Hiến Pháp Liên Bang Nga
1993
PHẦN MỘT
CHƯƠNG IV
TỔNG THỐNG LIÊN BANG NGA
Điều 80
1. Tổng thống Liên bang Nga là nguyên thủ quốc
gia.
2. Tổng thống Liên bang Nga là người bảo đảm
thực hiện Hiến pháp Liên bang Nga, cho các quyền và tự do của con người và công
dân. Theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga, Tổng thống thực thi các biện
pháp bảo vệ chủ quyền, sự độc lập và toàn vẹn của Liên bang Nga, bảo đảm sự
hoạt động hài hòa và mối quan hệ giữa các cơ quan quyền lực nhà nước.
3. Theo quy định của Hiến pháp Liên bang Nga
và các đạo luật liên bang, Tổng thống Liên bang Nga xác định những phương hướng
chính trong chính sách đối nội và đối ngoại của Liên bang Nga.
4. Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Tổng thống
Liên bang Nga đại diện cho Liên bang Nga ở trong nước và trong quan hệ quốc tế.
Điều 81
1. Tổng thống Liên bang Nga do
công dân Nga bầu bốn năm một lần(5) theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng,
trực tiếp và bỏ phiếu kín.
2. Để được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga,
công dân Nga phải đạt độ tuổi từ 35 trở lên và phải sống thường xuyên ở Liên
bang Nga không dưới 10 năm.
3. Một người không được làm Tổng thống Liên
bang Nga quá hai nhiệm kỳ liên tục.
4. Trình tự bầu Tổng thống Liên bang Nga do
đạo luật liên bang quy định.
Điều 82
1. Khi nhậm chức, Tổng thống Liên bang Nga
tuyên thệ như sau: “Tôi xin thề khi thực thi quyền hạn của Tổng thống Liên bang
Nga sẽ tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người và công dân, tuân
thủ và bảo vệ Hiến pháp Liên bang Nga, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và
toàn vẹn của quốc gia, trung thành phục vụ nhân dân”.
2. Lễ tuyên thệ phải được tiến hành trọng thể
với sự có mặt của các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Đuma Quốc gia,
các thẩm phán Toà án Hiến pháp Liên bang Nga.
Điều 83
Tổng thống Liên bang Nga có quyền:
a) Với sự đồng ý của Đuma Quốc gia, bổ nhiệm
Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga;
b) Chủ trì các phiên họp của Chính phủ Liên
bang Nga;
c) Quyết định về việc từ chức của Chính phủ
Liên bang Nga;
d) Giới thiệu trước Đuma Quốc gia ứng cử viên
để bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga; đặt vấn đề trước Đuma
Quốc gia về việc cho thôi làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương;
e) Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Liên
bang Nga, bổ nhiệm và cho thôi làm Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga và các
bộ trưởng liên bang;
f) Giới thiệu trước Hội đồng Liên bang các ứng
cử viên để bổ nhiệm các thẩm phán của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án
Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga, Viện trưởng Viện
kiểm sát Liên bang Nga; đặt vấn đề trước Hội đồng Liên bang về việc cho thôi
làm Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga; bổ nhiệm các thẩm phán của các toà
án cấp liên bang khác;
g) Thành lập và đứng đầu Hội đồng An ninh Liên
bang Nga với địa vị pháp lý do đạo luật liên bang quy định;
h) Phê chuẩn chủ thuyết quân sự của Liên bang
Nga;
i) Thành lập Văn phòng Tổng thống Liên bang
Nga;
k) Bổ nhiệm và cho thôi làm đại diện toàn
quyền của Tổng thống Liên bang Nga;
l) Bổ nhiệm và cho thôi làm Bộ Tổng tư lệnh
Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga;
m) Sau khi tham vấn các uỷ ban hoặc tiểu uỷ
ban thích hợp của hai viện Quốc hội Liên bang, bổ nhiệm và triệu hồi đại diện
ngoại giao của Liên bang Nga ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Điều 84
Tổng thống Liên bang Nga:
a) Ấn định bầu cử Đuma Quốc gia theo quy định
của Hiến pháp Liên bang Nga và đạo luật liên bang;
b) Giải tán Đuma Quốc gia trong những trường
hợp và theo trình tự do Hiến pháp Liên bang Nga quy định;
c) Ấn định trưng cầu ý dân theo trình tự do
đạo luật hiến pháp liên bang quy định;
d) Trình dự án luật cho Đuma Quốc gia;
e) Ký và công bố các đạo luật liên bang;
f) Đọc thông điệp hàng năm trước Quốc hội Liên
bang về tình hình đất nước, các phương hướng chính trong chính sách đối nội,
đối ngoại của quốc gia.
Điều 85
1. Tổng thống Liên bang Nga có thể sử dụng các
quy trình thương lượng để hoà giải những khác biệt giữa các cơ quan quyền lực
nhà nước của Liên bang Nga và các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể
Liên bang Nga, cũng như giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể
Liên bang Nga với nhau. Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, Tổng
thống có thể chuyển việc giải quyết tranh chấp cho toà án tương ứng.
