Hiến Pháp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 1982 - Chế Định Cơ Bản

Hiến Pháp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 1982

CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Thể chế nhà nước
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là nhà nước xã hội chủ nghĩa của chuyên chính dân chủ nhân dân, với nền tảng là liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ cơ bản của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Điều 2. Chính thể nhà nước
Tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua cơ quan đại diện là Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp địa phương.
Nhân dân dựa vào quy định pháp luật, thông qua cách thức và hình thức quản lý công việc nhà nước, quản lý các ngành kinh tế và văn hoá, quản lý công việc xã hội.
Điều 3. Nguyên tắc tập trung dân chủ
Các cơ quan nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội Đại biểu nhân dân các cấp đều chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
Cơ quan hành chính, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát đều do Đại hội Đại biểu nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm, và chịu sự giám sát của cơ quan này.
Sự phân cấp chức năng, quyền hạn của cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương phải tuân theo sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương dựa trên nguyên tắc phát huy đầy đủ tính chủ động, tích cực của địa phương.
Điều 4. Chính sách dân tộc
Các dân tộc đang sinh sống trên đất nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hoàn toàn bình đẳng. Nhà nước bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các dân tộc thiểu số, bảo vệ và phát triển sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị và áp bức dân tộc thiểu số, nghiêm cấm hành vi phá hoại sự đoàn kết, gây chia rẽ các dân tộc.
Nhà nước dựa vào đặc điểm và yêu cầu của các dân tộc thiểu số, giúp đỡ các khu vực dân tộc thiểu số nhanh chóng phát triển kinh tế và văn hoá.
Địa phương tập trung các dân tộc thiểu số sinh sống thực hiện chế độ khu tự trị, xây dựng cơ quan tự trị, thi hành quyền tự trị. Địa phương tự trị các dân tộc là bộ phận không thể tách rời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các dân tộc đều có quyền tự do sử dụng và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, có quyền tự do giữ gìn hoặc thay đổi phong tục tập quán của mình.
Điều 5. Sự tôn nghiêm và thống nhất của pháp chế
Nhà nước bảo vệ sự thống nhất và tôn nghiêm của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tất cả quy phạm pháp luật, văn bản pháp quy hành chính và văn bản pháp quy mang tính địa phương đều không được trái với hiến pháp.
Tất cả các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, các đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đều phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi vi phạm hiến pháp và pháp luật, đều bị truy cứu.
Hành vi của mọi tổ chức hoặc cá nhân đều không được vượt quá quy định của hiến pháp và pháp luật.
Điều 6. Chế độ công hữu và nguyên tắc phân phối theo lao động
Cơ sở của chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể quần chúng lao động.
Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa xoá bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động.
Điều 7. Kinh tế quốc doanh
Kinh tế quốc doanh là kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân xã hội chủ nghĩa, là lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhà nước bảo đảm sự ổn định và phát triển của kinh tế quốc doanh.
Điều 8. Kinh tế tập thể
Công xã nhân dân nông thôn, hợp tác sản xuất nông nghiệp và các hình thức hợp tác kinh tế khác như sản xuất, dịch vụ, tín dụng, tiêu dùng, là chế độ kinh tế tập thể của quần chúng lao động XHCN. Người lao động tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể nông thôn, có quyền kinh doanh trên đất phần trăm, diện tích rừng phần trăm, nghề phụ gia đình, trồng trọt chăn nuôi trong phạm vi quy định của pháp luật.
Các hình thức hợp tác kinh tế giữa các ngành công nghiệp thủ công, công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương nghiệp, dịch vụ.. .ở các thành phố thị trấn đều là kinh tế sở hữu tập thể quần chúng lao động xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức kinh tế tập thể ở thành phố, thị trấn, khuyến khích, chỉ đạo, và giúp đỡ việc phát triển kinh tế tập thể.
Điều 9. Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, nguồn nước, rừng, đồi núi, thảo nguyên, đất hoang, đầm lầy. đều thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân. Ngoài ra, các tài nguyên rừng, đồi núi, đồng cỏ, đất hoang do pháp luật quy định thuộc sở hữu tập thể.
Nhà nước bảo đảm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ động, thực vật quý hiếm. Nghiêm cấm mọi tổ chức hoặc cá nhân dùng bất cứ thủ đoạn nào chiếm đoạt hoặc phá hoại tài nguyên thiên nhiên.
Điều 10. Chế độ đất đai
Đất đai ở thành phố thuộc sở hữu nhà nước.
Đất đai ở nông thôn, ngoại ô thành phố, ngoài do pháp luật quy định thuộc sở hữu nhà nước, thì thuộc sở hữu tập thể, đất ở, đất phần trăm, diện tích đất đồi núi phần trăm đều thuộc sở hữu tập thể.
Nhà nước căn cứ vào nhu cầu lợi ích công cộng, có thể tiến hành trưng dụng đất đai theo quy định của pháp luật.
