HIẾN PHÁP ĐẠI HÀN DÂN QUỐC NGÀY 17-07-1948 (HIẾN PHÁP SỐ 01) - CHƯƠNG I ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN

HIẾN PHÁP ĐẠI HÀN DÂN QUỐC NGÀY 17-07-1948 (HIẾN PHÁP SỐ 01) - CHƯƠNG I ĐIỀU KHOẢN CƠ BẢN

Điều 1 
Hàn Quốc là một nước cộng hòa dân chủ.
Điều 2 
Chủ quyền Quốc gia thuộc về Nhân dân Hàn Quốc, chính quyền Hàn Quốc bắt nguồn từ Nhân dân.
Điều 3 
Yêu cầu về công dân Đại Hàn Dân Quốc sẽ do Luật định.
Điều 4:
Lãnh thổ Đại Hàn Dân Quốc bao gồm toàn bộ bán đảo Triều Tiên và các đảo lân cận.
Điều 5 
Đại Hàn Dân Quốc tôn trọng mạnh mẽ vào quyền tự do, bình đẳng, và sự sáng tạo trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hôi, văn hóa, và có nhiệm vụ điều chỉnh điều đó để cải thiện phúc lợi xã hội.
Điều 6
Đại Hàn Dân Quốc phủ nhận mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Lực lượng vũ trang có bổn phận thực hiện nhiệm vụ và trọng trách  bảo vệ an ninh quốc gia.
Điều 7
Các điều ước Quốc tế được ký kết và thông qua phù hợp với Hiến pháp được sử dụng như là các điều Luật trong nước. Người ngoại quốc sẽ được đảm bảo quyền của họ phù hợp theo các điều ước Quốc tế.


Luật Cơ Bản Cộng Hòa Liên Bang Đức - Chương X.a - Tình Trạng Phòng Thủ

Luật Cơ Bản Cộng Hòa Liên Bang Đức - Chương X.a - Tình Trạng Phòng Thủ

Xa. TÌNH TRẠNG PHÒNG THỦ

Điều 115a [Tuyên bố tình trạng phòng thủ]
(1) Bất kỳ việc xác định rằng lãnh thổ liên bang đang bị tấn công hoặc sắp xảy cuộc tấn công bởi lực lượng vũ trang (tình trạng phòng thủ) sẽ được đưa ra bởi Hạ viện với sự tán thành của Thượng viện. Việc xác định như vậy được thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Liên bang và yêu cầu 2/3 số phiếu tán thành, với sự có mặt của đa số các thành viên của Hạ viện.
(2) Nếu tình trạng bắt buộc phải cần có hành động ngay lập tức, và nếu những trở ngại không thể vượt qua ngăn cản việc triệu tập kịp thời Hạ viện hoặc Hạ viện không thể tập hợp đại biểu, Ủy ban Hỗn hợp sẽ thực hiện việc xác định này bởi 2/3 số phiếu tán thành, với sự có mặt của đa số các thành viên.
(3) Việc xác định được ban hành bởi Tổng thống Liên bang trong luật Công báo liên bang theo Điều 82. Nếu điều này không thể được thực hiện đúng thời hạn, việc ban hành có được thực hiện theo cách khác; việc xác định được in trong Công báo Luật Liên bang ngay sau khi hoàn cảnh cho phép.
(4) Nếu lãnh thổ liên bang bị tấn công bởi lực lượng vũ trang, và nếu cơ quan có thẩm quyền liên bang không kịp ngay lập tức thực hiện việc xác định tình trạng được quy định trong câu đầu tiên của khoản (1)   Điều này, việc xác định được coi là đã được thực hiện và ban hành tại thời điểm cuộc tấn công bắt đầu. Tổng thống Liên bang công bố thời gian đó ngay sau khi hoàn cảnh cho phép.
(5) Nếu việc xác định tình trạng phòng thủ đã được ban hành, và  nếu lãnh thổ liên bang đang bị tấn công bởi lực lượng vũ trang, Tổng thống Liên bang, với sự tán thành của Hạ viện, có  thể  ban  hành  những tuyên bố theo quy định của pháp luật quốc tế liên quan đến sự hiện diện tình trạng phòng thủ. Theo những điều kiện được quy định   tại khoản (2) của Điều này, Ủy ban Hỗn hợp sẽ hoạt động ở vị trí của  Hạ viện.
Điều 115b [Quyền chỉ huy của Thủ tướng Liên bang]
Sau khi có việc ban bố tình trạng phòng thủ, quyền chỉ huy các lực lượng vũ trang được trao cho Thủ tướng Liên bang.
 Điều 115c [Việc mở rộng các quyền lập pháp của Liên bang]
(1) Liên bang có quyền lập pháp song trùng về tình trạng phòng thủ, ngay cả đối với các vấn đề thuộc quyền lập pháp của các Bang. Các luật như vậy phải có sự tán thành của Thượng viện.
(2) Theo nhu cầu của tình trạng phòng thủ, một luật liên bang về tình trạng phòng thủ có thể:
1. Đề ra những quy định tạm thời liên quan đến việc bồi thường trong trường hợp tước quyền sở hữu ngoài những trường hợp nêu tại câu thứ hai của khoản (3) Điều 14;
2. Thiết lập một thời hạn tước quyền tự do khác với quy định tại câu thứ ba của khoản (2) và câu thứ nhất của khoản (3) Điều 104, nhưng không quá 4 ngày, đối với các trường hợp mà thẩm phán không thể làm việc trong thời hạn thường áp dụng.
(3) Theo nhu cầu nhằm đẩy lùi một cuộc tấn công đang tồn tại hoặc sắp xảy ra, một luật liên bang về tình trạng phòng thủ có thể, với sự tán thành của Thượng viện, điều chỉnh việc quản trị và tài chính của Liên bang và các bang mà không theo tiêu đề VIII, VIIIa và X của Luật Cơ bản này, miễn là bảo đảm khả năng duy trì của các Bang, cộng đồng và hiệp hội cộng đồng, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tài  chính.
