Hiến Pháp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 1982 - Tu Chính Hiến Pháp

Hiến Pháp Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 1982


CÁC LẦN SỬA ĐỔI CỦA HIẾN PHÁP
NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
NĂM 1988
(Hội nghị lần thứ nhất, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khoá 7 ngày 12 tháng 4 năm 1988. Công báo số 8 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 12 tháng 4 năm 1988 công bố thi hành)
Điều 1. Địa vị và quản lý kinh tế tư nhân.
Điều 11 Hiến pháp thêm quy định: “ Nhà nước cho phép kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển trong phạm vi quy định của pháp luật. Kinh tế tư nhân là sự bổ sung của chế độ kinh tế XHCN. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế tư nhân, tiến hành chỉ đạo, giám sát và quản lý đối với kinh tế tư nhân”.
Điều 2. Chuyển nhượng quyền thuê, cho thuê và sử dụng đất đai
Khoản 4 Điều 10 Hiến pháp quy định “Mọi tổ chức hoặc cá nhân không được chiếm đoạt, mua bán, cho thuê hoặc chuyển nhượng đất đai dưới các hình thức trái pháp luật.” Nay sửa thành “ Mọi tổ chức, cá nhân không được chiếm hữu, mua bán hoặc các hình thức chuyển nhượng đất đai trái pháp luật. Quyền sử dụng đất có thể được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật”.
NĂM 1993
(Hội nghị lần thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 8 ngày 29 tháng 3 năm 1993 thông qua. Công báo Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 8 ngày 29 tháng 3 năm 1993 công bố thi hành).
Điều 3. Nhiệm vụ và mục tiêu của giai đoạn đầu
Hai câu sau của phần cuối đoạn 7 Lời tựa Hiến pháp viết: “Từ nay về sau, nhiệm vụ căn bản của nước ta là tập trung lực lượng tiến hành xây dựng hiện đại ho á XHCN. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, với sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Mao Trạch Đông kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì con đường XHCN, kiên trì cải cách đổi mới, không ngừng hoàn thiện các mặt của chế độ XHCN, phát triển dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, tự lực cánh sinh, gian khổ phấn đấu từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật, xây dựng đất nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, dân chủ văn minh.”
Nay sửa thành: “Nước ta đang ở vào giai đoạn đầu XHCN. Nhiệm vụ căn bản của nhà nước là, căn cứ vào lý luận xây dựng XHCN đặc sắc Trung Quốc, tập trung lực lượng tiến hành xây dựng hiện đại XHCN. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì con đường XHCN, kiên trì cải cách mở cửa, không ngừng hoàn thiện các chế độ của CNXH, phát triển dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, tự lực cánh sinh, gian khổ đấu tranh, từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật, xây dựng nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh”.
Điều 4. Chế độ chính đảng
Phần cuối đoạn 10 trong lời tựa Hiến pháp thêm: “Chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tồn tại và phát triển lâu dài”.
Điều 5. Kinh tế quốc hữu
Điều 7 Hiến pháp quy định: “Kinh tế quốc doanh là kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân xã hội chủ nghĩa, là lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhà nước bảo đảm củng cố và phát triển kinh tế quốc doanh.” Nay sửa thành: “Kinh tế quốc hữu là thể chế kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân XHCN, là lực lượng chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhà nước bảo đảm củng cố và phát triển kinh tế quốc doanh.”
Điều 6. Hình thức tổ chức kinh tế nông thôn
Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp quy định: Công xã nhân dân nông thôn, hợp tác sản xuất nông nghiệp và các hình thức hợp tác kinh tế khác như sản xuất, cung tiêu, tín dụng, tiêu dùng, là kinh tế tập thể quần chúng lao động XHCN. Người lao động tham gia kinh tế tập thể nông thôn, có quyền kinh doanh trên đất phần trăm, diện tích rừng phần trăm, nghề phụ gia đình, trồng trọt chăn nuôi trong phạm vi quy định của pháp luật. Nay sửa thành: “Chế độ trách nhiệm trong nhận thầu sản xuất hộ gia đình và các hình thức hợp tác kinh tế sản xuất, cung tiêu, tín dụng, tiêu thụ… ở nông thôn là kinh tế tập thể quần chúng lao động XHCN. Người lao động tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn có quyền kinh doanh trên đất phần trăm, diện tích rừng phần trăm, các nghề phụ gia đình và chăn nuôi trồng trọt trong phạm vi quy định của pháp luật”.
