HIẾN
PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1967
CHƯƠNG V: Tư Pháp
ĐIỀU 76
1- Quyền Tư Pháp độc lập, được ủy nhiệm cho Tối Cao Pháp Viện và
được hành xử bởi các Thẩm Phán xử án.
2- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành ngành Tư Pháp.
ĐIỀU 77
Mọi Tòa Án phải do một đạo luật thiết lập với một thành phần Thẩm
Phán xử án và Thẩm Phán công tố chuyên nghiệp và theo một thủ tục tôn trọng
quyền biện hộ.
ĐIỀU 78
1- Thẩm Phán xử án và Thẩm Phán công tố được phân nhiệm rõ rệt và
có qui chế riêng biệt.
2- Thẩm Phán xử án quyết định theo lương tâm và pháp luật dưới sự
kiểm soát của Tối Cao Pháp Viện.
3- Thẩm Phán công tố theo dõi sự áp dụng luật pháp để bảo vệ trật
tự công cộng dưới sự kiểm soát của Bộ Tư Pháp.
ĐIỀU 79
Thẩm Phán xử án chỉ có thể bị giải nhiệm trong trường hợp bị kết
án, vi phạm kỷ luật hay bất lực về tinh thần hoặc thể chất.
ĐIỀU 80
1- Tối Cao Pháp Viện gồm từ chín (9) đến mười lăm (15) Thẩm Phán.
Tối Cao Pháp Viện do Quốc Hội tuyển chọn và Tổng Thống bổ nhiệm theo một danh
sách ba mươi (30) người do Thẩm Phán Đoàn, Công Tố Đoàn và Luật Sư Đoàn bầu
lên.
2- Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện phải là những Thẩm Phán hay Luật Sư
đã hành nghề ít nhất mười (10) năm trong ngành Tư Pháp.
3- Nhiệm kỳ của Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện là sáu (6) năm.
4- Thành phần cử tri thuộc Thẩm Phán Đoàn, Công Tố Đoàn và Luật Sư
Đoàn phải đồng đều.
5- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành Tối Cao Pháp
Viện.
ĐIỀU 81
1- Tối Cao Pháp Viện có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp, phán
quyết về tánh cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tánh
cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh.
2- Tối Cao Pháp Viện có thẩm quyền phán quyết về việc giải tán một
chánh đảng có chủ trương và hành động chống lại chánh thể Cộng Hòa.
3- Trong trường hợp này, Tối Cao Pháp Viện sẽ họp khoáng đại toàn
viện, các đại diện Lập Pháp hoặc Hành Pháp có thể tham dự để trình bày quan
điểm.
4- Những quyết định của Tối Cao Pháp Viện tuyên bố một đạo luật
bất hợp hiến hoặc giải tán một chánh đảng phải hội đủ đa số ba phần tư (3/4)
tổng số Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện.
ĐIỀU 82
Tối Cao Pháp Viện có thẩm quyền phán quyết về các vụ thượng tố các
bản án chung thẩm.
ĐIỀU 83
Tối Cao Pháp Viện có ngân sách tự trị và có quyền lập qui để quản
trị ngành Tư Pháp.
ĐIỀU 84
1- Hội Đồng Thẩm Phán có nhiệm vụ :
- Đề nghị bổ nhiệm, thăng thưởng, thuyên chuyển và chế tài về kỷ
luật các Thẩm Phán xử án.
- Cố vấn Tối Cao Pháp Viện về các vấn đề liên quan đến ngành Tư
Pháp.
3- Hội Đồng Thẩm Phán gồm các Thẩm Phán xử án do các Thẩm Phán xử
án bầu lên.
4- Một đạo luật sẽ qui định sự tổ chức và điều hành Hội Đồng Thẩm
Phán.