan (Dziennik Ustaw)(5), điều ước quốc tế
đã được phê chuẩn sẽ trở thành một phần của luật nội địa và được áp dụng trực
tiếp, trừ trường hợp việc áp dụng điều ước cần phải ban hành một đạo luật.
2. Điều ước quốc tế đã được phê
chuẩn trên cơ sở được luật chấp thuận trước sẽ được ưu tiên áp dụng hơn so với
các đạo luật khi xảy ra trường hợp điều ước này không thể tương thích với quy
định của các đạo luật đó.
3. Nếu điều ước quốc tế đã được
Cộng hòa Ba Lan phê chuẩn quy định việc thành lập một tổ chức quốc tế, thì các
luật được ban hành bởi cơ quan này cũng sẽ được áp dụng trực tiếp và được ưu
tiên áp dụng trong trường hợp xung đột pháp luật.
Điều 92
1. Quy định dưới luật sẽ được
ban hành nhằm mục đích thi hành các đạo luật và phải dựa trên cơ sở một sự ủy
quyền cụ thể được quy định trong các đạo luật ban hành bởi các cơ quan được quy
định trong Hiến pháp. Việc ủy quyền sẽ quy định rõ cơ quan thích hợp để ban
hành quy định dưới luật và phạm vi của các vấn đề được quy định cũng như những
nguyên tắc chỉ đạo liên quan đến các quy định dưới luật này.
2. Cơ quan được phép ban hành
quy định dưới luật không được ủy quyền cho cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ quy
định tại khoản 1.
Điều 93
1. Nghị quyết của Hội đồng Bộ
trưởng và chỉ thị của Thủ tướng và các bộ trưởng chỉ mang tính nội bộ và bắt
buộc đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới của cơ quan ban hành văn
bản.
2. Chỉ thị chỉ được ban hành
căn cứ vào luật. Chỉ thị sẽ không được sử dụng làm căn cứ cho việc đưa ra các
quyết định đối với công dân, pháp nhân và các thủ thể khác.
3. Nghị quyết và chỉ thị sẽ
được giám sát về sự phù hợp với pháp luật mang tính bắt buộc chung.
Điều 94
Trên cơ sở và trong giới hạn do
luật định, các cơ quan của chính quyền địa phương và các cơ quan điều hành
chính phủ ở khu vực có trách nhiệm ban hành văn bản pháp luật địa phương áp
dụng đối với khu vực mình quản lý. Nguyên tắc và thủ tục cho việc ban hành các
văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương sẽ do luật định.