Trước khi được xem xét bởi toà án, Tổng thống
Liên bang Nga có quyền đình chỉ hiệu lực của các văn bản do các cơ quan quyền
lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga ban hành, nếu các văn bản đó mâu
thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang, với các nghĩa vụ
quốc tế của Liên bang Nga, hoặc xâm phạm quyền và tự do của con người và công
dân.
Điều 86
Tổng thống Liên bang Nga:
a) Lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên bang
Nga;
b) Điều đình và ký kết các điều ước quốc tế
của Liên bang Nga;
c) Ký các chứng thư phê chuẩn;
d) Tiếp nhận quốc thư và thư triệu hồi của các
đại diện ngoại giao đã được uỷ nhiệm.
Điều 87
1. Tổng thống Liên bang Nga là Tổng Tư lệnh
tối cao các lực lượng vũ trang Liên bang Nga.
2. Trong trường hợp có hành động xâm lược hoặc
nguy cơ xâm lược trực tiếp, Tổng thống Liên bang Nga ban bố tình trạng có chiến
tranh trên lãnh thổ Liên bang Nga hoặc trên một phần lãnh thổ và thông báo ngay
cho Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia.
3. Tình trạng có chiến tranh do đạo luật hiến
pháp liên bang quy định.
Điều 88
Trong những trường hợp và theo trình tự do đạo
luật hiến pháp liên bang quy định, Tổng thống Liên bang Nga ban bố tình trạng
khẩn cấp trên lãnh thổ Liên bang Nga hoặc trên một phần lãnh thổ nhất định và
thông báo ngay cho Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia.
Điều 89
Tổng thống Liên bang Nga:
a) Quyết định các vấn đề về quốc tịch Liên
bang Nga và tị nạn chính trị;
b) Trao tặng thưởng quốc gia của Liên bang
Nga, các danh hiệu cao quý của Liên bang Nga, quân hàm cấp cao và các chức danh
cấp cao khác;
c) Thực hiện ân xá;
Điều 90
1. Tổng thống Liên bang Nga ban hành sắc lệnh
và chỉ thị.
2. Sắc lệnh và chỉ thị của Tổng thống Liên
bang Nga có hiệu lực bắt buộc trên toàn bộ lãnh thổ Liên bang Nga.
3. Sắc lệnh và chỉ thị của Tổng thống Liên
bang Nga không được trái với Hiến pháp Liên bang Nga và các đạo luật liên bang.
Điều 91
Tổng thống Liên bang Nga được hưởng quyền bất
khả xâm phạm.
Điều 92
1. Tổng thống Liên bang Nga bắt đầu thực thi
quyền hạn của mình từ thời điểm tuyên thệ và kết thúc nhiệm kỳ vào thời điểm
Tổng thống mới được bầu làm lễ tuyên thệ.
2. Tổng thống Liên bang Nga rời nhiệm sở trước
thời hạn trong trường hợp tự từ chức, khi không có khả năng thực thi quyền hạn
trong một thời gian dài vì sức khoẻ yếu, hoặc khi bị buộc từ chức. Trong các
trường hợp đó, cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga phải tiến hành không muộn
hơn ba tháng kể từ khi rời nhiệm sở trước thời hạn.
3. Trong các trường hợp Tổng thống không thể
thực thi quyền hạn của mình, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga sẽ tạm thời thay
thế. Người tạm quyền Tổng thống không có quyền giải tán Đuma Quốc gia, ấn định
trưng cầu ý dân, cũng như không được kiến nghị sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga.
Điều 93
1. Tổng thống Liên bang Nga có thể bị Hội đồng
Liên bang buộc từ chức chỉ khi có cáo buộc của Đuma Quốc gia về phản bội Tổ
quốc hoặc phạm trọng tội khác; cáo buộc này phải được Toà án Tối cao Liên bang
Nga xác nhận có các dấu hiệu phạm tội trong hành vi của Tổng thống Liên bang
Nga và phải được Toà án Hiến pháp Liên bang Nga kết luận đã tuân thủ thủ tục
đàn hạch.
2. Quyết định của Đuma Quốc gia về việc buộc
tội Tổng thống và quyết định của Hội đồng Liên bang về việc buộc thôi làm Tổng
thống phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu mỗi viện tán thành theo đề
nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia, và phải có kết
luận của một uỷ ban đặc biệt do Đuma Quốc gia thành lập.
3. Quyết định của Hội đồng Liên bang về việc
buộc Tổng thống từ chức phải được thông qua không muộn hơn ba tháng kể từ khi
Đuma Quốc gia buộc tội Tổng thống. Nếu trong thời hạn đó Hội đồng Liên bang
không thông qua quyết định, lời buộc tội coi như bị bãi bỏ.