HIẾN PHÁP ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA VIỆT
NAM 1956
THIÊN THỨ BA: TỔNG THỐNG
Điều 30
Tổng thống được bầu theo lối
đầu phiếu phổ thông trực tiếp và kín, trong một cuộc tuyển cử mà cử tri toàn
quốc được tham gia. Một đạo luật sẽ quy định thể thức bầu cử Tổng thống.
Phó Tổng thống được bầu một lần
với Tổng thống chung một danh sách.
Điều 31
Có quyền ứng cử Tổng thống và
Phó Tổng thống những công dân hội đủ các điều kiện sau đây:
1. Sinh trên lãnh thổ Việt Nam và
có quốc tịch Việt Nam liên tục từ khi mới sinh, hoặc đã hồi phục Việt tịch
trước ngày ban hành Hiến pháp.
2. Cư ngụ trên lãnh thổ Quốc gia
một cách liên tục hay không trong một thời gian ít nhất 15 năm.
3. Đủ 40 tuổi.
4. Hưởng các quyền công dân.
Chức vụ Tổng thống và Phó Tổng
thống không thể kiêm nhiệm với bất cứ một hoạt động nào trong lãnh vực tư dù có
thù lao hay không.
Điều 32
Nhiệm kỳ Tổng thống và Phó Tổng
thống là năm năm. Tổng thống và Phó Tổng thống có thể được tái cử hai lần nữa.
Điều 33
Nhiệm kỳ Tổng thống và Phó Tổng
thống chấm dứt đúng 12 giờ trưa ngày cuối cùng tháng thứ sáu mươi kể từ ngày
tựu chức và nhiệm kỳ của Tân Tổng thống và Tân Phó Tổng thống bắt đầu lúc ấy.
Nhiệm vụ Tổng thống và Phó Tổng
thống có thể chấm dứt trước kỳ hạn, trong những trường hợp sau đây:
1. Mệnh chung.
2. Vì bịnh tật trầm trọng và kéo
dài, không còn năng lực để chấp chưởng quyền hành và làm tròn nhiệm vụ. Sự mất
năng lực này phải được Quốc hội xác nhận với đa số 4/5 tổng số Dân biểu sau các
cuộc giám định và phản giám định y khoa.
3. Từ chức, và sự từ chức này phải
được thông đạt cho Quốc hội.
4. Bị truất quyền do quyết định
của Đặc biệt Pháp viện chiếu Điều 81.
Điều 34
Cuộc bầu cử Tân Tổng thống và
Tân Phó Tổng thống sẽ cử hành vào ngày chủ nhật, ba tuần lễ trước khi nhiệm kỳ
của Tổng thống tại chức chấm dứt.
Trong trường hợp nhiệm vụ Tổng
thống chấm dứt trước kỳ hạn, Phó Tổng thống sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng thống cho
đến hết nhiệm kỳ.
Trong trường họp dự liệu ở đoạn
trên, nếu không có Phó Tổng thống, hoặc nếu Phó Tổng thống, vì một lý do gì,
không thể đảm đương nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội tạm thời đảm nhiệm chức vụ Tổng
thống để xử lý thường vụ và tổ chức một cuộc bầu cử Tân Tổng thống và Tân Phó
Tổng thống trong thời hạn tối đa hai tháng. Trong trường hợp này, đệ nhất Phó
Chủ tịch Quốc hội quyền nhiếp chức vụ Chủ tịch Quốc hội.
Điều 35
Tổng thống ký kết, và sau khi
được Quốc hội chấp thuận, phê chuẩn các điều ước và hiệp định quốc tế.
Tổng thống bổ nhiệm các sứ
thần, tiếp nhận ủy nhiệm thư của các đại diện ngoại giao, thay mặt Quốc gia
trong việc giao thiệp với ngoại quốc.
Điều 36
Với sự thỏa thuận của một nửa
tổng số Dân biểu Quốc hội, Tổng thống tuyên chiến hoặc phê chuẩn hòa ước.
Điều 37
Tổng thống bổ nhiệm và cách
chức tất cả các công chức dân sự và quân sự theo thủ tục luật định, ngoại trừ
những trường hợp mà Hiến pháp ấn định một thủ tục đặc biệt.