(4) Các luật liên bang được ban hành theo khoản (1) hoặc đoạn 1 của khoản (2) Điều này có thể, nhằm chuẩn bị cho việc thi hành chúng, được áp dụng ngay trước khi tình trạng phòng thủ xuất hiện.
Điều 115d [Dự luật khẩn cấp]
(1) Trong thời gian tình trạng phòng thủ, hoạt động lập pháp liên bang được điều chỉnh bởi các quy định của khoản (2) và (3) Điều này  mà không liên quan đến các quy định của khoản (2) Điều 76, câu thứ hai của khoản (1), các khoản từ (2) đến (4) Điều 77, Điều 78 và khoản (1) Điều 82.
(2) Dự luật Chính phủ Liên bang mà Chính phủ coi là khẩn cấp được chuyển đến Thượng viện vào cùng thời điểm chúng được đệ trình tới Hạ viện. Hạ viện và Thượng viện sẽ nhanh chóng thảo luận về dự án luật này trong phiên họp chung. Khi sự tán thành của Thượng viện là cần thiết cho bất kỳ dự luật nào để trở thành luật, cần có sự chấp thuận của đa số phiếu. Các chi tiết được quy định bởi các quy tắc thủ tục được thông qua bởi Hạ viện và được sự tán thành của Thượng viện.
(3) Câu thứ hai của khoản (3) Điều 115a được áp dụng đối với việc ban hành các luật đó với những điều chỉnh.
Điều 115e [Ủy ban Hỗn hợp]
(1) Nếu, trong thời gian tình trạng phòng thủ, Ủy ban Hỗn hợp bằng 2/3 số phiếu, với sự có mặt của đa số thành viên, xác định rằng những trở ngại không vượt qua được ngăn cản việc triệu tập kịp thời của Hạ viện hoặc Thượng viện không thể triệu tập các đại biểu, Ủy ban hỗn  hợp sẽ giữ vị trí của cả Hạ viện và Thượng viện và thực thi quyền hạn như một cơ quan đơn nhất.
(2) Luật Cơ bản này không thể được sửa đổi hay bổ sung hoặc đình chỉ toàn bộ hoặc một phần bởi luật được ban hành bởi Ủy ban Hỗn  hợp. Ủy ban Hỗn hợp không có quyền hạn ban hành pháp luật theo  câu thứ hai của khoản (1) Điều 23, khoản (1) Điều 24, hoặc Điều 29.
Điều 115f [Sử dụng Cảnh sát Biên giới Liên bang - Mở rộng quyền hướng dẫn]
(1) Trong thời gian tình trạng phòng thủ, Chính phủ Liên bang, theo yêu cầu của hoàn cảnh, có thể:
1. Sử dụng Cảnh sát Biên giới Liên bang trên toàn lãnh thổ liên bang;
2. Ban hành những hướng dẫn không chỉ cho cơ quan hành chính liên bang mà còn cho cả chính phủ Bang, nếu xét thấy các vấn đề khẩn cấp, cho các cơ quan của Bang, và có thể ủy thác quyền hạn này cho các thành viên của chính phủ Bang được chỉ định bởi nó.
(2) Hạ viện, Thượng viện và Ủy ban Hỗn  hợp  phải được thông báo không chậm trễ các biện pháp thực hiện phù hợp với khoản (1) Điều này.
 Điều 115g [Tòa án Hiến pháp Liên bang]
Địa vị hiến định cũng như việc thực hiện những chức năng hiến định của Tòa án Hiến pháp Liên bang hoặc thẩm phán của Tòa không thể bị thay đổi. Luật về Tòa án Hiến pháp Liên bang có thể được sửa đổi bởi luật được ban hành bởi Ủy ban Hỗn hợp chỉ trong giới hạn Tòa án   Hiến pháp liên bang đồng ý là cần thiết để đảm bảo việc nó có thể tiếp tục thực hiện các chức năng của mình. Trong khi chờ ban hành pháp luật, Tòa án Hiến pháp Liên bang có thể có những biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu này. Các quyết định bởi Tòa án Hiến pháp liên bang tuân theo câu thứ hai và câu thứ ba của Điều này được thực hiện bởi đa số các thẩm phán có mặt.
Điều 115h [Hết hạn nhiệm kỳ]
(1) Bất kỳ nhiệm kỳ bầu cử của Hạ viện hoặc nghị viện Bang nào hết hạn trong thời gian tình trạng phòng thủ sẽ kết thúc vào 6 tháng sau khi chấm dứt tình trạng phòng thủ. Nhiệm kỳ của Tổng thống Liên bang hết hạn trong thời gian tình trạng phòng thủ và việc thực thi chức năng Tổng thống bởi Chủ tịch Thượng viện khi ghế Tổng thống trống   sẽ kết thúc vào 9 tháng sau khi kết thúc tình trạng phòng thủ. Nhiệm  kỳ thành viên của Tòa án Hiến pháp Liên bang hết hạn trong thời gian tình trạng phòng thủ sẽ kết thúc vào 6 tháng sau khi kết thúc tình trạng phòng thủ.
(2) Ủy ban hỗn hợp, khi cần phải bầu ra một Thủ tướng Liên bang mới, sẽ thực hiện bằng việc bỏ phiếu đa số thành viên. Tổng thống Liên bang sẽ đề xuất một ứng cử viên cho Ủy ban Hỗn hợp. Ủy ban Hỗn hợp có thể bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Liên bang bằng cách bầu một người kế nhiệm bởi đa số 2/3 thành viên.
