Hiến Pháp Liên Bang Nga
1993
PHẦN MỘT
CHƯƠNG V
QUỐC HỘI LIÊN BANG
Điều 94
Quốc hội Liên bang – nghị viện của Liên bang
Nga – là cơ quan đại diện và lập pháp của Liên bang Nga.
Điều 95
1. Quốc hội Liên bang gồm hai viện – Hội đồng
Liên bang và Đuma Quốc gia.
2. Mỗi chủ thể Liên bang Nga có hai đại biểu
trong Hội đồng Liên bang: một người của quyền lập pháp và một người của quyền
hành pháp.
3. Đuma Quốc gia có 450 đại biểu.
Điều 96
1. Đuma Quốc gia có nhiệm kỳ
bốn năm.
2. Trình tự thành lập Hội đồng Liên bang và
bầu cử đại biểu Đuma Quốc gia do đạo luật liên bang quy định.
Điều 97
1. Công dân Nga từ 21 tuổi trở lên và đủ điều
kiện tham gia bầu cử thì có thể được bầu làm đại biểu Đuma Quốc gia.
2. Một người không được đồng thời là thành
viên Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia. Đại biểu Đuma Quốc gia không được
kiêm nhiệm làm đại biểu các cơ quan đại diện của quyền lực nhà nước và các cơ
quan tự quản địa phương.
3. Đại biểu Đuma Quốc gia hoạt động thường
xuyên và chuyên nghiệp. Đại biểu Đuma Quốc gia không được làm việc trong nền
công vụ, làm các công việc được trả lương khác, trừ các hoạt động giảng dạy,
khoa học hoặc hoạt động sáng tạo khác.
Điều 98
1. Thành viên Hội đồng Liên bang và đại biểu
Đuma Quốc gia hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm trong suốt nhiệm kỳ của mình. Họ
không bị bắt và khám xét, trừ khi bị bắt quả tang phạm tội, không bị khám
người, trừ những trường hợp đã được luật liên bang quy định nhằm bảo vệ an toàn
cho người khác.
2. Mỗi viện quyết định về việc tước đặc quyền
bất khả xâm phạm đối với thành viên của viện theo đề nghị của Viện trưởng Viện
kiểm sát Liên bang Nga.
Điều 99
1. Quốc hội Liên bang là cơ quan hoạt động
thường xuyên.
2. Đuma Quốc gia họp phiên đầu tiên sau 30 ngày
tính từ khi được bầu. Tổng thống Liên bang Nga có thể triệu tập phiên họp này
của Đuma Quốc gia trước thời hạn nói trên.
3. Đại biểu cao tuổi nhất khai mạc phiên họp
đầu tiên của Đuma Quốc gia.
4. Quyền hạn của Đuma Quốc gia khoá trước chấm
dứt từ thời điểm Đuma Quốc gia khoá mới bắt đầu làm việc.
Điều 100
1. Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia họp
riêng.
2. Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia họp
công khai. Trong những trường hợp được quy định trong nội quy, mỗi viện có thể
họp kín.
3. Hai viện có thể họp chung để nghe thông
điệp hàng năm của Tổng thống Liên bang Nga, thông điệp của Toà án Hiến pháp
Liên bang Nga, phát biểu của lãnh đạo nước ngoài.
Điều 101
1. Hội đồng Liên bang bầu Chủ tịch và các Phó
chủ tịch Hội đồng Liên bang từ các thành viên của mình. Đuma Quốc gia bầu Chủ
tịch và các Phó chủ tịch Đuma Quốc gia từ các thành viên của mình.
2. Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội đồng Liên
bang, Chủ tịch và các Phó chủ tịch Đuma Quốc gia chủ toạ các phiên họp và điều
hành công việc nội bộ của mỗi viện.
3. Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia thành
lập các uỷ ban và tiểu ban, tiến hành các cuộc thảo luận về các vấn đề thuộc
quyền hạn của mình.
4. Mỗi viện ban hành quy chế của mình và quyết
định các vấn đề thủ tục hoạt động nội bộ.
