Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 - Hành Pháp

HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1967

CHƯƠNG IV: Hành Pháp
ĐIỀU 51
Quyền Hành Pháp được Quốc Dân ủy nhiệm cho Tổng Thống.
ĐIỀU 52
1- Tổng Thống và Phó Tổng Thống cùng đứng chung một liên danh, được cử tri toàn quốc bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín.
2- Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống là bốn (4) năm. Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thể được tái cử một lần.
3- Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống chấm dứt đúng mười hai (12) giờ trưa ngày cuối cùng tháng thứ bốn mươi tám (48) kể từ ngày nhậm chức và nhiệm kỳ của tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống bắt đầu từ lúc ấy.
4- Cuộc bầu cử tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống được tổ chức vào ngày chúa nhật bốn (4) tuần lễ trước khi nhiệm kỳ của Tổng Thống tại chức chấm dứt.
ĐIỀU 53
Được quyền ứng cử Tổng Thống hoặc Phó Tổng Thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây :
1- Có Việt tịch từ khi mới sanh ra và liên tục cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam ít nhất mười (10) năm tính đến ngày bầu cử.
Thời gian công cán và lưu vong chánh trị tại ngoại quốc được kể như thời gian cư ngụ tại nước nhà.
2- Đủ ba mươi lăm (35) tuổi tính đến ngày bầu cử.
3- Được hưởng các quyền công dân.
4- Ở trong tình trạng hợp lệ quân dịch.
5- Hội đủ những điều kiện khác dự liệu trong đạo luật bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống.
ĐIỀU 54
1- Tối cao Pháp viện lập danh sách ứng cử viên, kiểm soát tánh cách hợp thức của cuộc bầu cử và tuyên bố kết quả.
2- Các ứng cử viên được hưởng đồng đều phương tiện trong cuộc vận động tuyển cử.
3- Một đạo luật sẽ qui định thể thức ứng cử và bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống.
ĐIỀU 55
Khi nhậm chức, Tổng Thống tuyên thệ trước quốc dân với sự chứng kiến của Tối cao Pháp viện và Quốc Hội : "Tôi long trọng tuyên thệ trước quốc dân sẽ bảo vệ Tổ Quốc, tôn trọng Hiến Pháp, phục vụ quyền lợi quốc gia dân tộc và tận lực làm tròn nhiệm vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa".
ĐIỀU 56
1- Nhiệm kỳ của Tổng Thống và Phó Tổng Thống có thể chấm dứt trước hạn kỳ trong những trường hợp :
a- Mệnh chung.
b- Từ chức.
c- Bị truất quyền.
d- Bị bệnh tật trầm trọng và kéo dài không còn năng lực để làm tròn nhiệm vụ. Sự mất năng lực này phải được Quốc Hội xác nhận với đa số ba phần tư (3/4) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ sau các cuộc giám định và phản giám định y khoa.
2- Trong trường hợp nhiệm vụ của Tổng Thống chấm dứt trên một (1) năm trước kỳ hạn, Phó Tổng Thống sẽ tạm thời đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống trong thời hạn ba (3) tháng để tổ chức cuộc bầu cử tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống cho nhiệm kỳ mới.
3- Trong trường hợp nhiệm vụ Tổng Thống chấm dứt dưới một (1) năm trước kỳ hạn, Phó Tổng Thống sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống đến hết nhiệm kỳ, ngoại trừ trường hợp Tổng Thống bị truất quyền.
4- Nếu vì một lý do gì Phó Tổng Thống không thể đảm nhiệm chức vụ Tổng Thống, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện sẽ đảm nhiệm chức vụ này trong thời hạn ba (3) tháng để tổ chức bầu cử tân Tổng Thống và tân Phó Tổng Thống.
ĐIỀU 57
Tổng Thống ban hành các đạo luật trong thời hạn qui định ở điều 44.
ĐIỀU 58
1- Tổng Thống bổ nhiệm Thủ Tướng; theo đề nghị của Thủ Tướng, Tổng Thống bổ nhiệm các nhân viên Chánh Phủ.
2- Tổng Thống có quyền cải tổ toàn bộ hay một phần Chánh Phủ, hoặc tự ý, hoặc sau khi có khuyến cáo của Quốc Hội.
ĐIỀU 59
1- Tổng Thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng Nghị Viện :
a- Các trưởng nhiệm sở ngoại giao.
b- Viện Trưởng các viện Đại Học.
2- Tổng Thống thay mặt Quốc Gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao.
3- Tổng Thống ký kết và sau khi được Quốc Hội phê chuẩn, ban hành các hiệp ước và hiệp định quốc tế.
ĐIỀU 60
Tổng Thống là Tổng Tư Lệnh tối cao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
ĐIỀU 61
1- Tổng Thống ban các loại huy chương.
2- Tổng Thống có quyền ân xá và ân giảm hình phạt các phạm nhân.