(3) Hạ viện không bị giải thể trong khi đang tồn tại tình trạng phòng thủ.
 Điều 115i [Quyền của chính quyền Bang]
(1) Nếu các cơ quan liên bang có thẩm quyền không có khả năng đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối nguy hiểm, và nếu tình hình bắt buộc phải cần ngay lập tức hành động độc lập ở những khu   vực nhất định của lãnh thổ liên bang, chính phủ bang hoặc cơ quan có thẩm quyền hoặc đại diện được ủy quyền, trong phạm vi thẩm quyền, thực hiện các biện pháp quy định tại khoản (1) Điều 115f.
(2) Bất kỳ biện pháp nào được thực hiện phù hợp với khoản (1) Điều này có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào bởi Chính phủ Liên bang, hoặc, khi liên quan đến các cơ quan có thẩm quyền của Bang và các cơ quan có thẩm quyền liên bang cấp dưới, bởi Bộ trưởng – Thống đốc các Bang.
Điều 115k [Phân loại và thời hạn của các điều khoản khẩn cấp]
(1) Các luật được ban hành phù hợp với điều 115c, 115e và 115g, cũng như các văn bản quy phạm hướng dẫn được ban hành trên cơ sở những luật đó, đình chỉ áp dụng luật không tương thích miễn là chúng đang   có hiệu lực. Quy định này không áp dụng đối với luật được ban hành sớm hơn theo Điều 115c, 115e hoặc 115g.
(2) Các luật được thông qua bởi Ủy ban Hỗn hợp, cũng như các văn bản quy phạm hướng dẫn đã được ban hành trên cơ sở những luật đó, hết hiệu lực không muộn hơn 6 tháng sau khi kết thúc tình  trạng phòng thủ.
(3 Các luật chứa đựng những quy định bất đồng với các điều 91A, 91B, 104a, 106 và 107 không được áp dụng quá thời điểm kết thúc của năm tài chính thứ hai tiếp sau khi kết thúc tình trạng phòng thủ. Sau khi kết thúc như vậy, chúng có thể, với sự tán thành của Thượng viện, được sửa đổi bởi một luật liên bang để trở lại với các quy định của Tiêu đề VIIIa và X.
Điều 115l [Bãi bỏ biện pháp khẩn cấp - hòa ước]
(1) Hạ viện, với sự tán thành của Thượng viện, có thể bãi bỏ vào bất kỳ thời điểm nào các luật được ban hành bởi Ủy ban Hỗn hợp.   Thượng viện có thể yêu cầu Hạ viện đưa ra một quyết định về vấn đề này. Bất    kỳ biện pháp nào được thực hiện bởi Ủy ban Hỗn hợp hoặc Chính phủ Liên bang để ngăn chặn một mối nguy hiểm phải được huỷ bỏ nếu Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định như vậy.
(2) Hạ viện, với sự tán thành của Thượng viện, có thể bất cứ lúc nào, bằng một quyết định được ban hành bởi Tổng thống Liên bang, tuyên bố tình trạng phòng thủ kết thúc. Thượng viện có thể yêu cầu Hạ viện đưa ra một quyết định về vấn đề này. Tình trạng phòng thủ phải được tuyên bố kết thúc không chậm trễ nếu các điều kiện để xác định nó không còn tồn tại.
Việc ký kết hòa ước được quy định bởi một luật liên bang

Các Điều Khoản Hợp Bang Hoa Kỳ 1777

Các Điều Khoản Hợp Bang Hoa Kỳ 1777

Các Điều Khoản Hợp Bang Hoa Kỳ 1777

Lời nói đầu
Chúng tôi, những đại biểu của các tiểu bang ký tên tại văn bản này gửi lời chào tới mọi công dân Mỹ. Các đại biểu của Hợp chúng quốc Mỹ tại Quốc hội, nhóm họp ngày 15 tháng Mười một năm 1777, tức là năm thứ hai của nền Độc lập Mỹ, đã đồng ý về Các điều khoản Hợp bang và Liên minh vĩnh viễn giữa các tiểu bang New Hampshire, Vịnh Massachusetts, Rhode Island và các khu đồn điền, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, Bắc Carolina, Nam Carolina và Georgia theo các điều khoản sau, với tên là "Các điều khoản cho Hợp bang và Liên minh vĩnh viễn giữa các tiểu bang New Hampshire, Vịnh Massachusetts, Rhode Island và các khu đồn điền, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, Virginia, North Carolina, South Carolina và Georgia".
Điều I.
Mô hình Hợp bang này có tên là "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ" (The United States of America).
Điều II.
Mỗi tiểu bang vẫn duy trì chủ quyền, sự tự do và nền độc lập của mình và mọi quyền khác không giao phó cho Quốc hội của Hợp chúng quốc.
Điều III.
Bằng các điều khoản này, các tiểu bang đã nói ở trên, sẽ gia nhập một liên minh vững chắc và thân thiện, vì sự phòng thủ chung, để đảm bảo sự tự do và vì những lợi ích và thịnh vượng chung, ràng buộc với nhau để giúp đỡ nhau, chống lại mọi kẻ thù tấn công bất kỳ tiểu bang nào về tôn giáo, chủ quyền, thương mại, hay bất kỳ một lĩnh vực nào khác.
Điều IV.