Mọi tổ chức hoặc cá nhân không được chiếm đoạt, mua bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng đất đai dưới các hình thức trái quy định pháp luật.
Mọi tổ chức và cá nhân phải sử dụng đất đai hợp lý.
Điều 11. Kinh tế phi công hữu
Kinh tế cá thể của người lao động thành phố thị trấn trong phạm vi quy định của pháp luật là sự bổ sung của kinh tế công hữu xã hội chủ nghĩa. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể.
Nhà nước quản lý hành chính, chỉ đạo, giúp đỡ và giám sát kinh tế cá thể.
Điều 12. Nguyên tắc không xâm phạm tài sản công cộng
Tuyệt đối không xâm phạm tài sản công hữu thiêng liêng xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước bảo vệ tài sản công xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi tổ chức hoặc cá nhân dùng bất cứ thủ đoạn nào chiếm đoạt hoặc phá hoại tài sản nhà nước và tập thể.
Điều 13. Bảo vệ tài sản thuộc sở hữu tư nhân
Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu nhà cửa và các tài sản được hình thành từ nguồn thu nhập và tích lũy hợp pháp của công dân.
Nhà nước dựa vào các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền thừa kế tư nhân về tài sản công dân.
Điều 14. Chế độ sản xuất, tích luỹ và tiêu dùng
Nhà nước thông qua việc nâng cao tính tích cực và trình độ kỹ thuật của người lao động, đay mạnh khoa học kỹ thuật tiên tiến, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế và chế độ quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện các hình thức chế độ trách nhiệm xã hội chủ nghĩa, cải tiến tổ chức lao động, không ngừng nâng cao sức sản xuất và hiệu quả kinh tế, phát triển sức sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhà nước thực hiện hợp lý việc tích luỹ và tiêu dùng, chú ý toàn diện đến lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, trên cơ sở phát triển sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và đời sống văn hoá của nhân dân.
Điều 15. Kinh tế kế hoạch
Nhà nước thực hiện kinh tế kế hoạch trên cơ sở công hữu xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thông qua cân bằng tổng hợp kinh tế kế hoạch và tác dụng bổ trợ của điều tiết thị trường, bảo đảm phát triển hài hoà kinh tế quốc dân.
Nghiêm cấm tất cả các tổ chức hoặc cá nhân làm xáo trộn trật tự xã hội, phá hoại kế hoạch kinh tế nhà nước.
Điều 16. Doanh nghiệp quốc doanh
Doanh nghiệp quốc doanh phục tùng sự lãnh đạo thống nhất của nhà nước và hoàn thành kế hoạch của nhà nước, có quyền tự chủ trong quản lý kinh doanh trong phạm vi quy định pháp luật.
Doanh nghiệp quốc doanh trên cơ sở quy định pháp luật, thực hiện quản lý dân chủ thông qua Đại hội Đại biểu công nhân viên chức và các hình thức khác.
Điều 17. Doanh nghiệp tập thể
Tổ chức kinh tế tập thể chịu sự chỉ đạo của kế hoạch nhà nước và tuân thủ pháp luật có liên quan, có quyền độc lập, tự chủ tiến hành các hoạt động kinh tế.
Theo quy định của pháp luật, tổ chức kinh tế tập thể quản lý người lao động dựa trên nguyên tắc dân chủ; người lao động có quyền bầu hoặc bãi miễn người quản lý, quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động quản lý kinh doanh.
Điều 18. Đầu tư nước ngoài
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc hoặc với các tổ chức kinh tế khác tiến hành các hình thức hợp tác kinh tế theo quy định của pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc doanh nghiệp liên doanh đều phải tuân thủ pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đều được pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bảo vệ.
Điều 19. Sự nghiệp giáo dục
Nhà nước phát triển sự nghiệp giáo dục xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ văn hoá, khoa học toàn dân.
Nhà nước thành lập các trường học, phổ cập giáo dục cấp tiểu học, phát triển giáo dục cấp trung học cơ sở, giáo dục dạy nghề và giáo dục phổ thông trung học, đồng thời phát triển giáo dục mầm non.
Nhà nước thực hiện phát triển các loại hình giáo dục, xoá mù chữ, tiến hành giáo dục chính trị, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ đối với công nhân, nông dân, công nhân viên chức nhà nước, và người lao động khác, khuyến khích nhân tài tự học.
Nhà nước khuyến khích tổ chức kinh tế tập thể, tổ chức đơn vị sự nghiệp nhà nước và các lực lượng xã hội khác xây dựng các loại hình giáo dục đào tạo theo quy định của pháp luật.
Nhà nước đay mạnh sử dụng phổ biến tiếng phổ thông trong phạm vi cả nước.
Điều 20. Sự nghiệp khoa học
Nhà nước phát triển khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, phổ cập tri thức khoa học và kỹ thuật, khuyến khích các thành quả nghiên cứu khoa học và sáng tạo phát minh kỹ thuật.