ĐIỀU 62
1- Tổng Thống hoạch định chánh sách quốc gia.
2- Tổng Thống chủ tọa Hội Đồng Tổng Trưởng.
ĐIỀU 63
1- Tổng Thống tiếp xúc với Quốc Hội bằng thông điệp. Vào mỗi khóa họp thường lệ và mỗi khi thấy cần, Tổng Thống thông báo cho Quốc Hội biết tình hình quốc gia và chánh sách đối nội, đối ngoại của Chánh Phủ.
2- Thủ Tướng và các nhân viên Chánh Phủ có thể tham dự các phiên họp của Quốc Hội hoặc của các Ủy Ban để trình bày và giải thích về các vấn đề liên quan đến chánh sách quốc gia và sự thi hành chánh sách quốc gia.
ĐIỀU 64
1- Trong các trường hợp đặc biệt, Tổng Thống có thể ký sắc luật tuyên bố tình trạng báo động, giới nghiêm hay khẩn trương trên một phần hay toàn lãnh thổ.
2- Quốc Hội phải được triệu tập chậm nhất mười hai (12) ngày kể từ ngày ban hành sắc luật để phê chuẩn, sửa đổi hoặc bải bỏ.
3- Trong trường hợp Quốc Hội bải bỏ hoặc sửa đổi sắc luật của Tổng Thống, các tình trạng đặc biệt đã được ban hành sẽ chấm dứt hoặc thay đổi hiệu lực.
ĐIỀU 65
Trong tình trạng chiến tranh không thể tổ chức bầu cử được, với sự chấp thuận của hai phần ba (2/3) tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ, Tổng Thống có quyền lưu nhiệm một số các cơ quan dân cử và bổ nhiệm một số tỉnh trưởng.
ĐIỀU 66
1- Phó Tổng Thống là Chủ tịch hội đồng văn hóa giáo dục, hội đồng kinh tế xã hội và hội đồng các Sắc Tộc thiểu số.
2- Phó Tổng Thống không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào khác trong Chánh phủ.
ĐIỀU 67
1- Thủ Tướng điều khiển Chánh Phủ và các cơ cấu hành chánh quốc gia.
2- Thủ Tướng chịu trách nhiệm về sự thi hành chánh sách quốc gia trước Tổng Thống.
ĐIỀU 68
1- Tổng Thống, Phó Tổng Thống và các nhân viên Chánh Phủ không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào thuộc lãnh vực tư, dù có thù lao hay không.
2- Trong mọi trường hợp người hôn phối của các vị này không được tham dự các cuộc đấu thầu hoặc kết ước với các cơ quan công quyền.
ĐIỀU 69
1- Hội Đồng An Ninh Quốc Gia có nhiệm vụ :
- Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng.
- Đề nghị các biện pháp thích ứng để duy trì an ninh quốc gia.
- Đề nghị tuyên bố tình trạng bắo động, giới nghiêm, khẩn trương hoặc chiến tranh.
- Đề nghị tuyên chiến hay nghị hòa.
2- Tổng Thống là Chủ Tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
ĐIỀU 70
1- Nguyên tắc địa phương phân quyền được công nhận cho các tập thể địa phương có tư cách pháp nhân như : xã, tỉnh, thị xã và thủ đô.
2- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành nền hành chánh địa phương.
ĐIỀU 71
1- Các cơ quan quyết định và các vị chỉ huy các cơ quan chấp hành các tập thể địa phương phân quyền sẽ do cử tri bầu lên theo lối phổ thông đầu phiếu trực tiếp và kín.
2- Riêng ở cấp xã, xã trưởng có thể do hội đồng xã bầu lên trong số các hội viên hội đồng xã.
ĐIỀU 72
Các vị chỉ huy các cơ quan chấp hành của các tập thể địa phương phân quyền là :
- Xã trưởng ở cấp xã.
- Tỉnh trưởng ở cấp tỉnh.
- Thị trưởng ở cấp thị xã
- Đô trưởng ở thủ đô.
ĐIỀU 73
Các cơ quan quyết nghị của các tập thể địa phương phân quyền là: Hội đồng Xã ở cấp Xã, Hội Đồng Tỉnh ở cấp Tỉnh; Hội đồng Thị xã ở cấp Thị xã; Hội đồng Đô thành ở Thủ đô.
ĐIỀU 74
Chánh Phủ bổ nhiệm bên cạnh các Đô Trưởng, Thị Trưởng, Xã Trưởng hai (2) viên chức có nhiệm vụ phụ tá về hành chánh và an ninh cùng các nhân viên hành chánh khác.
ĐIỀU 75
Nhân viên các cơ quan quyết nghị và các vị chỉ huy các cơ quan chấp hành của các tập thể địa phương phân quyền có thể bị Tổng Thống giải nhiệm trong trường hợp vi phạm Hiến Pháp, luật pháp quốc gia hay chánh sách quốc gia.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post