Để đảm bảo sự an toàn và duy trì tốt hơn tình thân thiện, mang lại lợi ích chung và sự giao thiệp giữa dân chúng của các tiểu bang trong liên minh, các công dân tự do của bất kỳ tiểu bang nào, trừ những người nghèo khổ, những kẻ vô công rồi nghề, những kẻ ăn bám và những kẻ tội phạm, đều được hưởng những đặc ân và sự miễn trừ như các công dân tự do trong mọi tiểu bang khác. Dân chúng của bất kỳ tiểu bang nào đều có quyền vào ra bất kỳ tiểu bang nào khác và được hưởng mọi đặc ân về thương mại và buôn bán, cùng chịu một mức thuế hải quan, các khoản phí và các qui định chung như đối với các công dân của tiểu bang này, miễn là những qui định đó không ngăn cấm việc đưa các tài sản đã được nhập khẩu vào một tiểu bang sang bất kỳ một tiểu bang nào khác mà người chủ sở hữu của tài sản này là công dân. Không tiểu bang nào được quyền thu thuế, hay hạn chế bất kỳ tài sản và các bất động sản nào của Hợp chúng quốc, hoặc bất cứ của tiểu bang nào trong Hợp chúng quốc.
Nếu bất kỳ ai có tội, hay bị kết tội phản bội, hoặc trọng tội, tại bất kỳ tiểu bang nào, chạy trốn khỏi sự thực thi của luật pháp, nhưng bị tìm thấy tại bất kỳ đâu trong Hợp chúng quốc, thì phải trao nộp người này, theo lệnh của Thống đốc, hay của cơ quan hành pháp tiểu bang nơi họ bỏ trốn, về tiểu bang nơi có quyền hạn xét xử sự phạm tội của người này.
Mọi phán quyết, cũng như quá trình tố tụng tư pháp tại tòa án, của cơ quan hành pháp tất cả các bang, đều phải được tôn trọng.
Điều V.
Để quản lý các lợi ích chung của Hợp chúng quốc hiệu quả hơn, các đại biểu sẽ được bổ nhiệm hằng năm, theo cách thức do các cơ quan Lập pháp tiểu bang qui định, để nhóm họp tại Quốc hội vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Mười một hằng năm. Các tiểu bang được quyền triệu hồi bất kỳ đại biểu nào của tiểu bang mình, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và cử người khác thay thế trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ năm đó.
Không có tiểu bang nào có ít hơn hai hay nhiều quá bảy đại biểu tại Quốc hội. Không một ai được quyền làm đại biểu nhiều hơn ba năm trong bất kỳ giai đoạn sáu năm nào. Không một ai, khi trở thành đại biểu Quốc hội, lại được giữ bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan của Hợp chúng quốc, hay được nhận bất kỳ mức lương, trợ cấp hay bất kỳ khoản tiền nào.
Mỗi tiểu bang phải trả lương cho các đại biểu của mình trong các cuộc họp của các tiểu bang hay trong khi họ đang là thành viên một ủy ban của Hợp bang.
Để quyết định những vấn đề của Hợp chúng quốc, trong kỳ nhóm họp của Quốc hội, mỗi tiểu bang sẽ có quyền bỏ một lá phiếu.
Tự do phát biểu và tranh luận trong Quốc hội sẽ không bị luận tội hay chất vấn tại bất kỳ tòa án nào, hay bất kỳ một nơi nào khác ngoài Quốc hội. Trong thời gian họ tham dự Quốc hội, tất cả các thành viên của Quốc hội được bảo vệ khỏi mọi cuộc bắt bớ, hay tống giam, ngoại trừ những tội phản quốc, tội giết người hay phá vỡ hiệp ước hòa bình.
Điều VI.
Không tiểu bang nào, nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội, có quyền cử hay đón tiếp bất kỳ viên đại sứ nào, hay tham gia bất kỳ Hội nghị, hay thỏa thuận bất cứ hiệp ước nào, với bất kỳ nhà vua, hoàng tử hay quốc gia nào. Không một viên chức nào, khi giữ chức vụ liên quan đến tiền bạc hay sự ủy nhiệm của Hợp chúng quốc, được quyền nhận bất kỳ món quà, khoản tiền lương, chức vụ hay danh hiệu nào, từ bất kỳ nhà vua, hoàng tử hay quốc gia nào. Quốc hội Hợp chúng quốc, hoặc bất kỳ đại biểu Quốc hội nào, cũng không có quyền ban thưởng bất kỳ danh hiệu quý tộc nào.
Hai hay nhiều tiểu bang không cho phép được tham gia bất kỳ hiệp ước, liên minh hay hợp bang nào giữa họ, nếu không có sự đồng ý của Quốc hội Hợp chúng quốc và cần qui định chính xác mục đích và thời hạn của những hiệp ước này.
Mọi tiểu bang đều không có quyền đặt và thu bất kỳ loại thuế nào, nếu chúng cản trở bất kỳ điều khoản nào của các Hiệp ước, do Quốc hội Hợp chúng quốc ký với bất kỳ nhà vua, hoàng tử hay quốc gia nào; cũng không được theo đuổi bất cứ Hiệp ước nào do Quốc hội tiến hành đối với triều đình Pháp hay Tây Ban Nha.
Mọi tiểu bang đều không được xây dựng và duy trì bất cứ tàu chiến nào, trừ con số được Quốc hội Hợp chúng quốc thấy là cần thiết cho việc phòng thủ và bảo vệ của tiểu bang đó hay cho việc buôn bán của tiểu bang đó. Không tiểu bang nào được quyền thiết lập và duy trì bất cứ đội quân nào, trừ con số được Quốc hội Hợp chúng quốc thấy là cần thiết cho việc phòng thủ và bảo vệ các pháo đài của tiểu bang đó, hay cho việc buôn bán của tiểu bang đó. Nhưng tất cả các tiểu bang phải luôn luôn duy trì một lực lượng dân quân có kỷ luật và luyện tập thường xuyên, được trang bị đầy đủ, và phải thường xuyên lưu giữ một số lều bạt và đồ quân trang, vũ khí, đạn dược và đồ cắm trại thích hợp, trong các kho công cộng, để sẵn sàng cho việc sử dụng.