Điều 7. Kinh tế thị trường
Điều 15 Hiến pháp quy định: “Nhà nước thực hiện kinh tế kế hoạch trên cơ sở công hữu xã hội chủ nghĩa. Nhà nước thông qua cân bằng tổng hợp kinh tế kế hoạch và tác dụng bổ trợ của điều tiết thị trường, bảo đảm kinh tế quốc dân phát triển hài hoà.” “Nghiêm cấm mọi tổ chức hoặc cá nhân làm đảo lộn trật tự kinh tế xã hội”. Nay sửa lại: “Nhà nước thực hiện kinh tế thị trường XHCN.” “Nhà nước tăng cường hoạt động lập pháp trong quản lý kinh tế, hoàn thiện khống chế, điều tiết vĩ mô.” “Nhà nước nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân làm xáo trộn trật tự kinh tế xã hội theo quy định của pháp luật”.
Điều 8. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh
Điều 16 Hiến pháp quy định: “Doanh nghiệp quốc doanh phục tùng sự lãnh đạo thống nhất của nhà nước và hoàn thành kế hoạch nhà nước, có quyền tự chủ trong quản lý kinh doanh theo quy định pháp luật.” “Doanh nghiệp quốc doanh thông qua Đại hội Đại biểu công nhân viên chức và các hình thức khác thực hiện quản lý dân chủ trên cơ sở quy định pháp luật.” Nay sửa lại:“Doanh nghiệp quốc doanh có quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ quy định pháp luật”. “Doanh nghiệp quốc doanh thực hiện quản lý dân chủ theo quy định của pháp luật, thông qua Đại hội Đại biểu công nhân viên chức và các hình thức khác.”
Điều 9. Tổ chức và kinh doanh của kinh tế tập thể
Điều 17 Hiến pháp quy định: “Tổ chức kinh tế tập thể ngoài chịu sự chỉ đạo của kế hoạch nhà nước và tuân thủ pháp luật có liên quan, có quyền độc lập, tự chủ tiến hành các hoạt động kinh tế.” “Tổ chức kinh tế tập thể thực hiện quản lý dân chủ trên cơ sở quy định của pháp luật, người quản lý do toàn thể người lao động của đơn vị bầu ra hoặc bãi miễn, quyết định những vấn đề quan trọng trong quản lý kinh doanh.” Nay sửa lại “Tổ chức kinh tế tập thể tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, có quyền tự chủ, độc lập tiến hành các hoạt động kinh doanh.” “Tổ chức kinh tế tập thể thực hiện quản lý dân chủ, bầu và bãi miễn người quản lý theo quy định của pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý kinh doanh.”
Điều 10. Lao động và người lao động
Khoản 3 điều 42 Hiến pháp quy định: “Lao động là trách nhiệm vinh quang của tất cả công dân có đầy đủ năng lực lao động. Người lao động trong doanh nghiệp quốc doanh và tổ chức kinh tế tập thể ở thành phố thị trấn phải có thái độ người làm chủ quốc gia đối với lao động của chính mình. Nhà nước phát động thi đua, khen thưởng với các điển hình lao động và cá nhân lao động tiên tiến XHCN. Nhà nước phát động nghĩa vụ lao động việc làm đối với công dân.” Nay sửa thành: “Lao động là trách nhiệm quang vinh của tất cả công dân có đủ năng lực lao động. Người lao động trong doanh nghiệp quốc hữu và tổ chức kinh tế tập thể thành thị nông thôn phải có thái độ làm chủ đất nước với lao động của chính mình. Nhà nước phát động thi đua, khen thưởng với các điển hình lao động và cá nhân lao động tiên tiến XHCN. Nhà nước phát động nghĩa vụ lao động việc làm đối với công dân.”
