HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1956
THIÊN THỨ NHẤT: ĐIỀU KHOẢN
CĂN BẢN
Điều 1
Việt Nam là một nước Cộng hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ
bất khả phân.
Điều 2
Chủ quyền thuộc về toàn dân.
Điều 3
Quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử, và
nhiệm vụ lập pháp cho Quốc hội cũng do dân cử.
Sự phân nhiệm giữa hành pháp và lập pháp phải rõ rệt. Hoạt
động của các cơ quan hành pháp và lập pháp phải được điều hòa.
Tổng thống lãnh đạo Quốc dân.
Điều 4
Hành pháp, lập pháp, tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ Tự do, Dân
chủ, chính thể cộng hòa, và trật tự công cộng. Tư pháp phải có một quy chế bảo
đảm tính cách độc lập.
Điều 5
Mọi người dân không phân biệt nam nữ sinh ra bình đẳng về
phẩm cách, quyền lợi, và nhiệm vụ, và phải đối xử với nhau theo tinh thần tương
thân tương trợ.
Quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con
người trong cương vị cá nhân, hay trong cương vị tập thể.
Quốc gia cố gắng tạo cho mọi người những cơ hội đồng đều và
những điều kiện cần thiết để thụ hưởng quyền lợi và thực hành nhiệm vụ.
Quốc gia tán trợ sự khuếch trương kinh tế, phát huy văn hóa,
khai triển khoa học và kỹ thuật.
Điều 6
Người dân có những nhiệm vụ đối với tổ quốc, với đồng bào,
mục đích là để thực hiện sự phát triển điều hòa và đầy đủ nhân cách của mọi
người.
Điều 7
Những hành vi có mục đích phổ biến hoặc thực hiện một cách
trực tiếp hay gián tiếp chủ nghĩa cộng sản dưới mọi hình thái đều trái với các
nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.
Điều 8
Nước Việt Nam Cộng hòa chấp nhận những nguyên tắc quốc tế
pháp không trái với sự thực hiện chủ quyền Quốc gia và sự bình đẳng giữa các
dân tộc.
Quốc gia cố gắng góp phần xây dựng và bảo vệ nền an ninh và
hòa bình quốc tế cùng duy trì và phát triển sự liên lạc thân hữu giữa các dân
tộc trên căn bản tự do và bình đẳng.