Không một tiểu bang nào được tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào, nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội Hợp chúng quốc, trừ phi tiểu bang đó thực sự bị kẻ thù tấn công, hay nhận được tin tức nhất định về một quyết định của một số bộ lạc Da Đỏ nhằm xây dựng một đạo quân tấn công tiểu bang đó và mối nguy hiểm đó quá cấp thiết, tới mức không thể trì hoãn, cho tới khi Quốc hội của Hợp chúng quốc được hỏi ý kiến. Không có bất kỳ tiểu bang nào có quyền điều bất kỳ tàu chiến nào tham gia chiến tranh, hay ban hành các giấy trưng thu và tịch thu, trừ phi Quốc hội đã ban hành tuyên bố chiến tranh, nhưng chỉ chống lại vương quốc đó hay quốc gia đó và chỉ chống lại cuộc chiến tranh vừa được tuyên bố đó, và phải tuân theo mọi điều khoản do Quốc hội Hợp chúng quốc thiết lập, trừ những tiểu bang bị bọn cướp biển tấn công, khi đó các tàu chiến là cần thiết, nhưng chỉ kéo dài khi mối nguy hiểm đó còn tồn tại, hay cho tới khi Quốc hội Hợp chúng quốc ban hành một quyết định khác.
Điều VII.
Khi các lực lượng trên bộ được bất kỳ tiểu bang nào thành lập vì mục đích phòng thủ chung, mọi sĩ quan dưới cấp bậc đại tá sẽ do cơ quan lập pháp của tiểu bang đó bổ nhiệm, hay theo một cách thức do tiểu bang đó qui định và mọi việc bổ nhiệm sau này đều do tiểu bang này bổ nhiệm, giống như với lần đầu tiên.
Điều VIII.
Mọi chi phí chiến tranh và các khoản chi phí khác, phát sinh vì mục tiêu phòng vệ chung, hay lợi ích chung và được phép của Quốc hội Hợp chúng quốc, sẽ lấy từ ngân khố chung, do các tiểu bang đóng góp, theo tỷ lệ giá trị đất đai trên toàn tiểu bang đó ban cấp hay giao phó cho bất kỳ người nào, cũng như bất kỳ đồn điền, các công trình xây dựng hay nâng cấp nào ước tính giá trị theo cách thức do Quốc hội Hợp chúng quốc qui định.
Các khoản thuế phải nộp theo tỷ lệ đó, sẽ do thẩm quyền của cơ quan lập pháp của các tiểu bang ban hành trong phạm vi thời hạn được Quốc hội Hợp chúng quốc chấp thuận.
Điều IX.
Quốc hội Hợp chúng quốc là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố chiến tranh và hòa bình, trừ những trường hợp qui định trong Điều 6; có quyền tiếp nhận và cử các đại sứ; có quyền gia nhập và ký kết các hiệp ước hay liên minh, miễn là không có hiệp ước thương mại nào được thiết lập để hạn chế quyền của các cơ quan lập pháp tiểu bang trong việc đánh thuế hàng nhập khẩu của nước ngoài và người phái gánh chịu là dân chúng các tiểu bang; hay ngăn cấm việc xuất nhập khẩu bất kỳ loại hàng hóa nào; có quyền thiết lập các qui tắc phán quyết mọi trường hợp bắt giữ trên bộ hay trên biển là hợp pháp hay không và để phân chia hợp lý các chiến lợi phẩm chiếm được trên bộ, hay trên biển của Hợp chúng quốc; có quyền gửi các bức thư trưng thu và tịch thu trong thời bình; quyền bổ nhiệm các quan tòa cho các vụ xét xử tội cướp bóc và các trọng tội trên vùng biển quốc tế; quyền thiết lập các tòa án để nhận và đưa ra phán quyết cuối cùng trong mọi trường hợp bắt giữ, miễn là không có thành viên nào của Quốc hội được bổ nhiệm làm thẩm phán của bất kỳ tòa án nào được nói ở trên.
Quốc hội Hợp chúng quốc là nơi cuối cùng phán quyết mọi tranh chấp và khác biệt phát sinh giữa hai, hay nhiều tiểu bang có chung biên giới, sự phán quyết, hay bất kỳ hình thức phân định nào khác trong đó thẩm quyền sẽ được tiến hành theo cách thức sau: Bất cứ khi nào cơ quan lập pháp, hay hành pháp, hay đại diện hợp pháp của tiểu bang có tranh cãi với tiểu bang khác đệ trình kiến nghị lên Quốc hội, tuyên bố vấn đề và cầu xin được điều trần, thì một thông báo được ban ra do quyết định của Quốc hội cho cơ quan lập pháp, hay hành pháp của tiểu bang có liên quan tới tranh chấp này, vào một ngày qui định, với sự có mặt của các bên liên quan bởi các đại diện hợp pháp. Những người này khi đó sẽ chỉ định các thẩm phán do các bên chấp thuận, nhằm thiết lập một tòa án để điều trần và phán quyết vấn đề này. Nhưng nếu họ không đạt được sự đồng ý, Quốc hội sẽ bổ nhiệm ba người của mỗi tiểu bang, và từ danh sách những người này, mỗi bên lần lượt gạch bỏ tên một người và bên khởi kiện bắt đầu trước, cho đến khi con số này chỉ còn 13 và khi đó, Quốc hội sẽ chọn ra không nhiều quá 9 và không ít hơn 7 người trong số này, và với sự hiện diện của họ, Quốc hội sẽ rút thăm ra 5 người sẽ là các thẩm phán để nghe và phán quyết cuối cùng, sao cho đa số các thẩm phán này sẽ nghe và đồng ý với quyết định. Nếu bên nào từ chối có mặt tại ngày chỉ định mà không trình bày lý do được Quốc hội phán quyết là chính đáng, hay có mặt, nhưng từ chối gạch tên trong việc bầu chọn thẩm phán, thì Quốc hội sẽ tiến hành đề cử mỗi tiểu bang ba người, và viên thư ký của Quốc hội sẽ gạch thay cho bên vắng mặt, hay từ chối thực hiện. Việc xét xử và lời phán quyết của tòa án này sẽ thực hiện như nói ở trên, và sẽ là quyết định duy nhất và cuối cùng. Nếu bất kỳ bên nào từ chối chấp nhận phán quyết của tòa án này, hay bảo vệ quan điểm và lý do của mình, thì tòa án sẽ tiến hành thông báo phán quyết, và đó sẽ là phán quyết cuối cùng. Lời phán quyết này và các tiến trình xét xử khác, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải trình lên Quốc hội, và lưu giữ thành các đạo luật của Quốc hội, để đảm bảo an toàn cho các bên có liên quan. Mọi viên chức được ủy quyền này [tức lá các thẩm phán xét xử phiên toà], trước khi tham gia quá trình xét xử, sẽ phải tuyên thệ với một trong những viên thẩm phán tòa án tối cao, hay tòa án cao cấp của tiểu bang đó, nơi xét xử vụ án này: "nghe một cách trung thực và chuẩn xác để quyết định vấn đề đưa ra, căn cứ vào sự phán xét tốt nhất của tôi, không hề thiên vị, hay bị tác động bởi lòng trông đợi được ban thưởng". Nhưng không có tiểu bang nào bị lấy đi vùng lãnh thổ, để đổi lấy lợi ích cho Hợp chúng quốc.
