Hiến Pháp Đại Hàn Dân Quốc 1987
Chương III:
QUỐC HỘI
Điều 40
Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội.
Điều 41
(1) Quốc hội bao gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra theo phương
thức phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
(2) Số lượng đại biểu Quốc hội do luật định nhưng không được ít
hơn 200 người.
(3) Các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, tỷ lệ đại diện và các vấn
đề khác liên quan đến bầu cử Quốc hội sẽ do luật định.
Điều 42
Nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội là bốn năm.
Điều 43
Các đại biểu Quốc hội không thể đồng thời giữ bất kỳ chức vụ nào
khác theo luật định.
Điều 44
(1) Trong thời gian kỳ họp của Quốc hội, không đại biểu Quốc hội
nào bị bắt hoặc giam giữ mà không có sự đồng ý của Quốc hội, ngoại trừ trường
hợp phạm tội quả tang.
(2) Trong trường hợp một đại biểu Quốc hội bị bắt hoặc giam giữ
trước khi khai mạc một kỳ họp Quốc hội, đại biểu đó phải được trả tự do trong
thời gian của kỳ họp theo yêu cầu của Quốc hội, ngoại trừ trường hợp phạm tội
quả tang.
Điều 45
Không đại biểu Quốc hội nào phải chịu trách nhiệm bên ngoài Quốc
hội về các ý kiến chính thức đã phát biểu hoặc về việc bỏ phiếu của mình tại
Quốc hội.
Điều 46
(1) Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ duy trì chuẩn mực cao về liêm
chính.
(2) Đại biểu Quốc hội phải ưu tiên lợi ích quốc gia và thực hiện
các nhiệm vụ của mình phù hợp với lương tâm.
(3) Đại biểu Quốc hội không được thông qua việc lạm dụng chức vụ, quyền
hạn của mình để đòi hỏi các lợi ích về tài sản hoặc chức vụ, hay giúp người
khác làm điều tương tự qua các hợp đồng hoặc qua việc xử lý công việc của Nhà
nước, các tổ chức công quyền hoặc các ngành công nghiệp.
Điều 47
(1) Phiên họp thường lệ của Quốc hội được triệu tập mỗi năm một
lần theo các điều kiện do luật định, và các phiên bất thường của Quốc hội có
thể được triệu tập theo yêu cầu của Tổng thống hoặc ít nhất một phần tư tổng số
đại biểu.
(2) Thời gian của kỳ họp thường lệ không được vượt quá một trăm
ngày và thời gian của kỳ họp bất thường không quá ba mươi ngày.
(3) Nếu Tổng thống yêu cầu triệu tập một kỳ họp bất thường, thời
gian và lý do yêu cầu kỳ họp phải được nêu rõ.
Điều 48
Quốc hội bầu ra một Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch.
Điều 49
Trừ trường hợp Hiến pháp hoặc luật quy định khác, sự có mặt của đa
số trong tổng số đại biểu và sự đồng thuận của đa số đại biểu có mặt là điều
kiện cần thiết để Quốc hội ra các quyết định. Trong trường hợp có số phiếu
ngang nhau, vấn đề được coi là không được Quốc hội thông qua.
Điều 50
(1) Các kỳ họp của Quốc hội được công khai cho công chúng, trừ
trường hợp đa số thành viên có mặt quyết định, hoặc khi Chủ tịch Quốc hội xét
thấy cần thiết vì lợi ích an ninh quốc gia thì Quốc hội có thể họp kín.
(2) Việc công khai tiến trình của các phiên họp kín sẽ do luật
định.
Điều 51
Dự án luật và các vấn đề khác trình Quốc hội thảo luận không thể
bị loại bỏ do chúng không được thông qua trong kỳ họp mà chúng đã được trình,
ngoại trừ trong trường hợp nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã hết.
Điều 52
Quyền đệ trình các dự án luật thuộc về các đại biểu Quốc hội và cơ
quan Hành pháp.
Điều 53
(1) Dự án luật đã được Quốc hội thông qua phải được gửi đến cơ
quan Hành pháp, và Tổng thống phải công bố dự án luật đó trong thời hạn mười
lăm ngày.
(2) Trong trường hợp phản đối dự luật, trong thời hạn nêu tại
khoản (1),Tổng thống có thể chuyển dự luật trở lại Quốc hội với văn bản giải
thích sự phản đối của mình và yêu cầu xem xét lại. Tổng thống cũng có thể thực
hiện việc này trong thời gian Quốc hội không họp.
