HIẾN PHÁP CỘNG HÒA BA LAN
1997
Chương VII:
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 163
Chính quyền địa phương thực
hiện các công vụ không được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật về các cơ
quan khác của Nhà nước.
Điều 164
1. Cấp xã [gmina] là đơn vị cơ
sở của chính quyền địa phương.
2. Các đơn vị khác của chính
quyền địa phương và/hoặc chính quyền vùng sẽ do luật định.
3. Cấp xã thực hiện tất cả các
nhiệm vụ của chính quyền địa phương mà không được quy định cho các đơn vị khác
của chính quyền địa phương.
Điều 165
1. Các đơn vị của chính quyền
địa phương có tư cách pháp nhân. Các đơn vị này có quyền sở hữu và các quyền tài
sản khác.
2. Tính tự quản của các đơn vị
của chính quyền địa phương được tòa án bảo vệ.
Điều 166
1. Các nhiệm vụ công nhằm đáp
ứng nhu cầu của một cộng đồng dân cư tự quản sẽ được các đơn vị của chính quyền
địa phương thực hiện như là nhiệm vụ trực tiếp của mình.
2. Trong trường hợp cần thiết
phải giải quyết các yêu cầu cơ bản của Nhà nước, một đạo luật có thể quy định
yêu cầu các đơn vị của chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ công khác.
Phương thức chuyển đổi và cách thức thực hiện nhiệm vụ được phân công sẽ do
luật định.
3. Các tòa án hành chính có
nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các đơn vị của chính
quyền địa phương và các cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 167
1. Các đơn vị của chính quyền
địa phương sẽ được bảo đảm khoản ngân sách phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ
được phân công.
2. Ngân sách của các đơn vị của
chính quyền địa phương bao gồm nguồn thu của chính các đơn vị cũng như các
khoản hỗ trợ và tài trợ nhất định từ Ngân sách Nhà nước.
3. Các nguồn ngân sách cho các
đơn vị của chính quyền địa phương sẽ do luật định.
4. Những thay đổi về phạm vi
nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị của chính quyền địa phương sẽ được đưa ra
cùng với những thay đổi thích hợp về việc phân chia ngân sách công của các đơn
vị.
Điều 168
Trong phạm vi do luật định, các
đơn vị của chính quyền địa phương có quyền đặt ra mức thuế và các khoản thu ở
địa phương.
Điều 169
1. Các đơn vị của chính quyền
địa phương thực hiện trách nhiệm của mình thông qua các cơ quan quyền lực và cơ
quan điều hành.
2. Việc bầu cử các cơ quan
quyền lực là phổ thông, trực tiếp, công bằng và được tiến hành bằng cách bỏ
phiếu kín. Các nguyên tắc và thủ tục đề cử ứng cử viên và tiến hành bầu cử,
cũng như các yêu cầu về tính hợp lệ của cuộc bầu cử, sẽ do luật định.
3. Các nguyên tắc và thủ tục
bầu và miễn nhiệm các cơ quan điều hành của chính quyền địa phương sẽ do luật
định.
4. Cơ cấu tổ chức các đơn vị
của chính quyền địa phương sẽ do cơ quan quyền lực của đơn vị chính quyền đó
quy định trong phạm vi luật định.
Điều 170
Người dân trong cộng đồng dân
cư tự quản có thể quyết định những vấn đề liên quan đến cộng đồng, bằng việc
trưng cầu ý dân, bao gồm cả việc miễn nhiệm một cơ quan của chính quyền địa
phương đã được thành lập do bầu cử trực tiếp. Các nguyên tắc và thủ tục tiến
hành trưng cầu ý dân ở địa phương sẽ do luật định.
Điều 171
1. Tính hợp pháp của các hoạt
động của chính quyền địa phương sẽ được giám sát.
2. Các cơ quan thực hiện việc
xem xét lại các hoạt động của các đơn vị của chính quyền địa phương gồm: Thủ
tướng và các Tỉnh trưởng, và các văn phòng kiểm toán khu vực đối với các vấn đề
về tài chính.
3. Theo đề nghị của Thủ tướng,
Hạ nghị viện có thể giải tán cơ quan quyền lực của chính quyền địa phương nếu
cơ quan này vi phạm một cách rõ ràng Hiến pháp hoặc luật.
Điều 172
1. Các đơn vị của chính quyền
địa phương có quyền hợp tác.
2. Đơn vị của chính quyền địa
phương có quyền tham gia các hiệp hội quốc tế của các cộng đồng dân cư địa
phương và khu vực cũng như hợp tác với cộng đồng dân cư địa phương và khu vực
của nước khác.
3. Các nguyên tắc chi phối việc
thực hiện các quyền của các đơn vị của chính quyền địa phương quy định tại các
khoản 1 và 2 sẽ do luật định.