Quốc hội Hợp chúng quốc là cơ quan duy nhất có quyền qui định trị giá của đồng tiền và các loại vàng bạc do cơ quan này ban hành, hay do các tiểu bang tương ứng ban hành; quyền ấn định các tiêu chuẩn về khối lượng và đo lường trên khắp Hợp chúng quốc; quyền qui định thương mại và quản lý mọi việc liên quan đến người Da Đỏ, khi không thuộc phạm vi kiểm soát của bất kỳ tiểu bang nào, miễn là quyền lập pháp của các tiểu bang trong lãnh thổ của mình không bị vi phạm và xâm chiếm; quyền thiết lập và điều hành các sở bưu điện trên khắp lãnh thổ Hợp chúng quốc và qui định khoản bưu phí trên các giấy tờ chuyển qua những bưu cục này để thanh toán chi phí của các sở bưu điện; quyền bổ nhiệm mọi viên chức trong lực lượng lục quân của Hợp chúng quốc, ngoại trừ các sĩ quan trung đoàn; quyền bổ nhiệm mọi sĩ quan của hải quân và chỉ đạo mọi hoạt động của viên chức Hợp chúng quốc; quyền ban hành những qui định cho chính phủ và các lực lượng hải quân và lục quân, và chỉ đạo sự hoạt động của họ.
Quốc hội Hợp chúng quốc có quyền thiết lập một ủy ban, hoạt động trong thời gian Quốc hội ngừng họp, có tên là "Ủy ban của các tiểu bang", mỗi tiểu bang có một đại biểu; có quyền bổ nhiệm những ủy ban khác và các viên chức dân sự cần thiết cho việc điều hành công việc chung của Hợp chúng quốc theo sự chỉ đạo của các ủy ban này và bổ nhiệm một trong số họ làm chủ tịch, miễn là không có người nào được phép giữ chức vụ chủ tịch quá một năm trong một khoảng thời gian ba năm; có quyền xác định chính xác số tiền cần thiết phải thu cho các hoạt động của Hợp chúng quốc và sử dụng số tiền này cho việc thanh toán các khoản chi tiêu của cộng đồng; có quyền vay mượn tiền, hay phát hành tiền giấy của Hợp chúng quốc; và cứ nửa năm thông báo cho các tiểu bang tương ứng khoản tiền cần vay mượn hay cần phát hành; có quyền xây dựng và trang bị cho hạm đội; có quyền phê chuẩn số lượng lục quân và qui định số binh lính các tiểu bang phải đóng nộp theo tỷ lệ dân số da trắng của tiểu bang đó. Các yêu cầu này là bắt buộc và theo đó, cơ quan lập pháp mỗi tiểu bang sẽ bổ nhiệm các viên sĩ quan cấp trung đoàn, sẽ tuyển quân và cung cấp quân phục, vũ khí và trang bị họ thành những người lính bằng chi phí của Hợp chúng quốc. Những sĩ quan và binh lính được trang bị vũ khí và quần áo đó phải hành quân về một địa điểm chỉ định, trong khoảng thời gian Hợp chúng quốc yêu cầu. Nhưng nếu Quốc hội Hợp chúng quốc, khi xem xét hoàn cảnh, phát hiện thấy tiểu bang nào không tuyển mộ quân đội, hay tuyển mộ không đủ số lượng qui định, hay tiểu bang nào đó tuyển quá mức qui định, thì số lượng tăng thêm, số sĩ quan, quần áo và vũ khí cũng phải trang bị như nhưng người lính theo qui định của tiểu bang đó, trừ phi cơ quan lập pháp của tiểu bang đó phán quyết rằng số tăng thêm này không thể an toàn, nếu không trang bị đúng như qui định. Những sĩ quan và binh lính được trang bị quần áo, vũ khí, và các đồ dùng khác đó cũng phải hành quân đến địa điểm qui định, theo thời gian do Quốc hội Hợp chúng quốc qui định.
