Hiến Pháp Liên Bang Nga 1993 - Tư Pháp Và Bảo Hiến

HIẾN PHÁP LIÊN BANG NGA 1993

CHƯƠNG VII
QUYỀN LỰC TƯ PHÁP
Điều 118
1. Hoạt động xét xử chỉ được thực hiện bởi toà án.
2. Quyền lực tư pháp được thực hiện thông qua tố tụng hiến pháp, dân sự, hành chính và hình sự.
3. Hệ thống toà án của Liên bang Nga được quy định trong Hiến pháp Liên bang Nga và đạo luật hiến pháp liên bang. Không cho phép thành lập tòa án đặc biệt.
Điều 119
Thẩm phán là công dân Liên bang Nga đủ 25 tuổi trở lên, có bằng đại học luật, làm việc theo chuyên môn luật ít nhất năm năm. Đạo luật liên bang có thể quy định những yêu cầu khác đối với thẩm phán Liên bang Nga.
Điều 120
1. Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật liên bang.
2. Trong khi xét xử, nếu phát hiện thấy hành vi của cơ quan nhà nước hoặc cơ quan khác trái với pháp luật thì thẩm phán quyết định theo pháp luật.
Điều 121
1. Thẩm phán không thể bị bãi miễn.
2. Quyền hạn của thẩm phán chỉ có thể bị chấm dứt hoặc đình chỉ theo trình tự và điều kiện do đạo luật liên bang quy định.
Điều 122
1. Thẩm phán hưởng đặc quyền bất khả xâm phạm.
2. Thẩm phán không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trình tự do đạo luật liên bang quy định.
Điều 123
1. Việc xét xử tại tất cả các toà diễn ra công khai. Phiên toà xử kín chỉ được phép trong những trường hợp đã được quy định trong đạo luật liên bang.
2. Không cho phép việc xét xử vắng mặt các vụ án hình sự, trừ những trường hợp đã được quy định trong đạo luật liên bang.
3. Hoạt động xét xử diễn ra trên cơ sở tranh tụng và bình đẳng giữa các bên.
4. Trong những trường hợp do đạo luật liên bang quy định, hoạt động xét xử được tiến hành với sự tham gia của bồi thẩm đoàn.
Điều 124
Nguồn tài chính cung cấp cho toà án chỉ được lấy từ ngân sách liên bang và phải đảm bảo khả năng thực thi xét xử một cách đầy đủ, độc lập theo quy định của đạo luật liên bang.
Điều 125
1. Toà án Hiến pháp Liên bang Nga có 19 thẩm phán.
2. Toà án Hiến pháp Liên bang Nga phán xét về sự phù hợp với Hiến pháp Liên bang Nga của các văn bản sau theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, một phần năm tổng số thành viên của Hội đồng Liên bang, một phần năm tổng số đại biểu Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp và hành pháp của các chủ thể Liên bang Nga:
a) Các đạo luật liên bang, các văn bản quy phạm của Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga;
b) Hiến pháp các nước cộng hoà, hiến chương, các đạo luật và các văn bản quy phạm khác của các chủ thể Liên bang Nga quy định về các vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga và thuộc thẩm quyền chung giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga với các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga;
c) Thoả thuận giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga với các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga, thoả thuận giữa các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga;
d) Các điều ước quốc tế chưa có hiệu lực của Liên bang Nga.
3. Toà án Hiến pháp Liên bang Nga giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa:
a) Các cơ quan quyền lực nhà nước cấp liên bang với nhau;
b) Giữa các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang Nga với các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể Liên bang Nga;
c) Giữa các cơ quan nhà nước cao nhất của các chủ thể Liên bang Nga.
4. Theo đơn khiếu kiện về việc xâm phạm các quyền và tự do hiến định của công dân, theo đề nghị của các toà án, Toà án Hiến pháp Liên bang Nga kiểm tra tính hợp hiến của đạo luật đã được áp dụng hoặc phải được áp dụng trong một vụ việc cụ thể theo trình tự do đạo luật liên bang quy định.
5. Theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga, Hội đồng Liên bang, Đuma Quốc gia, Chính phủ Liên bang Nga, các cơ quan lập pháp của các chủ thể Liên bang Nga, Toà án Hiến pháp Liên bang Nga giải thích Hiến pháp Liên bang Nga.
6. Các văn bản hoặc các điều khoản của chúng nếu bị coi là vi hiến sẽ không có hiệu lực; các điều ước quốc tế của Liên bang Nga nếu trái với Hiến pháp Liên bang Nga sẽ không có hiệu lực và không được áp dụng.
7. Theo đề nghị của Hội đồng Liên bang, Toà án Hiến pháp Liên bang Nga kết luận về việc tuân thủ quy trình trong khi buộc tội Tổng thống Liên bang Nga phản bội Tổ quốc hoặc phạm trọng tội khác.
Điều 126
Toà án Tối cao Liên bang Nga là cơ quan xét xử cao nhất các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính và những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của các toà án thẩm quyền chung; thực hiện giám sát hoạt động của các toà đó thông qua các hình thức tố tụng đã được quy định trong đạo luật liên bang và giải thích các vấn đề thực tiễn xét xử.
Điều 127
Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga là cơ quan xét xử cao nhất các vụ tranh chấp kinh tế và những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của các toà trọng tài; thực hiện giám sát hoạt động của các toà đó thông qua các hình thức tố tụng đã được quy định trong đạo luật liên bang và giải thích các vấn đề thực tiễn xét xử.
Điều 128
1. Thẩm phán Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga.
2. Thẩm phán các toà án liên bang khác do Tổng thống Liên bang Nga bổ nhiệm theo trình tự do đạo luật liên bang quy định.
3. Thẩm quyền, trình tự thành lập và hoạt động của Toà án Hiến pháp Liên bang Nga, Toà án Tối cao Liên bang Nga, Toà án Trọng tài Tối cao Liên bang Nga và các toà án cấp liên bang khác do đạo luật hiến pháp liên bang quy định.
Điều 129
1. Viện            kiểm sát Liên bang Nga là một hệ thống tập trung thống nhất với sự phục tùng của kiểm sát viên cấp dưới đối với kiểm sát viên cấp trên và Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga do Hội đồng Liên bang bổ nhiệm và cho thôi giữ chức vụ theo đề nghị của Tổng thống Liên bang Nga.
3. Kiểm sát viên của các chủ thể Liên bang Nga do Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga bổ nhiệm có sự thoả thuận với các chủ thể Liên bang Nga.
4. Các kiểm sát viên khác do Viện trưởng Viện kiểm sát Liên bang Nga bổ nhiệm.
5. Thẩm quyền, tổ chức, hoạt động của các Viện kiểm sát Liên bang Nga do đạo luật liên bang quy định.



SHARE THIS

Author:

Previous Post
Next Post