Tổng thống là Tổng tư lệnh tối
cao của các lực lượng quân sự.
Tổng thống ban các loại huy
chương.
Tổng thống sử dụng quyền ân xá,
ân giảm, hoán cải hình phạt, và huyền án.
Điều 38
Trong trường hợp chiến tranh
hoặc nội loạn, những chức vụ dân cử định trong Hiến pháp sẽ đương nhiên được
gia hạn khi mãn nhiệm kỳ.
Trong trường hợp một đơn vị bầu
cử bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, báo động, hoặc giới nghiêm, Tổng thống có
thể gia hạn nhiệm kỳ dân biểu đơn vị ấy.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử toàn bộ
hay cục bộ phải được tổ chức chậm nhất là sáu tháng sau khi những tình trạng
đặc biệt kể ở hai đoạn trên chấm dứt.
Điều 39
Tổng thống tiếp xúc với Quốc
hội bằng thông điệp.
Tổng thống có thể dự các phiên
họp Quốc hội và tuyên bố trước Quốc hội.
Mỗi năm vào đầu khóa họp thường
lệ thứ nhì và mỗi khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình hình
Quốc gia và chánh sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ.
Điều 40
Với sự thỏa thuận của Quốc hội,
Tổng thống có thể tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý phải
được Tổng thống và Quốc hội tôn trọng.
Điều 41
Giữa hai khóa họp Quốc hội,
Tổng thống vì lý do khẩn cấp có thể ký sắc luật. Các sắc luật này phải được
chuyển đến Văn phòng Quốc hội ngay sau khi ấy.
Trong khóa họp thường lệ tiếp
cận, nếu Quốc hội không bác bỏ, các sắc luật ấy sẽ được coi hẳn như những đạo
luật.
Điều 42
Trong tình trạng khẩn cấp,
chiến tranh, nội loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính, Quốc hội có thể biểu
quyết một đạo luật ủy cho Tổng thống, trong một thời gian, với những hạn định
rõ, quyền ký các sắc luật để thực hiện chánh sách mà Quốc hội ấn định trong đạo
luật ủy quyền. Các sắc luật phải được chuyển đến Văn phòng Quốc hội ngay sau
khi ký. 30 ngày sau khi mãn thời hạn đã ấn định trong đạo luật ủy quyền, nếu
Quốc hội không bác bỏ, các sắc luật ấy sẽ được coi hẳn như những đạo luật.
Điều 43
Trong trường hợp ngân sách
không được Quốc hội chung quyết trong thời hạn ấn định ở Điều 60, Tổng thống có
thể ký sắc luật ngân sách cho tài khóa sau.
Mỗi tam cá nguyệt Tổng thống có
thể thi hành một phần tư của ngân sách cho đến khi Quốc hội chung quyết xong
đạo luật ngân sách.
Trong đạo luật ngân sách, Quốc
hội phải giải quyết các hậu quả gây nên do việc bác bỏ hoặc sửa đổi những điều
khoản của sắc luật ngân sách.
Điều 44
Tổng thống có thể ký sắc lệnh
tuyên bố tình trạng khẩn cấp, báo động hoặc giới nghiêm trong một hay nhiều
vùng; các sắc lệnh này có thể tạm đình chỉ sự áp dụng một hoặc nhiều đạo luật
tại những vùng đó.
Điều 45
Khi nhậm chức, Tổng thống tuyên
thệ như sau:
Tôi long trọng tuyên thệ:
Tận lực cố gắng làm tròn nhiệm
vụ Tổng thống;
Tôn trọng giữ gìn và bảo vệ
Hiến pháp;
Trung thành phụng sự Tổ quốc và
hết lòng phục vụ lợi ích công cộng.
Điều 46
Tổng thống, có Phó Tổng thống,
các Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ tá. Các Bộ trưởng do Tổng thống bổ nhiệm và
chịu trách nhiệm trước Tổng thống.
Điều 47
Các Bộ trưởng và Thứ trưởng có
thể hội kiến với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, và các Chủ tịch Ủy ban để
giải thích về các vấn đề liên hệ với lập pháp.