Quốc hội Hợp chúng quốc không bao giờ cam kết về một cuộc chiến tranh, hay ban hành những giấy trưng thu và tịch thu trong thời bình, hay ký kết các hiệp ước hay liên minh, hay các loại tiền đồng, hay qui định giá trị của nó, cũng không được thu tiền và chi phí cần cho việc phòng vệ và thịnh vượng của Hợp chúng quốc hay của bất kỳ tiểu bang, không được ban hành tiền giấy, không được vay mượn tiền bằng tín dụng của Hợp chúng quốc, cũng không được chiến dụng các khoản tiền, cũng không được ấn định số lượng tàu chiến được đóng hay được mua, không được tuyển mộ lực lượng lục quân hay hải quân, cũng không bổ nhiệm viên Tổng chỉ huy lục quân hay hải quân, trừ phi được chín tiểu bang đồng ý; cũng không được chất vấn về bất kỳ một điểm nào khác ngoài việc được hoãn họp các buổi họp, trừ phi được đa số phiếu thuận trong Quốc hội.
Quốc hội Hợp chúng quốc có quyền hoãn họp tới bất kỳ thời điểm nào trong năm và tới bất cứ địa điểm nào trên nước Mỹ, nhưng thời gian hoãn đó không được dài quá 6 tháng và hàng tháng, phải công bố Biên bản các buổi họp của Quốc hội, ngoại trừ những phần liên quan đến các hiệp ước, liên minh hay các hoạt động quân sự mà họ cho là cần phải bí mật. Sự chấp thuận hay bác bỏ của đại biểu các tiểu bang về bất kỳ vấn đề nào cũng phải đưa vào trong Biên bản khi có bất kỳ đại biểu nào yêu cầu. Các đại biểu của một tiểu bang hay bất kỳ ai trong số họ, nếu có yêu cầu phải được nhận Bản báo cáo này, ngoại trừ những phần đã nói ở trên, để đệ trình lên cơ quan lập pháp của các tiểu bang.
Điều X.
"Ủy ban của các tiểu bang", hay bất kỳ 9 tiểu bang nào, có quyền điều hành trong thời gian Quốc hội nghỉ họp, với những quyền lực đã ban cho Quốc hội Hợp chúng quốc, nếu có sự chấp thuận của 9 tiểu bang, đồng ý rằng những quyền đó là phù hợp, miễn là không có quyền nào ủy nhiệm cho "Ủy ban của các tiểu bang" để điều hành những công việc mà Các điều khoản Hợp bang qui định phải cần được sự chấp thuận của 9 tiểu bang trong Quốc hội Hợp chúng quốc.
Điều XI.
Việc Canada gia nhập liên minh và tham gia các hoạt động của Hợp chúng quốc sẽ được chấp nhận và được hưởng mọi ưu đãi của liên minh này. Nhưng không một thuộc địa nào khác được chấp nhận như vậy, trừ phi được sự đồng ý của 9 tiểu bang.
Điều XII.
Mọi khoản tiền giấy đã được ban hành, các khoản tiền được vay mượn và các khoản nợ được ký kết bởi thẩm quyền của Quốc hội, trước khi Hợp chúng quốc được thiết lập, để phục vụ mục đích xây dựng liên minh này, sẽ được coi là các khoản nợ mà Hợp chúng quốc phải thanh toán. Sự cam kết với dân chúng phải được tôn trọng một cách trang nghiêm.
Điều XIII.
Mọi tiểu bang phải tuân thủ mọi quyết định của Quốc hội Hợp chúng quốc về tất cả mọi vấn đề do Liên minh qui định. Không tiểu bang nào có quyền vi phạm bộ luật Các điều khoản Hợp bang này. Liên minh của chúng ta là vĩnh cửu, không thể thay thế bất cứ điều khoản nào, tại bất kỳ thời điểm nào, trừ phi được sự chấp thuận của Quốc hội Hợp chúng quốc và sau đó, phải được các cơ quan lập pháp của tất cả tiểu bang phê chuẩn.
Bản Hiến pháp này sẽ làm hài lòng Đấng tối cao và thực hiện được mong ước của các cơ quan lập pháp mà chúng ta là người đại diện tại Quốc hội, những cơ quan chấp thuận và ủy quyền cho chúng ta ký kết Các điều khoản Hợp bang và Liên minh vĩnh viễn. Chúng tôi, những người đặt chữ ký tại đây, nhờ đức hạnh và sự cao cả của quyền lực ban cho xin thực hiện vì mục tiêu đó. Chúng tôi, những người có mặt ở đây, đại diện và thay mặt cho những người đã cử chúng tôi đến, hoàn toàn xác nhận mọi điều khoản trong bản Các điều khoản cho Hợp bang và Liên minh vĩnh viễn đã trình bày ở trên và về mọi điều nhắc đến trong văn bản này. Chúng tôi xin trang trọng tuyên thệ đã làm theo mọi niềm tin mà những người đã cử chúng tôi đến đây giao phó và họ cũng sẽ tôn trọng mọi quyết định của Quốc hội Hợp chúng quốc về mọi vấn đề do Liên minh quyết định. Những điều khoản này sẽ không bị các tiểu bang vi phạm mà chúng tôi là người đại diện và liên minh này sẽ tồn tại mãi mãi.
Chữ ký
Chúng tôi xin tuyên thệ về những hành động chúng tôi đã làm tại Quốc hội. Được làm tại thành phố Philadelphia của tiểu bang Pennsylvania vào ngày thứ Chín của tháng Bảy năm 1778 và là năm thứ Ba của nền Độc lập Mỹ.
Tiểu bang New Hampshire
·                     Josiah Bartlett
·                     John Wentworth Junr.