5. Để giám sát việc thực hiện ngân sách liên
bang, Hội đồng Liên bang và Đuma Quốc gia thành lập Uỷ ban Kiểm toán với thành
phần và thủ tục hoạt động do đạo luật liên bang quy định.
Điều 102
1. Tham quyền của Hội đồng Liên bang bao gồm:
a) Phê chuẩn việc thay đổi biên giới giữa các
chủ thể Liên bang Nga;
b) Phê chuẩn lệnh của Tổng thống Liên bang Nga
về ban bố tình trạng có chiến tranh;
c) Phê chuẩn lệnh của Tổng thống Liên bang Nga
về ban bố tình trạng khẩn cấp;
d) Quyết định về khả năng sử dụng các lực
lượng vũ trang của Liên bang Nga ở nước ngoài;
e) Ấn định bầu cử Tổng thống Liên bang Nga;
f) Buộc Tổng thống Liên bang Nga từ chức;
g) Bổ nhiệm thẩm phán Toà án Hiến pháp Liên
bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga;
h) Bổ nhiệm và cho thôi việc Viện trưởng Viện
kiểm sát Liên bang Nga;
i) Bổ nhiệm và cho thôi việc Phó Tổng kiểm
toán và một nửa thành viên Uỷ ban Kiểm toán.
2. Hội đồng Liên bang ra nghị quyết về các vấn
đề thuộc thẩm quyền của mình đã được Hiến pháp Liên bang Nga quy định.
3. Nghị quyết của Hội đồng Liên bang được
thông qua khi có đa số thành viên của tổng số thành viên tán thành, trừ những
trường hợp Hiến pháp Liên bang Nga quy định khác.
Điều 103
1. Thẩm quyền của Đuma Quốc gia bao gồm:
a) Biểu quyết về đề nghị của Tổng thống Liên
bang Nga bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga;
b) Quyết định về việc tín nhiệm Chính phủ Liên
bang Nga;
c) Bổ nhiệm và cho thôi việc Thống đốc Ngân
hàng Trung ương Liên bang Nga;
d) Bổ nhiệm và cho thôi việc Tổng kiểm toán và
một nửa thành viên Uỷ ban Kiểm toán;
e) Bổ nhiệm và cho thôi việc Cao uỷ viên về
quyền con người hoạt động theo quy định của đạo luật hiến pháp liên bang;
f) Tuyên bố đặc xá;
g) Đề xuất buộc tội Tổng thống Liên bang Nga
để tiến hành đàn hạch.
2. Đuma Quốc gia ra nghị quyết về các vấn đề
thuộc thẩm quyền của mình đã được Hiến pháp Liên bang Nga quy định.
3. Nghị quyết của Đuma Quốc gia được thông qua
khi có đa số thành viên của tổng số thành viên tán thành, trừ những trường hợp
Hiến pháp Liên bang Nga quy định khác.
Điều 104
1. Quyền sáng kiến lập pháp thuộc về: Tổng
thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại
biểu Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp (đại diện)
của các chủ thể Liên bang Nga. Quyền sáng kiến lập pháp cũng thuộc về Toà án
Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao
Liên bang Nga về những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan này.
2. Các dự luật được trình ra Đuma Quốc gia.
3. Các dự luật về ban hành hoặc huỷ bỏ các
loại thuế, miễn thuế, phát hành công trái quốc gia, về việc thay đổi các nghĩa
vụ tài chính của nhà nước, các dự luật khác quy định về các khoản chi từ ngân
sách liên bang chỉ được trình khi có kết luận của Chính phủ Liên bang Nga.
Điều 105
1. Các đạo luật liên bang do Đuma Quốc gia
thông qua.
2. Các đạo luật liên bang được thông qua khi
có đa số của tổng số đại biểu Đuma Quốc gia tán thành, trừ những trường hợp
Hiến pháp Liên bang Nga quy định khác.
