HIẾN PHÁP LIÊN BANG NGA 1993
CHƯƠNG VI
CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA
Điều 110
1. Chính phủ Liên bang Nga thực thi quyền lực
hành pháp ở Liên bang Nga.
2. Chính phủ Liên bang Nga gồm Thủ tướng Chính
phủ, các Phó thủ tướng và các bộ trưởng liên bang.
Điều 111
1. Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga do Tổng
thống Liên bang Nga bổ nhiệm sau khi có sự đồng ý của Đuma Quốc gia.
2. Đề nghị về ứng viên Thủ tướng Chính phủ
Liên bang Nga được trình không muộn hơn hai tuần sau khi Tổng thống Liên bang
Nga nhậm chức hoặc sau khi Chính phủ Liên bang Nga từ chức; hoặc trong vòng một
tuần sau khi Đuma Quốc gia bác bỏ ứng viên.
3. Đuma Quốc gia xem xét ứng viên Thủ tướng
Chính phủ Liên bang Nga do Tổng thống Liên bang Nga đề nghị trong vòng một tuần
kể từ khi đề nghị được trình.
4. Sau ba lần Đuma Quốc gia bác bỏ đề nghị của
Tổng thống Liên bang Nga về ứng viên Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, Tổng
thống Liên bang Nga bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ Liên bang, giải tán Đuma Quốc
gia và ấn định cuộc bầu cử mới.
Điều 112
1. Trong vòng một tuần sau khi được bổ nhiệm,
Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga trình Tổng thống Liên bang Nga dự kiến cơ cấu
các cơ quan quyền lực hành pháp cấp liên bang.
2. Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga trình
Tổng thống Liên bang Nga dự kiến ứng viên các Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang
Nga và các bộ trưởng liên bang.
Điều 113
Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga xác định
phương hướng hoạt động và tổ chức công việc của Chính phủ Liên bang Nga theo
Hiến pháp Liên bang Nga, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống
Liên bang Nga.
Điều 114
1. Chính phủ Liên bang Nga có các thẩm quyền
sau:
a) Dự toán và trình Đuma Quốc gia ngân sách
liên bang và bảo đảm việc thi hành ngân sách; trình Đuma Quốc gia quyết toán về
việc thực hiện ngân sách liên bang;
b) Đảm bảo chính sách tài chính, tín dụng,
tiền tệ thống nhất ở Liên bang Nga;
c) Đảm bảo việc thi hành chính sách thống nhất
ở Liên bang Nga trong lĩnh vực văn hoá, khoa học, giáo dục, y tế, bảo trợ xã
hội, môi trường;
d) Thực hiện quản lý sở hữu liên bang;
e) Thực hiện các biện pháp đảm bảo quốc phòng,
an ninh quốc gia, thực thi chính sách đối ngoại của Liên bang Nga;
f) Thực hiện các biện pháp đảm bảo tính pháp
chế, quyền và tự do công dân, bảo vệ sở hữu và trật tự xã hội, đấu tranh chống
tội phạm;
g) Thực hiện các quyền hạn khác do Hiến pháp
Liên bang Nga, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang
Nga quy định.
2. Trình tự hoạt động của Chính phủ Liên bang
Nga do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 115
1. Dựa trên Hiến pháp và để thực thi Hiến
pháp, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga, Chính
phủ Liên bang Nga ban hành nghị quyết và chỉ thị và bảo đảm thực thi các văn
bản của mình.
2. Nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ Liên bang
Nga có hiệu lực bắt buộc thi hành ở Liên bang Nga.
3. Trong trường hợp trái với Hiến pháp Liên
bang Nga, các đạo luật liên bang, các sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga,
Nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ Liên bang Nga có thể bị Tổng thống Liên bang
Nga bãi bỏ.
Điều 116
Chính phủ Liên bang Nga từ nhiệm trước Tổng
thống mới bầu của Liên bang Nga.
Điều 117
1. Chính phủ Liên bang Nga có thể tự từ chức,
và có thể được Tổng thống Liên bang Nga chấp nhận hoặc bác bỏ.
2. Tổng thống Liên bang Nga có thể quyết định
về việc cách chức Chính phủ Liên bang Nga.
3. Đuma Quốc gia có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm
Chính phủ Liên bang Nga. Nghị quyết về bất tín nhiệm Chính phủ Liên bang Nga
được thông qua bởi đa số trên tổng số đại biểu Đuma Quốc gia. Sau khi Đuma bỏ
phiếu bất tín nhiệm, Tổng thống Liên bang Nga có thể tuyên bố cách chức Chính
phủ Liên bang Nga, hoặc có thể không đồng ý với quyết định của Đuma Quốc gia.
Trong trường hợp Đuma Quốc gia trong vòng ba tháng tiếp tục bỏ phiếu bất tín
nhiệm Chính phủ, Tổng thống Liên bang Nga hoặc tuyên bố cách chức Chính phủ
Liên bang, hoặc giải tán Đuma Quốc gia.
4. Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga có thể tự
đặt vấn đề tín nhiệm Chính phủ tại Đuma Quốc gia. Nếu Đuma Quốc gia bỏ phiếu
không tín nhiệm, Tổng thống Liên bang Nga trong vòng bảy ngày quyết định về
việc cách chức Chính phủ Liên bang Nga hoặc giải tán Đuma Quốc gia và ấn định
cuộc bầu cử mới.
5. Trong trường hợp từ nhiệm hoặc từ chức,
Chính phủ Liên bang Nga tiếp tục hoạt động theo phân công của Tổng thống Nga
cho đến khi Chính phủ mới được thành lập.