Ngày 8 tháng Tám năm 1778
Tiểu bang Massachusetts
·                     John Hancock
·                     Francis Dana
·                     Samuel Adams
·                     James Lovell
·                     Elbridge Gerry
·                     Samuel Holten
Tiểu bang Rhode Island
·                     William Ellery
·                     John Collins
·                     Henry Marchant
Tiểu bang Connecticut
·                     Roger Sherman
·                     Titus Hosmer
·                     Samuel Huntington
·                     Andrew Adams
·                     Oliver Wolcott
Tiểu bang New York
·                     James Duane
·                     Wm Duer
·                     Francis Lewis
·                     Gouv Morris
Tiểu bang New Jersey, Ngày 26 tháng Mười một năm 1778
·                     John Witherspoon
·                     Nathaniel Scudder
Tiểu bang Pennsylvania
·                     Robt Morris
·                     William Clingan
·                     Daniel Roberdeau
·                     Joseph Reed
·                     John Bayard Smith
Ngày 22 tháng Bảy năm 1778
Tiểu bang Delaware
·                     Tho Mckean Ngày 12 tháng Hai năm 1779
·                     John Dickinson Ngày 5 tháng Năm năm 1779
·                     Nicholas Van Dyke
Tiểu bang Maryland
·                     John Hanson Ngày 1 tháng Ba năm 1781
·                     Daniel Carroll Do
Tiểu bang Virginia
·                     Richard Henry Lee
·                     John Harvie
·                     John Banister
·                     Francis Lightfoot Lee
·                     Thomas Adams
Tiểu bang Bắc Carolina
·                     John Penn Ngày 21 tháng Bảy năm 1778
·                     Corns Harnett
·                     John Williams
Tiểu bang Nam Carolina
·                     Henry Laurens
·                     Richd Hutson
·                     William Henry Drayton
·                     Thos Heyward Junr
·                     John Mathews
Tiểu bang Georgia
·                     John Walton Ngày 24 tháng Bảy năm 1778
·                     Edwd Telfair
·                     Edwd Langworthy


Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hợp Chủng Quốc Mỹ 1791

Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hợp Chủng Quốc Mỹ 1791

Quốc hội Hợp chúng quốc,
bắt đầu nhóm họp tại thành phố New York, vàongày thứ Tư lần thứ tư của tháng 3, năm 1791.

Vào thời gian phê chuẩn bản Hiến pháp này, Hội nghị của một số tiểu bang, đã thể hiện lòng mong ước ngăn chặn những sai trái hay lạm dụng quyền lực của bản Hiến pháp này, cho rằng cần phải bổ sung một tuyên bố rõ ràng hơn về các quyền của dân chúng và có những điều khoản hạn chế quyền của chính phủ, để tăng niềm tin của dân chúng vào chính quyền và để đảm bảo tốt nhất những mục đích tốt đẹp của thể chế này. Theo quyết định của Thượng viện và Hạ viện của Hợp chúng quốc, 2/3 đại biểu của cả hai Viện đã đồng ý rằng những điều khoản sau đây sẽ gửi đến các cơ quan lập pháp tiểu bang, như những tu chính án cho bản Hiến pháp Hợp chúng quốc. Tất cả, hay bất kỳ một điều khoản nào ở đây, khi được 3/4 các cơ quan lập pháp tiểu bang, đã nói ở trên, phê chuẩn, sẽ có giá trị về mọi ý nghĩa và mục đích như một phần của bản Hiến pháp.Các điều khoản bổ sung này và các bản tu chính án của Hiến pháp Hợp chúng quốc, được Quốc hội đề xuất và được các cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua, tuân theo đúng qui định tại điều 5 của bản Hiến pháp.
Điều thứ nhất.
Sau cuộc kiểm tra dân số đầu tiên theo quy định ở điều đầu tiên của Hiến pháp, cứ 30.000 người sẽ có một Hạ nghị sĩ cho đến khi đạt đến 100 đại biểu, sau đó tỷ lệ này sẽ được Quốc hội điều chỉnh, sao cho không ít hơn 100 đại biểu, hoặc không dưới một đại biểu trên 40.000 người, cho đến khi số đại biểu đạt đến 200; sau đó nữa Quốc hội sẽ tiếp tục điều chỉnh, sao cho có không ít hơn 200 đại biểu, hoặc không dưới một đại biểu trên 50.000 người.
Điều thứ hai
Sẽ không có luật nào điều chỉnh mức lương của các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ được phép thông qua, cho đến khi diễn ra một cuộc bầu cử Hạ viện.
Điều thứ ba
Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo, hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và kiến nghị lên chính phủ các điều thỉnh cầu, để bày tỏ những nỗi bất bình của họ.
Điều thứ tư
Vì lẽ một đội dân quân được tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, nên quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.
Điều thứ năm
 Không một quân nhân nào, trong thời bình, lại được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào, nếu không được sự đồng ý của chủ nhà và ngay cả trong thời chiến, cũng phải tuân theo qui định của luật pháp.
Điều thứ sáu
Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét, tịch thu và bắt giam vô lý, sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp, nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ, hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét và chỉ rõ người và đồ vật phải bắt giữ.
Điều thứ bảy
Không một ai bị buộc phải trả lời về một trọng tội, hay một tội xấu xa khác, nếu không có một cáo tội trạng hay tố cáo trạng do bồi thẩm đoàn đưa ra, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân, hoặc trong lực lượng dân quân dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến, hoặc trong tình trạng báo động. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể. Không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật. Không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.
Điều thứ tám
Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước. Bị cáo có quyền được biết về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được nhận sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
Điều thứ chín
Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, quyền được xét xử bằng bồi thẩm đoàn phải được tôn trọng. Không một vụ việc nào, sau khi đã được Bồi thẩm đoàn xét xử, lại bị xem xét một lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hợp chúng quốc mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.
Điều thứ mười
Không được đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không được áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không được áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.
Điều thứ mười một
Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.
Điều thứ mười hai
Những quyền không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang đều thuộc về các bang hoặc dành cho dân chúng.”
LÀM CHỨNG,
Frederick Augustus Muhlenberg  Phát ngôn viên Hạ viện
John Adams, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Thượng viện.
John Beckley, Thư ký Hạ viện.
Sam A. Otis, Thư ký Thượng viện.