Hiến Pháp Nhật Bản 1946 - Hành Pháp


CHƯƠNG V
NỘI CÁC
Điều 65
Nội các là cơ quan nắm giữ quyền hành pháp.
Điều 66
Nội các bao gồm Thủ tướng là người đứng đầu Nội các và các Bộ trưởng theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng và các Bộ trưởng phải là công chức dân sự.
Nội các phải chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc hội trong quá trình thực thi quyền hành pháp.
Điều 67
Thủ tướng được Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu của Quốc hội thông qua một nghị quyết của Quốc hội. Công việc này phải được ưu tiên so với các hoạt động khác của Quốc hội.
Nếu hai Viện không đạt được sự nhất trí và ủy ban chung của hai viện cũng không đạt được sự nhất trí chung hoặc Thượng nghị viện không chỉ định được thủ tướng trong vòng 10 ngày sau khi Hạ nghị viện biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Thủ tướng thì quyết định của Hạ nghị viện sẽ là quyết định cuối cùng của Quốc hội.
Điều 68
Thủ tướng có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm các Bộ trưởng. Đa số các Bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội. Thủ tướng có quyền cách chức Bộ trưởng.
Điều 69
Nếu Hạ nghị viện thông qua nghị quyết bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc phủ quyết nghị quyết tín nhiệm, Nội các sẽ phải đệ đơn từ chức, trừ trường hợp Hạ nghị viện bị giải tán trong vòng 10 ngày.
Điều 70
Nội các phải từ chức khi vị trí của Thủ tướng bị khuyết hoặc phải từ chức vào thời điểm Quốc hội triệu tập phiên họp đầu tiên sau cuộc tổng tuyển cử Hạ nghị viện.
Điều 71
Trong trường hợp của cả hai điều khoản trên, Nội các vẫn có thể tiếp tục làm việc cho tới khi Thủ tướng mới được bầu ra.
Điều 72
Thủ tướng thay mặt Nội các trình Quốc hội các dự thảo luật, báo cáo về các vấn đề đối nội, đối ngoại lớn của đất nước và thực hiện quyền quản lý và kiểm soát các cơ quan hành chính khác.
Điều 73
Ngoài các chức năng hành chính thông thường khác, Nội các có các chức năng như sau:
- Thi hành pháp luật một cách trung thực, quản lí nhà nước;
- Quản lí các chính sách ngoại giao;
- Kí kết hiệp ước, nhưng phải có sự phê chuẩn của Quốc hội;
- Quản lí các dịch vụ công theo các tiêu chuẩn được pháp luật quy định;
- Dự toán ngân sách để đệ trình Quốc hội;
- Ban hành sắc lệnh để thi hành hiến pháp và đạo luật, tuy nhiên không thể quy định những quy tắc hình sự nếu không được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Quyết định ân xá, giảm tội, miễn tội, khôi phục quyền công dân.
Điều 74
Các đạo luật và sắc lệnh đều phải do các Bộ trưởng có thẩm quyền kí và xác nhận, đồng thời phải được Thủ tướng phê chuẩn.
Điều 75
Bộ trưởng đang trong nhiệm kỳ thì không thể bị truy tố nếu không có sự cho phép của Thủ tướng.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post