3. Các đạo luật liên bang đã được Đuma Quốc
gia thông qua phải được chuyển cho Hội đồng Liên bang xem xét trong vòng năm
ngày.
4. Đạo luật liên bang được Hội đồng Liên bang
thông qua khi có hơn một nửa tổng số thành viên của viện tán thành, hoặc khi
đạo luật đó không được Hội đồng Liên bang xem xét trong vòng 14 ngày. Trong
trường hợp Hội đồng Liên bang bác bỏ đạo luật liên bang, cả hai viện có thể
thành lập uỷ ban điều đình đề dàn xếp khác biệt, sau đó Đuma Quốc gia xem xét lại
đạo luật liên bang đó.
5. Trong trường hợp Đuma Quốc gia không đồng ý
với quyết định của Hội đồng Liên bang, đạo luật liên bang được coi là đã thông
qua khi xem xét lại có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia biểu
quyết tán thành đạo luật.
Điều 106
1. Hội đồng Liên bang bắt buộc phải xem xét
các đạo luật đã được Đuma Quốc gia thông qua về các vấn đề sau:
a) Ngân sách liên bang;
b) Các loại thuế và phí liên bang;
c) Quy định về tài chính, tiền tệ, tín dụng,
hải quan, phát hành tiền;
d) Phê chuẩn và huỷ bỏ điều ước quốc tế của
Liên bang Nga;
e) Địa vị pháp lý và bảo vệ biên giới quốc gia
của Liên bang Nga;
f) Chiến tranh và hoà bình.
Điều 107
1. Trong vòng năm ngày sau khi đã được thông
qua, đạo luật liên bang được chuyển cho Tổng thống Liên bang Nga ký và công bố.
2. Trong vòng 14 ngày, Tổng thống Liên bang
Nga ký và công bố luật liên bang.
3. Nếu trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận mà
Tổng thống Liên bang Nga bác bỏ đạo luật liên bang, Đuma Quốc gia và Hội đồng
Liên bang sẽ xem xét lại đạo luật đó theo trình tự do Hiến pháp Liên bang Nga
quy định. Nếu sau khi xem xét lại, nếu bản cũ của đạo luật vẫn được thông qua
bởi ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng Liên bang và tổng số đại
biểu Đuma Quốc gia, đạo luật đó phải được Tổng thống Liên bang Nga ký trong
vòng 7 ngày và công bố.
Điều 108
1. Các đạo luật hiến pháp liên bang được ban
hành để điều chỉnh các vấn đề do Hiến pháp Liên bang Nga quy định.
2. Đạo luật hiến pháp liên bang được thông qua
bởi ít nhất ba phần tư tổng số thành viên Hội đồng Liên bang và ít nhất hai
phần ba tổng số đại biểu Đuma Quốc gia. Đạo luật hiến pháp liên bang đã được
thông qua phải được Tổng thống Liên bang Nga ký và công bố trong vòng 14 ngày.
Điều 109
1. Đuma Quốc gia có thể bị Tổng thống Liên
bang Nga giải tán theo trình tự quy định tại Điều 111 và 117 của Hiến pháp Liên
bang Nga.
2. Trong trường hợp giải tán Đuma Quốc gia,
Tổng thống Liên bang Nga ấn định ngày bầu cử để Đuma Quốc gia mới có thể nhóm
họp không muộn hơn 4 tháng kể từ khi giải tán.
3. Trong vòng một năm kể từ khi được bầu,
không được giải tán Đuma Quốc gia theo quy định của Điều 117 Hiến pháp Liên
bang Nga.
4. Đuma Quốc gia không bị giải tán từ thời
điểm viện này đưa ra lời buộc tội Tổng thống Liên bang cho đến khi có quyết
định của Hội đồng Liên bang.
5. Không được giải tán Đuma Quốc gia trong
thời gian ban bố tình trạng có chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp trên toàn
bộ lãnh thổ Liên bang Nga, cũng như trong vòng sáu tháng trước khi kết thúc
nhiệm kỳ Tổng thống Liên bang Nga.