Hiến Pháp Đại Hàn Dân Quốc 1987
Chương IX:
KINH TẾ
Điều 119
(1) Trật tự kinh tế của Cộng hòa Hàn Quốc được dựa trên sự tôn
trọng tự do và sáng tạo của các doanh nghiệp và cá nhân trong các hoạt động
kinh tế.
(2) Nhà nước có thể kiểm soát và điều phối các hoạt động kinh tế
nhằm duy trì sự tăng trưởng cân bằng và ổn định của nền kinh tế quốc dân, nhằm
phân phối thu nhập, ngăn chặn sự thống lĩnh thị trường và lạm quyền kinh tế và
để dân chủ hóa nền kinh tế thông qua sự hòa hợp giữa các chủ thể kinh tế.
Điều 120
(1) Giấy phép khai thác, phát triển và tận dụng khoáng sản và các
nguồn tài nguyên quan trọng trong lòng đất khác, tài nguyên dưới biển, thủy
điện và năng lượng tự nhiên sẵn có cho mục đích kinh tế có thể được trao trong
một thời hạn theo các điều kiện do luật định.
(2) Đất đai và các tài nguyên thiên nhiên được Nhà nước bảo vệ và
Nhà nước phải xây dựng một kế hoạch cần thiết để đảm bảo sự phát triển và tận
dụng tài nguyên.
Điều 121
(1) Nhà nước phải nỗ lực thực hiện nguyên tắc đất nông nghiệp
thuộc về nông dân. Phát canh thu tô bị cấm.
(2) Việc cho thuê đất nông nghiệp, phó thác quản lý đất nông
nghiệp để tăng sản lượng nông nghiệp và bảo đảm việc sử dụng hợp lý đất nông
nghiệp hoặc do các hoàn cảnh không thể tránh khỏi sẽ được thực hiện theo các
điều kiện do luật định.
Điều 122
Theo các điều kiện do luật định, Nhà nước có thể đặt ra các giới
hạn hoặc nghĩa vụ cần thiết cho việc sử dụng, phát triển và bảo quản hiệu quả
và cân bằng nguồn đất đai của quốc gia, vì đó là nền tảng của các hoạt động sản
xuất và đời sống hàng ngày của mọi công dân.
Điều 123
(1) Nhà nước phải xây dựng và thực hiện một kế hoạch để phát triển
và hỗ trợ toàn diện cộng đồng nông dân và ngư dân nhằm bảo vệ và thúc đẩy nông
nghiệp và ngư nghiệp.
(2) Nhà nước có trách nhiệm thúc đẩy kinh tế các khu vực để bảo
đảm sự phát triển cân bằng ở mọi khu vực.
(3) Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy phát triển các
doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(4) Nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân và ngư dân, Nhà nước thúc đẩy
sự ổn định giá nông sản và hải sản bằng cách duy trì sự cân đối giữa cung và
cầu và phát triển hệ thống tiếp thị và phân phối nông sản và hải sản.
(5) Nhà nước ủng hộ việc thành lập và bảo đảm các hoạt động và sự
phát triển độc lập của các tổ chức do nông dân, ngư dân và thương nhân thành
lập trên cơ sở tự nguyện để tham gia vào công nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 124
Nhà nước bảo đảm các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng nhằm khuyến
khích các hoạt động tiêu dùng ích lợi và thúc đẩy chất lượng sản phẩm theo các
điều kiện do luật định.
Điều 125
Nhà nước hỗ trợ ngoại thương, có thể kiểm soát và điều phối ngoại
thương.
Điều 126
Các doanh nghiệp tư nhân không thể bị quốc hữu hóa hoặc chuyển sử
hữu bởi một chính quyền địa phương, cũng như việc quản lý chúng không bị kiểm
soát hay điều hành bởi Nhà nước, trừ các trường hợp do luật định nhằm đáp ừng
các nhu cấu khẩn cấp vì quốc phòng hoặc vì nền kinh tế quốc dân.
Điều 127
(1) Nhà nước nỗ lực thúc đẩy kinh tế quốc dân thông qua phát triển
khoa học và công nghệ, thông tin, nguồn nhân lực và khuyến khích sáng tạo.
(2) Nhà nước thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
(3) Tổng thống có thể thiết lập các cơ quan tư vấn cần thiết để
thực hiện mục tiêu nhắc đến ở khoản (1).