Điều 11. Nhiệm kỳ của cơ quan quyền lực địa phương
Điều 98 Hiến pháp quy định: “Đại hội Đại biểu nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc, Thành phố thành lập Khu có nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội Đại biểu nhân dân Huyện, Thành phố không không thành lập Khu, Khu trực thuộc thành phố, Hương, Hương dân tộc, Trấn có nhiệm kỳ 3 năm.”Nay sửa thành: “Đại hội Đại biểu nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc, Huyện, Thành phố, Khu trực thuộc thành phố có nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội Đại biểu nhân dân Hương, Hương dân tộc, Trấn có nhiệm kỳ 3 năm.”
NĂM 1999
(Hội nghị lần thứ 2, Đại hội Đại biểu toàn quốc khoá 9 ngày 15 tháng 3 năm 1999 thông qua, Công báo của Đại hội Đại biểu toàn quốc khoá 9 ngày 15 tháng 3 năm 1999 công bố thi hành).
Điều 12. Các mục tiêu và nhiệm vụ căn bản trong giai đoạn đầu CNXH
Đoạn thứ 7 lời tựa Hiến pháp viết: “Sự thắng lợi của cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới Trung Quốc và những thành tựu của sự nghiệp XHCN do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Mác Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông kiên trì chân lý, sửa chữa sai lầm, gian khổ chiến đấu và giành được thắng lợi. Nước ta đang ở giai đoạn đầu XHCN. Nhiệm vụ căn bản của nhà nước là căn cứ vào lý luận xây dựng XHCN đặc sắc Trung Quốc, tập trung lực lượng tiến hành xây dựng hiện đại XHCN. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì con đường XHCN, kiên trì cải cách mở cửa, không ngừng hoàn thiện các chế độ của CNXH, phát triển dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, tự lực cánh sinh, gian khổ đấu tranh, từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật, xây dựng nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh.” Nay sửa thành: “Thắng lợi của cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới Trung Quốc và thành tựu của sự nghiệp XHCN, là do nhân dân các dân tộc Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lê nin và tư tưởng Mao Trạch Đông, kiên trì chân lý, sửa chữa sai lầm, chiến thắng nhiều khó khăn hiểm nguy giành được thắng lợi. Nước ta sẽ ở trong giai đoạn đầu XHCN lâu dài, nhiệm vụ căn bản của nhà nước là đi theo con đường xây dựng CNXH có đặc sắc Trung Quốc, tập trung lực lượng tiến hành xây dựng hiện đại hoá XHCN. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc sẽ tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vận dụng chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì con đường XHCN, kiên trì cải cách mở cửa, không ngừng hoàn thiện các chế độ XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường XHCN, phát triển dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, tự lực cánh sinh, gian khổ phấn đấu, từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật, xây dựng nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh.”
Điều 13. Mục tiêu của việc xây dựng pháp chế
Điều 5 Hiến pháp bổ sung thêm 1 khoản trở thành khoản 1 quy định: “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp trị XHCN.”
Điều 14. Hình thức sở hữu và chế độ phân phối
Điều 6 Hiến pháp quy định: “Cơ sở của chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa tư liệu sản xuất, gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể quần chúng lao động.” “Chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa xoá bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động.” Nay sửa thành: “Cơ sở của chế độ kinh tế XHCN của nước Cộng hoà
nhân dân Trung Hoa là chế độ công hữu XHCN tư liệu sản xuất với chế độ sở hữu toàn dân và chế độ sở hữu tập thể của người lao động. Chế độ công hữu XHCN xoá bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện nguyên tắc làm theo năng lực hưởng theo lao động.” “Nhà nước ở trong giai đoạn đầu của CNXH, kiên trì chế độ kinh tế cơ bản với công hữu làm chủ thể và các hình thức kinh tế khác cùng phát triển, kiên trì chế độ phân phối theo lao động là chính, và chế độ phân phối với các hình thức phân phối đa dạng khác cùng tồn tại.”