Điều 21. Sự nghiệp vệ sinh, y tế và giáo dục thể chất
Nhà nước phát triển sự nghiệp vệ sinh y tế, phát triển ngành y tế hiện đại và y học truyền thống, khuyến khích và ủng hộ các tổ chức kinh tế tập thể nông thôn, đơn vị kinh tế, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức dân phố (xã, phường) xây dựng cơ sở vệ sinh, y tế, triển khai hoạt động vệ sinh mang tính quần chúng, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Nhà nước phát triển sự nghiệp giáo dục thể chất, triển khai hoạt động thể chất quần chúng, tăng cường thể chất người dân.
Điều 22. Sự nghiệp văn hoá
Nhà nước phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, phát thanh truyền hình, xuất bản, phát hành, bảo tàng văn hoá, thư viện và các sự nghiệp văn hoá khác phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội, triển khai hoạt động văn hoá mang tính quần chúng.
Nhà nước bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hoá quý giá và các di sản văn hoá lịch sử quan trọng khác.
Điều 23. Tầng lớp trí thức
Nhà nước bồi dưỡng nhân tài, nhân viên chuyên nghiệp trên mọi lĩnh vực, đội ngũ tri thức, tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ tác dụng của họ trong sự nghiệp hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, phục vụ chủ nghĩa xã hội.
Điều 24. Xây dựng văn minh tinh thần
Nhà nước chú trọng phổ cập, giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức, giáo dục văn hoá, kỷ luật và giáo dục pháp chế, thông qua việc ban hành và chấp hành các quy tắc xử sự trong quần chúng ở phạm vi các thành phố, thị trấn, góp phần xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước nêu cao truyền thống yêu nước, dân tộc, yêu lao động, yêu khoa học, yêu chủ nghĩa xã hội, triển khai giáo dục sâu rộng trong nhân dân chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa cộng sản, tiến hành giáo dục chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, phản đối chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa phong kiến và tư tưởng lạc hậu khác.
Điều 25. Sinh đẻ kế hoạch
Nhà nước áp dụng sinh đẻ kế hoạch, điều chỉnh sự tăng trưởng dân số phù hợp với sự phát triển xã hội và kinh tế.
Điều 26. Đời sống, môi trường sinh thái
Nhà nước bảo vệ và cải thiện cuộc sống và môi trường sống, phòng chống ô nhiễm và các hoạt động công ích khác.
Nhà nước tổ chức và động viên việc trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng.
Điều 27. Chế độ cơ quan nhà nước và cán bộ viên chức
Tất cả các cơ quan nhà nước trên nguyên tắc tinh giản, thực hiện chế độ công tác trách nhiệm, thực hiện bồi dưỡng và thi sát hạch đối với cán bộ viên chức công tác trong bộ máy nhà nước, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, chống chủ nghĩa quan liêu.
Tất cả các cơ quan nhà nước và cán bộ công nhân viên chức nhà nước phải dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, thường xuyên bảo đảm mối liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến và kiến nghị của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và nỗ lực phục vụ nhân dân.
Điều 28. Bảo vệ trật tự xã hội
Nhà nước bảo vệ trật tự xã hội chủ nghĩa, trấn áp các hoạt động phản quốc và các hoạt động phản cách mạng khác, xử lý các hoạt động làm nguy hại đến trật tự trị an, phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa, và các hoạt động tội phạm khác, trừng trị và cải tạo các phần tử phạm tội.
Điều 29. Lực lượng vũ trang
Lực lượng vũ trang nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thuộc về nhân dân, với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân yêu chuộng hoà bình, tham gia vào sự nghiệp xây dựng đất nước, nỗ lực phục vụ nhân dân.
Nhà nước tăng cường xây dựng cách mạng hoá, hiện đại hoá, chính quy hoá lực lượng vũ trang, tăng cường lực lượng quốc phòng.
Điều 30. Khu vực hành chính
Các khu vực hành chính nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được phân định như sau:
1. Cả nước phân thành Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc.
2. Tỉnh, Khu tự trị phân thành Châu tự trị, Huyện, Huyện tự trị, Thành phố.
3. Huyện, Huyện tự trị phân thành Hương, Hương dân tộc, Trấn.
Thành phố trực thuộc và thành phố tương đối lớn phân thành Khu và Huyện. Châu tự trị phân thành Huyện, Huyện tự trị, Thành phố.
Khu tự trị, Châu tự trị, Huyện tự trị đều là tự trị dân tộc địa phương.
Điều 31. Khu vực hành chính đặc biệt
Nhà nước trong trường hợp cần thiết có thể thành lập khu hành chính đặc biệt. Trong khu hành chính đặc biệt thi hành chế độ căn cứ theo tình hình cụ thể do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc quy định theo pháp luật.
Điều 32. Chính sách bảo vệ đối với người nước ngoài
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài trong phạm vi biên giới nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, người nước ngoài trong lãnh thổ Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Người nước ngoài vì lý do chính trị có yêu cầu nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa cho cư trú, có thể được nhà nước bảo vệ quyền lợi.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post