(3) Tổng thống không được yêu cầu Quốc hội xem xét lại từng phần
của dự luật hoặc kèm theo các đề xuất sửa đổi.
(4) Trong trường hợp có yêu cầu, Quốc hội phải xem xét lại dự
luật, nếu Quốc hội lại thông qua bản gốc dự luật với sự có mặt của hơn một nửa
tổng số thành viên và với sự nhất trí của tối thiểu hai phần ba đại biểu có
mặt, dự án luật đó sẽ trở thành luật.
(5) Nếu Tổng Thống không công bố dự luật, hoặc không có yêu cầu
Quốc hội xem xét lại dự luật trong thời hạn nêu tại khoản (1), dự án luật đó sẽ
trở thành luật.
(6) Đối với các dự án luật đã được chung quyết theo quy định tại
khoản (4) và (5), Tổng thống phải công bố luật một cách không chậm trễ. Nếu
Tổng Thống không công bố một đạo luật trong thời hạn năm ngày sau khi đã trở
thành luật theo quy định tại khoản (5), hoặc sau khi nó đã được gửi trở lại cơ
quan Hành pháp theo quy định tại khoản (4), Chủ tịch Quốc hội sẽ công bố đạo
luật này.
(7) Trừ khi có quy định khác, một đạo luật có hiệu lực từ thời
điểm hai mươi ngày sau ngày được công bố.
Điều 54
(1) Quốc hội thảo luận và quyết định về dự luật ngân sách quốc
gia.
(2) Cơ quan Hành pháp soạn thảo dự luật ngân sách cho mỗi năm tài
chính và đệ trình Quốc hội trong thời hạn chín mươi ngày trước ngày bắt đầu của
năm tài chính mới. Quốc hội quyết định về dự luật ngân sách quốc gia trong vòng
ba mươi ngày trước ngày bắt đầu năm tài chính mới.
(3) Nếu dự luật ngân sách quốc gia không được thông qua trước khi
bắt đầu năm tài chính, trên cơ sở ngân sách của năm tài chính trước đó, cơ quan
Hành pháp có thể giải ngân cho các mục đích sau đây cho đến khi dự luật ngân
sách được thông qua bởi Quốc hội:
1) Duy trì và vận hành hoạt động của các cơ quan và các cơ sở được
thành lập theo Hiến pháp hoặc các đạo luật;
2) Thực hiện các khoản chi bắt buộc theo quy định của pháp luật;
và
3) Tiếp tục các dự án trước đó đã được phê duyệt trong ngân sách.
Điều 55
(1) Trong trường hợp cần phải thực hiện một khoản chi trong thời
gian dài hơn một năm tài chính, cơ quan Hành pháp cần có sự chấp thuận của Quốc
hội với khoảng thời hạn chi được xác định cụ thể.
(2) Quốc hội phê duyệt tổng thể việc duy trì một quỹ dự trữ. Việc
chi tiêu của quỹ dự trữ sẽ được phê chuẩn trong kỳ họp tiếp theo của Quốc hội.
Điều 56
Khi cần thiết phải sửa đổi ngân sách, Cơ quan Hành pháp có thể xây
dựng một dự luật ngân sách bổ sung sửa đổi và đệ trình Quốc hội.
Điều 57
Khi không có sự đồng ý của Cơ quan Hành pháp, Quốc hội sẽ không
được tăng số tiền của bất kỳ khoản chi nào cũng như không tạo ra bất kỳ mục chi
mới nào trong ngân sách đã được Cơ quan Hành pháp đệ trình.
Điều 58
Khi Cơ quan Hành pháp lập kế hoạch phát hành trái phiếu quốc gia
hoặc ký kết hợp đồng mà có thể phát sinh nghĩa vụ tài chính đối với quốc gia
ngoài ngân sách, thì cần phải được Quốc hội phê chuẩn trước.
Điều 59
Các loại thuế và mức thuế sẽ do luật định.
Điều 60
(1) Quốc hội có quyền thông qua việc ký kết và phê chuẩn các điều
ước quốc tế liên quan đến tương trợ và hỗ trợ an ninh; các điều ước quốc tế
liên quan đến các tổ chức quốc tế quan trọng; các điều ước hữu nghị, thương mại
và hàng hải; các điều ước quốc tế liên quan đến bất kỳ sự hạn chế nào về chủ
quyền; các điều ước hòa bình; các điều ước quốc tế phát sinh nghĩa vụ tài chính
quan trọng đối với Nhà nước hoặc nhân dân; và các điều ước quốc tế liên quan
đến vấn đề lập pháp.