Điều 15. Hình thức tổ chức kinh tế nông thôn
Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp quy định: “Chế độ trách nhiệm trong nhận thầu sản xuất hộ gia đình và các hình thức hợp tác kinh tế sản xuất, cung tiêu, tín dụng, tiêu thụ… ở nông thôn là kinh tế tập thể quần chúng lao động XHCN. Người lao động tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể nông thôn có quyền kinh doanh trên đất phần trăm, diện tích rừng phần trăm, các nghề phụ gia đình và chăn nuôi trồng trọt trong phạm vi quy định của pháp luật”. Nay sửa lại: “Tổ chức kinh tế tập thể nông thôn thực hiện thể chế kinh doanh đa tầng trên cơ sở nhận thầu kinh doanh ở gia đình, kết hợp thống nhất và phân chia. Các hình thức hợp tác kinh tế nông thôn như: sản xuất, cung tiêu, tín dụng, tiêu dùng là chế độ kinh tế tập thể XHCN quần chúng lao động. Người lao động tham gia vào tổ chức kinh tế tập thể nông thôn có quyền kinh doanh trên đất phần trăm, diện tích rừng phần trăm, nghề phụ gia đình, chăn nuôi trồng trọt theo quy định của pháp luật.”
Điều 16. Địa vị và quản lý kinh tế phi công hữu
Điều 11 Hiến pháp quy định: “Kinh tế cá thể của người lao động thành phố thị trấn trong phạm vi quy định của pháp luật là sự bổ sung của kinh tế công hữu xã hội chủ nghĩa. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể.” “Nhà nước quản lý hành chính, chỉ đạo, giúp đỡ và giám sát kinh tế cá thể” “Nhà nước cho phép kinh tế tư nhân tồn tại và phát triển trong phạm vi quy định của pháp luật. Kinh tế tư nhân là sự bổ sung chế độ kinh tế XHCN. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế tư nhân, tiến hành chỉ đạo, giám sát và quản lý đối với kinh tế tư nhân” Nay sửa thành: “Kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân, kinh tế phi công hữu trong phạm vi quy định của pháp luật là một bộ phận hợp thành quan trọng của kinh tế thị trường XHCN.” “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân. Nhà nước thực hiện sự chỉ đạo, giám sát và quản lý đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân.”
Điều 17. Chế tài phạm tội, bảo vệ trật tự XHCN
Điều 28 Hiến pháp quy định: “Nhà nước bảo vệ trật tự xã hội chủ nghĩa, trấn áp các hoạt động phản quốc và các hoạt động phản cách mạng khác, xử lý các hoạt động làm nguy hại đến trật tự trị an, phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa, và các hoạt động tội phạm khác, trừng trị và cải tạo các phần tử phạm tội.” Nay sửa thành: “Nhà nước bảo vệ trật tự XHCN, trấn áp các hoạt động phản quốc và các hoạt động tội phạm nguy hại đến an ninh quốc gia, xử lý hoạt động phạm tội nguy hại đến trật tự trị an, phá hoại kinh tế XHCN và các hoạt động tội phạm khác, trừng trị và cải tạo phần tử phạm tội.”
