CHẾ ĐỊNH BẢO HIẾN Ở VƯƠNG QUỐC LIÊN HIỆP ANH VÀ BẮC IRELAND
Hệ thống pháp luật của
Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland là nguồn cội của dòng họ pháp luật
Common law. Theo đó, Nguồn luật của Anh gồm hai loại nguồn chính là luật
thành văn và luật bất thành văn. Luật thành văn là các đạo luật do nghị viện
và các văn bản phụ trợ do chính phủ ban hành. Luật bất thành văn gồm các tập
quán phổ biến từ thời thượng cổ và các tập quán hay luật lệ địa phương
Vương Quốc Liên Hiệp
Anh và Bắc Ireland không có Hiến pháp thành văn như đa số các quốc gia
khác. Những quy định thể hiện cơ bản của Hiến pháp ở Anh có thể tìm
thấy trong đặc quyền hoàng gia, trong một số truyền thống và ở
một số án lệ cũng như văn bản pháp luật do Nghị viện ban hành và gần đây
còn nằm trong cả một số đạo luật của Liên minh châu Âu. Magna Carta
năm 1215 được coi là bản Hiến pháp đầu tiên của Vương Quốc Liên Hiệp
Anh và Bắc Ireland, thừa nhận quyền con người, gồm bốn quyền năng chính: quyền
bình đẳng trước công lý, quyền được Tòa án xét xử trước khi bị bỏ
tù hoặc bị tước đoạt tài sản, quyền không bị phạt tiền đến mức phá sản,
quyền không bị tước đoạt kế sinh nhai. Hiện nay, một số đạo luật quan
trọng làm thành Hiến pháp Anh gồm: Luật quyền con người 1689, luật kế nghị ngai
vàng năm 1701, luật đình quyền giam giữ năm 1679, luật hợp nhất với
Scotland 1707 và gần đây là luật Cộng đồng châu Âu năm 1972.
Người Anh quan niệm
pháp luật là đại lượng của công bằng, công lý, vì thế pháp luật được hiểu không
những là những quy tắc bắt buộc thực hiện do các cơ quan nhà nước ban hành mà
còn là những quy tắc do cuộc sống và cộng đồng tạo lập nên, mặc dù trong pháp
luật thành văn không tìm thấy. Quan niệm mềm dẻo về pháp luật cho phép người
Anh thừa nhận các tập quán Hiến pháp. Theo đó, tập quán Hiến
pháp là những quy tắc mang tính bắt buộc đối với một số hành vi chính trị
được hình thành từ lâu trong đời sống chính trị. Do không có 1 văn bản Hiến
pháp nhất định như các nước khác, vì vậy ở Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc
Ireland không có cơ chế bảo hiến.