(2) Quốc hội cũng có quyền phê chuẩn việc tuyên bố chiến tranh,
việc gửi lực lượng vũ trang ra nước ngoài và việc đóng quân của lực lượng đồng
minh nước ngoài trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Điều 61
(1) Quốc hội có thể kiểm tra công việc của nhà nước hoặc điều tra
những vấn đề cụ thể trong hoạt động của nhà nước, có quyền yêu cầu việc đệ
trình các tài liệu liên quan trực tiếp đến các vấn đề đó, có quyền yêu cầu sự
có mặt của một nhân chứng để cung cấp chứng cứ hoặc báo cáo quan điểm.
(2) Các thủ tục và các vấn đề cần thiết khác liên quan đến việc
kiểm tra và điều tra hành chính nhà nước sẽ do luật định.
Điều 62
(1) Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Hội đồng Nhà nước,
hoặc các đại diện của Chính phủ có thể tham dự các cuộc họp của Quốc hội hoặc
các ủy ban Quốc hội và báo cáo về công việc quản lý nhà nước, hoặc nêu các ý
kiến và trả lời các câu hỏi.
(2) Khi có yêu cầu của Quốc hội hoặc các ủy ban của Quốc hội, Thủ
tướng Chính phủ, các thành viên của Hội đồng Nhà nước, các đại diện của Chính
phủ phải tham dự bất kỳ cuộc họp nào của Quốc hội và trả lời các câu hỏi. Nếu
Thủ tướng Chính phủ hoặc thành viên Hội đồng Nhà nước được yêu cầu tham dự, Thủ
tướng Chính phủ hoặc thành viên Hội đồng Nhà nước có thể có các thành viên Hội
đồng Nhà nước hoặc các đại diện của Chính phủ tham dự các cuộc họp của Quốc hội
và trả lời câu hỏi.
Điều 63
(1) Quốc hội có thể thông qua một đề nghị bãi nhiệm Thủ tướng
Chính phủ hoặc một thành viên Hội đồng Nhà nước.
(2) Để đưa ra một đề nghị bãi nhiệm như quy định tại khoản (1) cần
phải có sự nhất trí của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội và đề
nghị đó chỉ được thông qua với số phiếu nhất trí của đa số trong tổng số các
đại biểu Quốc hội.
Điều 64
(1) Quốc hội có thể xây dựng các quy định về thủ tục làm việc và
các nội quy của mình nhưng không được mâu thuẫn với luật.
(2) Quốc hội có thể xem xét các tư cách của các đại biểu và có thể
có thể thực hiện các hình thức kỷ luật đối với các đại biểu.
(3) Việc bãi nhiệm một đại biểu Quốc hội cần phải có sự chấp thuận
của tối thiểu hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trong một cuộc biểu quyết.
(4) Các quyết định được thực hiện theo quy định tại khoản (2) và
(3) sẽ không thể được đưa ra xem xét tại tòa án.
Điều 65
(1) Trong trường hợp Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ, các thành
viên của Hội đồng Nhà nước, Bộ trưởng, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp, các thẩm
phán, các thành viên của Ủy ban Bầu cử Trung ương, Chủ tịch và các thành viên
của Ban Kiểm toán và Thanh tra, và các công chức khác theo luật định đã vi phạm
Hiến pháp hay luật khác trong khi thực thi công vụ, Quốc hội có thể thông qua
một đề xuất để đàn hạch.
(2) Đề xuất đàn hạch theo quy định tại khoản (1) có thể được đề
nghị bởi tối thiểu một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội và cần có sự chấp
thuận của đa số trong tổng số đại biểu Quốc hội để thông qua. Riêng đối với
trường hợp đề xuất đàn hạch Tổng thống, cần được đề nghị bởi đa số trong tổng
số đại biểu Quốc hội và phải được chấp thuận bởi tối thiểu là hai phần ba tổng
số đại biểu Quốc hội.
(3) Khi một đề xuất đàn hạch được thông qua, người bị đề xuất đàn
hạch sẽ bị đình chỉ thực hiện quyền hạn của mình cho đến khi việc đàn hạch được
kết luận.
(4) Hệ quả của quyết định đàn hạch không được mở rộng ra ngoài
việc bãi nhiệm khỏi công vụ nhưng không miễn trừ người bị đàn hạch khỏi trách
nhiệm dân sự hoặc hình sự.