NĂM 2004
(Hội nghị lần thứ 2 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 10 ngày 14 tháng 3 năm 2004. Công báo của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 14 tháng 3 năm 2004 công bố thi hành)
Điều 18. Trong đoạn 7 Lời tựa Hiến pháp viết: “dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông” sửa thành “dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, “đi theo con đường xây dựng XHCN có đặc sắc Trung Quốc”, sửa thành “đi theo con đường XHCN đặc sắc Trung Quốc”, sau đoạn “từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, khoa học kỹ thuật” tăng thêm “đẩy mạnh việc phát triển văn minh vật chất, văn minh chính trị và văn minh tinh thần”. Như vậy, đoạn này sửa thành “sự thắng lợi của cách mạng chủ nghĩa dân chủ mới và các thành tựu của sự nghiệp XHCN là do nhân dân các dân tộc Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cùng với chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, kiên trì chân lý, sửa chữa sai lầm, chiến thắng nhiều khó khăn nguy hiểm giành được. Nước ta sẽ ở trong thời kỳ đầu XHCN một thời gian dài. Nhiệm vụ căn bản của nước ta là đi theo con đường XHCN đặc sắc Trung Quốc, tập trung lực lượng tiến hành xây dựng hiện đại hoá XHCN. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì con đường XHCN, kiên trì cải cách mở cửa, không ngừng hoàn thiện các chế độ XHCN, phát triển kinh tế thị trường XHCN, phát triển dân chủ XHCN, kiện toàn pháp chế XHCN, tự lực cánh sinh, gian khổ đấu tranh, từng bước thực hiện hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật, đay mạnh phát triển văn minh vật chất, văn minh chính trị và văn minh tinh thần, xây dựng nước ta thành một nước XHCN giàu mạnh, dân chủ văn minh.”
Điều 19. Hai câu trong đoạn 10 Lời tựa Hiến pháp viết: “Trong quá trình lâu dài của cách mạng và xây dựng đã kết thành một khối gồm các đảng phái dân chủ và các đoàn thể nhân dân tham gia, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm toàn thể nhân dân lao động XHCN, người yêu nước XHCN và trận tuyến thống nhất của đông đảo người yêu nước ủng hộ. Trận tuyến thống nhất tiếp tục được củng cố và phát triển.” Nay sửa lại: “trong quá trình xây dựng và cách mạng lâu dài, đã kết thành một khối gồm các đảng phái dân chủ và các đoàn thể nhân dân tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm toàn thể người lao động XHCN, người xây dựng sự nghiệp XHCN, người yêu nước XHCN và trận tuyến thống nhất của đông đảo người yêu nước ủng hộ. Trận tuyến thống nhất tiếp tục được củng cố và phát triển.”
Điều 20. Khoản 3 Điều 10 Hiến pháp quy định: “Nhà nước có thể tiến hành trưng dụng đất đai theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích công cộng.” Nay sửa thành: “Nhà nước có thể tiến hành trưng thu hoặc trưng dụng có bồi thường đối với đất đai theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích công cộng.”
Điều 21. Khoản 2 điều 11 Hiến pháp “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân. Nhà nước thực hiện sự chỉ đạo, giám sát và quản lý đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân.” Nay sửa thành “Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế phi công hữu khác. Nhà nước cổ vũ, ủng hộ và chỉ đạo kinh tế phi công hữu phát triển, và thực hiện giám sát và quản lý đối với kinh tế phi công hữu theo quy định pháp luật.”
Điều 22. Điều 13 Hiến pháp quy định “Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu thu nhập, tích luỹ, nhà cửa và các tài sản hợp pháp khác của công dân.” “Nhà nước dựa vào các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền thừa kế tư nhân về tài sản công dân.” Nay sửa thành “Quyền tư hữu về tài sản hợp pháp của công dân là bất khả xâm phạm”. “Nhà nước bảo hộ quyền tư hữu về tài sản và quyền thừa kế của công dân theo quy định của pháp luật”. “Nhà nước có thể tiến hành trưng thu hoặc trưng dụng có bồi thường đối với tài sản tư hữu của công dân theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích công cộng.”
Điều 23. Điều 14 Hiến pháp tăng thêm 1 khoản, thành khoản 4: “Nhà nước xây dựng kiện toàn chế độ bảo đảm xã hội tương ứng với trình độ phát triển kinh tế.”
Điều 24. Điều 33 Hiến pháp tăng thêm 1 khoản, thành khoản 3: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm nhân quyền.” Khoản 3 tương ứng trở thành khoản 4.
Điều 25. Khoản 1 điều 59 Hiến pháp quy định “Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc do đại biểu các Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc và quân đội hợp thành. Tất cả các dân tộc thiểu số đều có tỷ lệ đại biểu tương ứng.” Nay sửa thành: “Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc do đại biểu các Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc, Khu hành chính đặc biệt và quân đội hợp thành. Tất cả các dân tộc thiểu số đều có tỉ lệ đại biểu tương ứng.”
Điều 26. Điều 67 Hiến pháp quy định “chức năng quyền hạn thứ 20 của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc là quyết định giới nghiêm toàn quốc hoặc tỉnh đặc biệt, khu tự trị, thành phố trực thuộc nay sửa thành (chức năng quyền hạn thứ 20) quyết định toàn quốc hoặc 1 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc rơi vào tình trạng khan cấp.”
Điều 27. Điều 80 Hiến pháp viết: “Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa căn cứ theo quyết định của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc và quyết định của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền công bố pháp luật, bãi miễn Thủ tướng Quốc Vụ viện, Phó thủ tướng, Uỷ viên Quốc Vụ viện, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban, Tổng Kiểm toán, Trưởng Ban Thư ký, trao tặng các huân chương và danh hiệu danh dự, công bố lệnh đặc xá, công bố lệnh giới nghiêm, tuyên bố tình trạng chiến tranh, tuyên bố lệnh động viên.” Nay sửa thành “Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa căn cứ theo quyết định của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, quyết định của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc công bố pháp luật, miễn nhiệm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, uỷ viên Quốc Vụ viện, các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Uỷ ban, Tổng kiểm toán, Trưởng ban thư ký, phong tặng huân chương nhà nước và các danh hiệu danh dự, công bố lệnh đặc xá, tuyên bố đất nước rơi vào tình trạng khan cấp, tuyên bố tình trạng chiến tranh, phát lệnh tổng động viên.”
Điều 28. Điều 81 Hiến pháp quy định: “Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đại diện cho nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tiếp nhận Đại sứ nước ngoài; căn cứ vào quyết định của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, phái và triệu hồi Đại sứ toàn quyền tại nước ngoài, phê chuan hoặc bãi bỏ các điều ước hoặc hiệp định quan trọng với nước ngoài.” Nay sửa thành: “Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đại diện cho nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trong các hoạt động đối nội, tiếp nhận Đại sứ nước ngoài; căn cứ vào quyết định của Uỷ ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc phái hoặc triệu hồi đại sứ tại nước ngoài, phê chuẩn hoặc bãi bỏ điều ước hoặc hiệp định quan trọng ký với nước ngoài.”
Điều 29. Điều 89 Hiến pháp quy định chức năng quyền hạn thứ 16 của Quốc Vụ viện quyết định lệnh giới nghiêm trong phạm vi nội bộ của Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc. Nay sửa thành : “chức năng quyền hạn thứ 16 là quyết định tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật đối với Tỉnh, Khu tự trị, Thành phố trực thuộc.”
Điều 30. Điều 98 Hiến pháp quy định “Đại hội Đại biểu nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc, Huyện, Thành phố, Khu trực thuộc thành phố có nhiệm kỳ 5 năm. Đại hội Đại biểu nhân dân Hương, Hương dân tộc, Trấn có nhiệm kỳ 3 năm.” Nay sửa thành: “Nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu nhân dân cấp địa phương là 5 năm”.
Điều 31. Chương 4 Hiến pháp “Quốc kỳ, quốc huy, thủ đô” sửa thành “Quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, thủ đô”. Điều 136 Hiến pháp tăng thêm 1 khoản, trở thành khoản 2: “Quốc ca của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là ca khúc “Nghĩa dũng quân, tiến lên”.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post